1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Bán nhà trả nợ vì môi giới xuất khẩu lao động

(Dân trí) - Bà T.T.D. nhiều lần nhận tiền của người có nhu cầu sang Hàn Quốc lao động, gửi cho 2 đại diện công ty xuất khẩu lao động. Việc sang Hàn Quốc bất thành, đại diện công ty “lặn mất tăm”, bà D. phải cầm cố nhà cửa để hoàn tiền cho người dân.

Bà T.T.D cùng với những tờ giấy biên nhận viết tay của đại diện Công ty TNHH Đ.P.
Bà T.T.D cùng với những tờ giấy biên nhận viết tay của đại diện Công ty TNHH Đ.P.

Trong đơn gửi ngành chức năng, bà T.T.D (xóm Yên Xá, xã Hưng Đông, TP Vinh, Nghệ An) trình bày: Do có một thời gian dài làm việc ở Hàn Quốc nên bà D. thông thạo tiếng Hàn. Bà trở về nước khi cơn sốt xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đang nở rộ ở Nghệ An. Với vốn tiếng Hàn, bà được nhận vào dạy tại một trung tâm ở thành phố Vinh. Sau đó, bà D. tự tách ra, mở lớp dạy tiếng Hàn tại nhà mình.

“Tháng 7/2012, bà T.T.H (SN 1968, xã Văn Sơn, Đô Lương, Nghệ An) tới nhà tôi và bảo có đơn hàng đi Hàn Quốc, công việc tốt và nhờ tôi giới thiệu cho những người có nhu cầu xuất khẩu lao động sang đấy. Tôi giới thiệu cho bà H. được 6 người. Mỗi lao động bà H. yêu cầu đặt cọc 2.000 USD. Do các lao động đều là người quen của tôi nên họ đóng tiền cho tôi, nhờ tôi nộp lại cho bà H. Tháng 9/2012 thì bà H. tới nhà tôi nhận tiền”, bà D. cho biết.

Vào khoảng cuối tháng 9/2012, bà H. thông báo có đơn hàng 50 công nhân đi làm điện tử tại Hàn Quốc. Bà D. giới thiệu một số lao động là con em trong họ và học sinh của mình cho Công ty TNHH Đ.P (có trụ sở tại Hà Nội) do T.Q.B (quê Hà Tĩnh) làm giám đốc N.Đ.D (quê Bắc Giang) làm quản lý. Tuy nhiên, khi ra đến công ty xuất khẩu lao động thì chỉ có 6 lao động đủ tiêu chuẩn để học tiếng và học định hướng. Mỗi lao động được yêu cầu đóng 2.000 USD tiền đặt cọc, công ty nhờ bà D. thu hộ với lời hứa “khi lao động sang tới nơi, sẽ trích lại một phần chi phí”.

Giấy nhận tiền của người lao động thông qua bà T.T.D do N.Đ.D - quản lý Công ty TNHH Đ.P lập và ký
Giấy nhận tiền của người lao động thông qua bà T.T.D do N.Đ.D - quản lý Công ty TNHH Đ.P lập và ký

“Kiểm tra thấy đơn hàng có thật, hợp đồng có dấu đỏ của Cục Lao động Hàn Quốc, thời hạn thực hiện hợp đồng xuất khẩu lao động 28/10/2012 nên tôi yên tâm. Sau đó, phía công ty tiếp tục đề nghị tôi giới thiệu thêm lao động đi Hàn và Nhật Bản. Các lao động này đều nộp tiền cho tôi, tôi gửi qua bưu điện cho đại diện công ty. Trong đó, gửi cho N.Đ.D 33.000 USD và 332 triệu đồng, T.Q.B 7.000 USD và 700 triệu”.

Sau nhiều lần hứa hẹn, công ty không đưa được lao động nào sang Hàn Quốc. Trong khi người lao động sốt ruột thúc ép bà D. thì đại diện công ty là N.D.D và T.Q.B. “mất tích”. Biết thị trường Hàn Quốc “cấm cửa” lao động Nghệ An, không thể đi “chui”, người lao động yêu cầu bà D. phải hoàn trả số tiền họ đã đóng.

