1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bão biển và nước mắt ngư dân

(Dân trí) - “Với ngư dân chúng tôi, thuyền là nhà, biển là cuộc sống, biển mang về cá tôm nhưng với biển cũng là nỗi ám ảnh đầy đáng sợ, biết bao nhiều người đã đi và không trở về, biết bao con thuyền phải nằm lại dưới đáy biển. Với chúng tôi mỗi chuyến biển là một chuyến lo nhưng không ra biển là nhớ”, ngư dân Trần Văn Ất tâm sự.

Ngư dân xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch trục vớt tàu thuyền bị chìm trong bão số 2

Những ngư dân Quảng Bình sẵn sàng cho một chuyến ra khơi
Những ngư dân Quảng Bình sẵn sàng cho một chuyến ra khơi

Ở các làng biển Quảng Bình, câu chuyện về những ngư dân phải nằm lại mãi mãi với biển khơi, hay những câu chuyện về những ngôi mộ gió có lẽ không còn là điều xa lạ. Nghề biển bạc nhưng nó là cái nghiệp của ngư dân, đời này nối tiếp đời kia, biển đã ngấm sâu trong máu thịt của họ. Biển không chỉ là nơi gắn bó nghề nghiệp, nơi để mưu sinh mà đã trở thành hồn cốt.

“Với ngư dân chúng tôi, thuyền là nhà, biển là cuộc sống, biển mang về cá tôm nhưng với biển cũng là nỗi ám ảnh đầy đáng sợ, biết bao nhiều người đã đi và không trở về, biết bao con thuyền phải nằm lại dưới đáy biển. Với chúng tôi mỗi chuyến biển là một chuyến lo nhưng không ra biển là nhớ”, ngư dân Trần Văn Ất tâm sự.

Hàng loạt tàu cá của ngư dân xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch tan tành sau cơn bão số 2
Hàng loạt tàu cá của ngư dân xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch tan tành sau cơn bão số 2

Trước một chuyến đi xa, những người đi biển thường có một đêm không ngủ, nỗi lo thời tiết cứ thường trực trong đầu.

Khi chưa đầy 15 tuổi, ngư dân Hoàng Văn Hùng tại xã biển Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình đã lênh đênh trên những con tàu vượt sóng vươn khơi. Hơn 30 năm bám biển mưu sinh, anh không thể nhớ hết mình đã đi bao nhiêu chuyến biển và cả những hiểm nguy anh và các bạn thuyền từng gặp phải.

“Đời đi biển là sương gió, tôi lên thuyền ra khơi khi mới 14 tuổi, đến nay cũng đã hơn 30 năm, những ngư dân chúng tôi luôn phải đối diện với sự khốc liệt của thiên nhiên, nhất là bão, một người đi biển không trở về, một chiếc tàu chìm trong mưa bão đó là những nỗi buồn mà người ngư dân vẫn luôn phải chịu đựng”, anh Hùng chia sẻ.

Bão đi qua, những gì còn lại với người ngư dân là chiếc tàu cá hư hỏng, phần máy tàu chìm trong nước biển
Bão đi qua, những gì còn lại với người ngư dân là chiếc tàu cá hư hỏng, phần máy tàu chìm trong nước biển

Có quá nhiều tai ương có thể đổ lên đầu ngư dân khi ra biển. Thiên tai vẫn đang ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu, những cơn bão mạnh với đường đi khó lường vẫn tràn vào biển Đông ngày càng nhiều hơn.

Không chỉ đe dọa những chiếc thuyền mỏng manh trên biển và sinh mạng ngư dân, bão cuốn phăng cả những chiếc thuyền, là tài sản quý giá nhất của người ngư dân đang neo đậu gần bờ.

Mới đây nhất, bão số 2 đổ bộ vào miền Trung đã khiến hàng chục tàu cá của ngư dân Quảng Bình tại cảng Hòn La bị đánh chìm. Theo thống kê có tất cả 57 tàu thuyền neo đậu tại khu vực Cảng Hòn La bị hư hỏng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Một ngư dân thẫn thờ nhìn chiếc tàu cá của mình bị chìm sau cơn bão
Một ngư dân thẫn thờ nhìn chiếc tàu cá của mình bị chìm sau cơn bão

Sau cơn bão số 2, cảng Hòn La chỉ còn lại những chiếc tàu cá bị đánh tả tơi nằm ngổn ngang, gỗ văng tứ tung, nhiều chiếc bị nhấn chìm toàn bộ vẫn chưa trục vớt lên được.

Các ngư dân lại phải cố nuốt nước mắt, gắng lặn mò những chiếc máy bị chìm ở đáy biển, gom nhặt những mảnh gỗ và vật dụng còn sót lại để về sửa chữa, tiếp tục nghiệp biển.

Ngồi thẫn thờ bên chiếc tàu cá đã vỡ nát sau cơn bão, ngư dân Nguyễn Đức Long cho biết, chiếc tàu cá này là tài sản mà gia đình ông giành dụm rồi thêm tiền đền bù sự cố môi trường biển mới có được, thế nhưng giờ đây chỉ còn là đống gỗ vụn, phần máy tàu bị chìm dưới biển cũng chưa thể lấy lên.

“Tui không có tiền đóng tàu lớn nên chỉ cố gắng được để đóng con tàu này để đánh bắt gần bờ, mưu sinh, nó cũng ngốn mất của gia đình tui hơn 300 triệu bạc. Rứa mà bão vô một cái chẳng còn gì nữa, chỉ còn mỗi cái máy đang chìm dưới nước, đưa lên làm lại cũng hết cả trăm triệu”, ông Long buồn bã.

Ngư dân Phan Văn Thái đang cố gom nhặt những mảnh vở còn sót lại của con tàu
Ngư dân Phan Văn Thái đang cố gom nhặt những mảnh vở còn sót lại của con tàu

Cùng cảnh ngộ với ông Long, tàu của ông Phan Văn Thái (SN 1967), trú thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông cũng bị sóng đánh làm hư hỏng hoàn toàn. Ông Thái cho biết khi nghe tin có bão, ông đã neo kỹ tàu nhưng do gió to, sóng quá mạnh, con tàu bị dật neo rồi đập vào bờ đá vỡ ra rồi chìm xuống nước.

“Nhìn cảnh tàu bè nát tươm bên cảng chỉ biết nuốt nước mắt chú ạ, tài sản tích cóp, vay nợ mới đóng và đi được 1 mùa biển đã bị bão phá tan tành, đang nói để cố mấy ngày biển góp ít tiền nữa cho con vào năm học mới, rứa mà giờ...”, ngư dân Thái thở dài.

Sau một cơn bão, đối với ngư dân lại là những nỗi buồn, và ngư dân xã Quảng Đông sau bão số 2 cũng vậy, họ không thể biết phải tính như thế nào trong thời gian tới, khi tài sản mưu sinh, phương tiện bám biển chỉ còn là những mảnh ván trôi dạt trên mặt sóng và phía sau đó là những giọt nước mắt buồn bã...

Tiến Thành