Bản vùng cao 18 năm không có người sinh con thứ 3
(Dân trí) - Ở vùng biên viễn heo hút ấy, người dân có cái nhìn rất hiện đại, tiến bộ về việc sinh con đẻ cái. Những bản không có người sinh con thứ 3 không còn là chuyện hiếm ở xã biên giới Thông Thụ, Quế Phong, Nghệ An.
“Ở dưới xuôi cứ rộ lên chuyện sinh con thứ 3 rồi kiện cáo này nọ, ở đây thì trái ngược. Đồng bào chỉ sinh 2 người con thôi. Nhà này thi đua với nhà kia, bản này thi đua với bản nọ. Trước thì chỉ có ở bản Mai, giờ thì có nhiều bản ở Thông Thụ không sinh con thứ 3”, Đại úy Nguyễn Văn Thưởng – Chính trị viên phó Đồn biên phòng Thông Thụ, BĐBP tỉnh Nghệ An nói khi dẫn chúng tôi đến bản Mai, nơi 18 năm qua không có người sinh con thứ 3. Có lẽ “kỉ lục” này nhiều địa phương ở miền xuôi cũng khó lòng đuổi kịp.
Chiều bản Mai yên ả. Vào mùa khai thác lùng, hầu hết người dân trong bản vào rừng thu hái lâm sản phụ. Sẩm tối, vợ chồng anh Lang Văn Hoài (SN 1982) - Phó bản Mai mới trở về. Bé Lang Thị Huệ (SN 2006) bế đứa em gái Lang Yến Chi mới hơn 1 tuổi ra đón mẹ. Tính ra hai chị em cách nhau đến 10 tuổi.
“Cháu thứ 2 mất vì bạo bệnh nên vợ chồng mình mới sinh thêm Yến Chi. Chỉ sinh 2 con thôi, bản quy định vậy rồi. Không phải mỗi nhà mình đâu, cả bản đều như thế. Quy định của bản là sinh con thứ 3 sẽ bị phạt tiền nhưng người dân ở đây không sinh con thứ 3, thứ 4 không phải vì sợ phạt mà sinh nhiều thì không có điều kiện nuôi con ăn học. 18-19 năm nay ở bản Mai chưa có ai bị phạt vì sinh con thứ 3”, phó bản Lang Văn Hoài cho biết.
Nhiều hộ sinh sinh hai con gái nhưng cũng không nghĩ tới việc cố sinh được con trai để nối dõi tông đường. Chị Lô Thị Hồng (SN 1989), mẹ của hai cô con gái nói: “Con trai hay con gái gì cũng là con mà. Phải nuôi con ăn học, dạy dỗ chu đáo thì con trai hay con gái cũng biết hiếu thảo với bố mẹ thôi”.
Đến bản Mường Piệt, xã Thông Thụ, chúng tôi theo chân chị Lương Thị Định (SN 1979), Chi Hội trưởng chi hội phụ nữ bản đi tuyên truyền các biện pháp tránh thai cho chị em hội viên. Ở bản vùng biên này, chị em phụ nữ không còn ngại ngùng khi đề cập đến việc đặt vòng, triệt sản hay sử dụng bao cao su trong quan hệ vợ chồng.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, 4 năm nay Mường Piệt cũng không có gia đình nào sinh con thứ 3. Không những vậy mà nhiều năm nay ở Mường Piệt cũng không có tình trạng tảo hôn.
“Không phải tuyên truyền 1 lần, 2 lần là chị em “thông” cả đâu. Nhiều khi các chị hội viên muốn dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt nhưng còn chồng, áp lực gia đình chồng phải sinh con trai để nối dõi tông đường.
Mình phải tuyên truyền liên tục, đến tận nhà vận động, giao chị em hội viên xung quanh giúp đỡ, giải thích cụ thể cặn kẽ hơn. Cứ suy từ bố mẹ, ông bà mình ra là biết mà, sinh nhiều con là khổ. Bố mẹ khổ rồi, không thể để con cái khổ nữa, phải để cho các con đi học. Học xong ở xã thì ra huyện học, xuống tỉnh học nữa. Mà nghèo đói, đông con thì làm sao cho con học được. Được học nhiều thì biết nhiều, làm ăn kinh tế cũng dễ hơn”, chị Định chia sẻ.
Bản Na Lướm có 42 hộ, 158 nhân khẩu, là bản “trẻ” của xã Thông Thụ, vừa mới được thành lập được 5 năm. Là bản mới, việc xây dựng kinh tế - văn hóa, nâng cao đời sống người dân rất khó khăn nhưng điều đặc biệt là từ khi thành lập bản đến nay trong bản không có gia đình nào sinh con thứ 3.
Theo ông trưởng bản Hà Văn Khoa, cuộc vận động xây dựng mô hình không sinh con thứ 3 ở Na Lướm không chỉ là riêng trách nhiệm của Chi hội phụ nữ mà phải có sự chung tay, góp sức từ các tổ chức chính trị xã hội khác. Trong đó việc thay đổi, nhận thức của người đàn ông cũng hết sức quan trọng. Không những không sinh con thứ 3 mà khoảng cách sinh giữa 2 lần của đồng bào nơi đây cũng rất khoa học, nhiều hộ gia đình con thứ hai cách con đầu tối thiểu 5 năm.
Vợ chồng anh Lô Thái Nguyên (SN 1985, bản Na Lướm) có 2 người con, đứa 9 tuổi, đứa 4 tuổi. Hai vợ chồng làm rẫy, hết mùa rẫy thì vào rừng thu hái lâm sản phụ. Đứa lớn đi học tiểu học, đứa nhỏ đi nhà trẻ. Hai vợ chồng cũng đã xây dựng được cơ ngơi kha khá ngay trung tâm bản.
“Mình đẻ ít, đẻ thưa mới có thời gian chăm sóc con cái, có thời gian làm kinh tế. Bây giờ con trai, con gái gì cũng bình đẳng rồi, mà chưa chắc sinh nhiều con trai đã tốt hơn sinh con gái. Cái quan trọng là mình chăm sóc, nuôi dạy con như thế nào cho tốt thôi”, anh Lô Thái Nguyên tâm sự.
Chia sẻ về mô hình bản không sinh con thứ 3, bà Lương Thị Phượng – Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Thông Thụ cho biết: “Để đạt được kết quả này là sự vào cuộc sát sao của cấp ủy đảng, các tổ chức chính trị xã hội, trong đó Hội liên hiệp phụ nữ và cán bộ chuyên sách dân số đóng vai trò nòng cốt.
Việc thành lập các CLB không sinh con thứ 3 gắn với cuộc vận động “5 không 3 sạch”, tổ chức từng hộ gia đình, từng bản ký cam kết đã tạo ra phong trào thi đua giữa các bản, tạo ra bước chuyển biến quan trọng về nhận thức, tư duy của người dân trong việc sinh đẻ, nuôi dạy con cái. Không chỉ không sinh con thứ 3 mà mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của chị em hội viên cũng đã được nâng cao đáng kể”.
Tôi nhớ mãi câu nói của Lô Thái Nguyên “con trai con gái gì cũng là con, cốt yếu là nuôi dạy thế nào cho tốt”. Điều những tưởng như rất đơn giản ấy ngay ở miền xuôi - những nơi có điều kiện kinh tế, xã hội tốt hơn, không phải ai cũng hiểu được.
Hoàng Lam