Bàn phương án, tên gọi mới của Bộ Xây dựng và GTVT, Bộ TN&MT và NN&PTNT
(Dân trí) - Nhận định việc hợp nhất các bộ là việc lớn, khó và nhạy cảm, Phó Thủ tướng yêu cầu hợp nhất không mang tính cơ học, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ để thiết kế tổ chức bộ máy mới.
Sáng 17/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và một số bộ, ngành liên quan về phương án hợp nhất hai Bộ.
Theo Phó Thủ tướng, đây là việc lớn, khó, nhạy cảm, tuy nhiên, hai Bộ đã tổ chức quán triệt nghiêm túc, thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo, Ban Cán sự Đảng, các đơn vị theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ. Tư tưởng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tương đối ổn định.
Nêu rõ yêu cầu "hợp nhất không mang tính cơ học, hợp sức để mạnh hơn", Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo hai Bộ tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ dựa trên sứ mệnh đặt ra cho bộ mới, từ đó thiết kế tổ chức bộ máy phù hợp, bảo đảm hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.
Theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, những nhóm chức năng, nhiệm vụ giao thoa, chồng chéo, trùng lặp phải sắp xếp theo nguyên tắc "một tổ chức có thể làm nhiều nhiệm vụ, một nhiệm vụ không thể giao cho 2 tổ chức".
Đồng thời, Bộ mới sau hợp nhất cần kiện toàn bộ máy, tổ chức để thực hiện những chức năng, nhiệm vụ làm chưa tốt hoặc được bổ sung theo sứ mệnh, mục tiêu mới.
Phó Thủ tướng nhắc Bộ GTVT và Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để xây dựng chính sách, tiêu chí rõ ràng khi đánh giá trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng… đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi tiến hành sắp xếp lại bộ máy, nhân sự, "không để tình trạng chảy máu chất xám, lãng phí người tài".
Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết hai Bộ đang rà soát kỹ lưỡng nhằm thống nhất phương án hợp nhất trên tinh thần bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định phương án hợp nhất giữa 2 Bộ bám rất sát chủ trương chung và chỉ đạo Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Phương án hợp nhất dựa trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, bám sát, rà soát kỹ những nhóm chức năng, nhiệm vụ giao thoa, chồng chéo để tinh gọn, hợp nhất khoa học, không cơ học; đồng thời kiện toàn lại tổ chức, bộ máy thực hiện quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực đặc thù.
"Hai Bộ đã xác định các nhiệm vụ cũng như vận hành của bộ mới sau khi hợp nhất. Lãnh đạo 2 Bộ đang tiếp tục rà soát xử lý những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong lĩnh vực quản lý kinh tế xây dựng, hoạt động của một số doanh nghiệp trực thuộc…", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ mới sau hợp nhất phải thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ với tầm nhìn quản lý thống nhất, xuyên suốt, đồng bộ bằng quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn… về kết cấu hạ tầng kỹ thuật của các lĩnh vực kinh tế, xã hội trên cả nước.
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về phương án hợp nhất Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ cũng trao đổi, thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau; phân định chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước có thể giao thoa, chồng chéo giữa hai Bộ cũng như tên gọi dự kiến của bộ mới sau khi hợp nhất; phương án bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về bộ máy, tổ chức, hoạt động của bộ mới từ Trung ương đến địa phương.
Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động, khẩn trương của lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT.
Ông yêu cầu lãnh đạo 2 Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, quán triệt tinh thần "một người có thể làm nhiều việc, một việc không giao cho hai người", "nhiệm vụ nào, tổ chức đó", bảo đảm quản lý thống nhất, xuyên suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả… khẩn trương hoàn thiện phương án hợp nhất giữa hai Bộ trước khi trình cấp thẩm quyền.