1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bánh trung thu Kinh Đô hỏng trước hạn dùng

(Dân trí) - Trong số bánh trung thu Kinh Đô mà anh Dương Văn Quyết mua về có hai bánh dẻo nứt ra, chảy nước vàng; hai chiếc khác thì phồng rộp lên. Trong khi đó, hạn sử dụng ghi trên bao bì hộp bánh đến tận 30/9/2005.

Đầu tháng 9, gia đình anh Dương Văn Quyết (trú tại số nhà 99 ngõ 129 Trương Định - Hà Nội) mua hơn 10 hộp bánh Kinh Đô (loại hộp 4 chiếc) để ăn và biếu tặng bạn bè. Sợ hàng giả, anh chị đã chọn mua bánh tại hai đại lý lớn của Kinh Đô ở Thái Hà và Giảng Võ. Tất cả số bánh đều có nhãn mác, tem, mã vạch của Kinh Đô. Để được gần 10 ngày thì trong số 5 hộp bánh còn lại, một số hộp có dấu hiệu bất thường.

 

Lo lắng cho người nhà và những người đã sử dụng số bánh được biếu, anh Quyết liền gọi điện trực tiếp sang Công ty cổ phần bánh kẹo Kinh Đô ở Hưng Yên phản ánh tình hình và được yêu cầu đọc lại mã sản phẩm để kiểm chứng.

 

Ngày 13/9, một người xưng danh nhân viên của công ty đã đến nhà anh để đổi bánh, mang sản phẩm về kiểm tra nhưng không có giấy tờ chứng minh là nhân viên của Kinh Đô, cũng như không biên nhận việc đổi lại bánh nên gia đình anh Quyết không chấp nhận.

 

Đến nay, bao bì chiếc bánh dẻo hạt sen 1 trứng 250g mã số 8934680090339 đã căng phồng đến mức sắp làm bục đường ráp nối trên bao bì. Còn chiếc bánh dẻo đậu xanh 1 trứng 250g mã số 8934680090346 thì chảy nước vàng loang lổ, bề mặt ướt nhầy nước, khó nhận ra đường nét, hoa văn trên mặt bánh dù vẫn có hàng chữ rập nổi KIDO.

 

Bánh trung thu Kinh Đô hỏng trước hạn dùng - 1

Anh Quyết với chiếc bánh dẻo đậu xanh 1 trứng 250g chảy nước vàng.

Anh Quyết cho biết: “Dương Mạnh Hùng - nhân viên của Công ty đã cử người đến gia đình anh để thu hồi những chiếc bánh hỏng giải thích: Do Kinh Đô mới nhập dây chuyền sản xuất mới nên có thể có lỗi. Công ty cần lấy lại chiếc bánh để kiểm tra” (?!).

 

Trong ngày, phóng viên đã liên hệ nhiều lần với ông Dương Mạnh Hùng và ông Khoa - Trưởng phòng hành chính của Công ty Kinh Đô tại Hưng Yên nhưng vẫn chưa nhận được sự cộng tác tích cực.

 

Ông Hoàng Thủy Tiến - Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã có ý kiến nhận định về sự việc: “Bằng mắt thường khó có thể phân biệt được bánh thật hay giả. Ngay cả việc sử dụng mã vạch để quản lý nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thì vẫn có thể làm giả được. Khi xảy ra sự việc này, trước hết cần kiểm chứng lại sản phẩm.

 

Có thể khẳng định chắc chắc là mhững chiếc bánh trên có vấn đề về chất lượng. Vì vậy, bản thân người đại diện của Công ty nên đưa ra lời cảnh báo đối với người tiêu dùng nhằm tránh trường hợp lợi dụng sản phẩm, nhãn mác của Công ty để làm sai, thu lợi bất chính, xâm phạm lợi ích chính đáng của người tiêu dùng”.

 

Hiện tại các cơ quan báo chí đang giữ mẫu hai chiếc bánh dẻo kém chất lượng trên để có công văn yêu cầu cơ quan giám định xác minh làm rõ vấn đề để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

 

Bánh trung thu kém chất lượng là nỗi lo của người tiêu dùng khi ngày vui tết Trung thu đang đến gần. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất vì lợi nhuận vẫn bất chấp tất cả, trong trường hợp đó ai bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

 

Để giúp độc giả phản ánh kịp thời những bức xúc của mình về chất lượng của những chiếc bánh trung thu nói chung, bạn đọc có thể gọi đến các số điện thoại nóng của phóng viên báo Dân trí: 0912 505 333, 0913 384 105, 0912 243 230.

 

Phương Thảo