1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bàn thờ Quốc Tổ trong lòng dân phương Nam

Mỗi dịp tháng Ba âm lịch về, tự trong lòng mỗi người dân Việt lại náo nức ngày Giỗ Tổ. Phảng phất trong khói hương là những ấm cúng ngọt ngào nhắc rằng mình là con cháu Lạc Hồng. Dù ở rất xa đất Tổ nhưng hơi ấm ngày giỗ Tổ vẫn đượm nồng ở đất phương Nam.

Thầy giáo nghèo và Tổ đình Quốc Tổ

 

Đến Tổ đình Quốc Tổ Lạc Hồng (94 Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, TPHCM) khó ai tưởng tượng được khuôn viên khoảng 500m2 sạch đẹp này từng là khu đền nhỏ cột kèo bằng gỗ, lợp mái lá được một nhà giáo nghèo từ Châu Đốc (An Giang) dựng vào những năm 60.

 

Vốn là một người con của vùng đất Tổ (Phú Thọ), thầy Sơn Hồng Đăng đã ở vào tuổi xưa nay hiếm nhưng luôn mang trong mình niềm tự hào về quê cha đất Tổ. Ngoài khu đình Quốc Tổ mà thầy coi sóc hiện nay, còn có hai khu đền nhỏ ở Châu Đốc (An Giang) thầy dựng lên cho bà con thân hữu coi sóc. Với thầy, “Tôi luôn muốn lập đền Quốc Tổ, lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo không quan trọng vì đó là tấm lòng”.

 

Tổ đình Quốc Tổ Lạc Hồng có ba tượng thờ: Quốc Tổ Hùng Vương, Quốc Mẫu Âu Cơ bằng đồng và tượng cha Lạc Long Quân đắp bằng thạch cao. Tượng Lạc Long Quân gắn nhiều kỷ niệm với thầy do tự tay thầy đắp lấy. Đầu tiên, ông đắp tượng cha Lạc Long Quân, với gương mặt chữ điền vuông vức, nụ cười đầy hào khí đặt ngay ngoài sân khu đình. Lính Việt Nam Cộng hoà bấy giờ đi ngang, buộc ông hạ tượng, dẹp đình nếu không sẽ đốt đình và bắt giam vì “có máu Việt cộng” mới thờ tổ tiên!

 

Ông giáo nghèo trằn trọc suốt ba đêm, giấu tượng vào chỗ khuất và tìm ra một giải pháp: Đắp thêm phần… bụng và cái tai dài để những người nhìn qua dễ nhầm tưởng ông đắp tượng phật, thờ phật. Quả thật, sau khi “hoá trang” chút đỉnh cho cha Lạc Long Quân, ông không bị rầy la và yên ổn thờ cha Lạc, mẹ Âu Cơ cùng Quốc Tổ tới tận hôm nay. Đây cũng chính là nguyên do nhiều người thắc mắc về bức tượng đặc biệt này.

 

Ngoài những cổ vật gia đình gìn giữ, ở đây còn có nhiều phiên bản trống đồng, chiêng đồng do bà con đưa từ đất Tổ vào tặng năm 1990. Hàng năm, Tổ đình tổ chức trọng lễ vào ngày 9, 10/3 âm lịch, đón hàng trăm đoàn khách từ các tỉnh về làm lễ Tổ. Số lượng khách tăng hàng năm, thậm chí không ít đoàn khách từ miền Bắc cũng ghé thăm. Trong mắt ông chủ đình Sơn Hồng Đăng, “càng đông người đến, tôi càng vui vì ngày Giỗ Tổ, con cháu lại cùng ngồi bên nhau nhắc chuyện cha ông”.

 

Khi chúng tôi ngỏ lời hỏi thăm ai sẽ coi sóc giúp ông ngôi đình, khi tuổi của ông ngày càng cao, sức yếu. Ông lão móm mém, hiền từ: “Đó chắc chắn phải là người Việt Nam, có lòng hiếu kính với tổ tiên, cha ông. Tôi không màng rằng, vì khu đình to mà dứt khoát phải để cho cháu con mình, nếu nó không hiếu nghĩa”.

 

Bác xích lô dâng nhà xây đền thờ Quốc Tổ

 

Đền quốc Tổ Hùng Vương ở số 22/93 Trần Bình Trọng, phường 1, quận 5, TPHCM hàng năm vẫn tổ chức tưng bừng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và giỗ Đức Hưng Đạo Vương vốn được dựng lên từ mảnh đất nhà của bác xích lô Trần Văn Cậy dâng tặng. Một đời bác đạp xích lô dành dụm, đến khi chết chỉ có nguyện vọng duy nhất: tặng nhà cho người dân trong vùng, mong họ xây một cái miếu hoặc khu đền nhỏ để có một mảnh đất thờ Quốc Tổ.

 

Những ngày đầu, số tiền góp xây đền Quốc Tổ là do bà con lao động nghèo trong vùng tùy tấm lòng gom góp lại. Vì thế nên đền còn đơn sơ, dột nát. Hàng năm người dân trong vùng lại gom góp tiền sửa chữa, nâng cấp nên giờ rất tươm tất. “Đền nhỏ, nhưng ấm cúng lắm. Đền chật, nhưng khách đến thăm chúng tôi luôn chào đón, vì tấm lòng người dân mình luôn hào sảng, thoải mái mà” - một cụ ông trong ban quy tế đền cởi mở.

 

Đền chỉ rộng hơn 30m2, đơn sơ với tường gạch, mái lợp tôn. Cửa phía ngoài dẫn vào chánh điện uy nghi với bàn thờ Tổ. Cao nhất là Quốc Tổ Hùng Vương, mẹ Âu Cơ, hai bên thờ lạc tướng, lạc hầu; phía dưới thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (theo lời giải thích, là tượng trưng cho nét đẹp đoan trang, sắc sảo của người con gái Việt Nam). Những bức tượng rất đẹp, được sơn son thếp vàng làm nên không gian thành kính này vốn là quà tặng từ Trường PTTH Hùng Vương vào năm 1998.

 

Hiện nay, đền do bà Tôn Nữ Văn Hy quản lý. Ngoài ra, có một ban quy tế gồm 20 người, phần lớn là các cụ cao niên, ngày rằm và mồng một vẫn cử người khăn áo nghiêm trang thắp hương cầu phúc cho con cháu nước Việt. Đặc biệt, ngày Giỗ Tổ, giỗ Hưng Đạo Vương (tháng 8 âm lịch) khu đền nhỏ này nườm nượp người vào ra, tổ chức trọng lễ, dâng hương hoa thành kính..

 

Gia tài lớn nhất: Yêu kính tổ tiên

 

Ngôi đền tại gia 212/215 Nguyễn Văn Nguyễn, phường Tân Định, quận 1 được người thợ thêu Đoàn Văn Nụ dựng lập khoảng năm 1965 ngay trên phần đất gia đình. Ông vốn là một người miền Trung, vào Nam lập nghiệp, mang theo nghề thêu truyền thống và lòng thành kính tổ tiên truyền thống cha ông để lại. Khu đền được xây cùng với nhà xưởng, với ‎ý thức chung “an cư, lạc nghiệp”.

 

Khi mới xây dựng, đền rộng khoảng 40m2, khá thấp với mặt con hẻm trước nhà nên mỗi mùa mưa đến vẫn bị nước lúp xúp tràn vào. Đền nằm ngay bên cạnh khu xưởng thêu và nhà ở vì ông Nụ muốn con cháu mình sẽ luôn gần gũi với ý thức tôn trọng truyền thống cha ông, tổ tiên. Về sau, tới đời con ông, khu nhà mới được dựng lên, ngay bên phải nhà là căn phòng thờ rộng, màu sắc trang nhã. Tất cả bình hương, đồ cổ vật, câu đối, bình phong… được dời chuyển qua. Từ đó, hết cảnh ngập nước mỗi mùa mưa về.

 

Bước vào khu đền nhỏ này, điều đặc biệt là một không gian rất hoài cổ do những cổ vật, những trướng, câu đối, bài vị các vua và hình ảnh xưa cũ tạo nên. Điều đặc biệt, những câu đối trong không gian trang thờ này lại viết hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ chứ không phải chữ nho hay chữ nôm như vẫn thấy.

 

Anh Đoàn Văn Lộc, con trai ông Nụ, cho biết: “Gia tài lớn nhất mà cha chúng tôi để lại đó chính là tấm lòng chân thành tôn thờ đạo tổ tiên. Ngày giỗ Tổ hàng năm, ở đây vẫn tổ chức ban nữ tế dâng hương, hoa, lễ tưởng nhớ các vua Hùng”.

 

Theo sách Di tích TPHCM, hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 20 đền, miếu thờ các vua Hùng. Bên cạnh ba khu đền thờ vua Hùng ở trong khuôn viên Thảo cầm viên, công viên Tao Đàn, khu du lịch Suối Tiên được nhiều người dân biết tới, ghé thăm, đặc biệt TPHCM còn có những đền thờ dân dị, dựng lên từ những tấm lòng của người dân, và luôn rộng mở cửa đón “những người anh em chung Tổ, chung tông” - đó là nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây.

 

Theo Thu Hương

Vietnamnet