“Toàn bộ tiền của lao động, tôi đều gửi qua ngân hàng cho T.Q.B. và N.Đ.D. Sau đó, N.Đ.D. và T.Q.B. đều đã viết giấy biên nhận (bằng tay) kèm theo lời cam kết sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu lao động không thể xuất cảnh. Thế nhưng từ đó tới nay, sau rất nhiều lần đòi thì cả 2 người đều không trả. Hứa hẹn mãi, rồi cam kết trả lại tiền nhưng sau đó thì không liên lạc lại được nữa”, bà D. cho biết.

Những giấy biên nhận tẩy xóa lem nhem của đại diện Công ty xuất khẩu lao động.
Những giấy biên nhận tẩy xóa lem nhem của đại diện Công ty xuất khẩu lao động.

Không đòi được tiền từ phía công ty xuất khẩu lao động, trong lúc đó, người lao động lại gây sức ép yêu cầu bà D. phải hoàn trả toàn bộ số tiền họ đã đóng cọc. Trước sức ép của người lao động, bao nhiêu vốn liếng sau những năm lao động ở Hàn Quốc, tài sản tích lũy của cả gia đình, thậm chí cầm cố nhà cửa, bà D. vẫn không đủ tiền để trả cho người lao động. Không muốn dính dáng đến pháp luật, bà D. đi vay anh em, họ hàng nhưng vẫn không đủ trả nợ.

“Hiện tại vẫn đang còn khoản nợ 500 triệu đồng của các lao động nhưng tôi hoàn toàn mất khả năng chi trả. Thậm chí, đang đứng trước nguy cơ mất nốt ngôi nhà vì không có tiền tiền để lấy sổ đỏ ra khỏi ngân hàng”, bà D. rơm rớm nước mắt.

Không còn gì để bấu víu, bà D. cùng người con trai lặn lội ra Bắc Giang, vào Hà Tĩnh để truy tìm. Những lần đầu, các đối tượng này đều hứa hẹn, rồi cam kết thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, càng về sau, cả T.Q.B và T.Đ.D đều “mất tích”, họa hoằn lắm bà D. mới có thể liên lạc với 2 người này bằng điện thoại.

Những giấy biên nhận tẩy xóa lem nhem của đại diện Công ty xuất khẩu lao động.
Biên lai chuyển tiền qua tài khoản cho T.Q.B. ghi rõ "chuyên tiền cho lao động xuất khẩu lao động nước ngoài".

“Sau nhiều lần liên lạc, hứa hẹn sẽ cố gắng đưa lao động đi, đến nay thì T.Q.B lật lọng. B. cho rằng, số tiền tôi chuyển qua đường bưu điện cho B. là khoản tiền B. vay tôi. Tôi có quen biết gì B. hay có nhiều tiền mà cho B. vay? Giờ thì tôi khánh kiệt rồi, nửa tỷ bạc chưa trả được, mỗi tháng 6 triệu tiền lãi, nhà sắp mất, lao động bắt trả cả gốc lẫn lãi, nếu không sẽ kiện ra công an…”, bà D. thút thít. 

Theo thông tin từ Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An, đơn vị này đã nhận được đơn tố cáo của bà T.T.D. Hiện tại đơn vị này đang tiến hành xác minh thân nhân những người có tên trong đơn.


Theo những tài liệu của bà D. cung cấp cho thấy, mọi giao dịch gửi tiền đều được thực hiện qua đường ngân hàng. Người nhận tiền chỉ có tên, tuổi, địa chỉ và chứng minh thư nhân dân, hoàn toàn không có tên của công ty xuất khẩu lao động.

Phía công ty xuất khẩu lao động không nhận tiền trực tiếp từ người lao động mà thông qua “cò”. Thậm chí, chỉ vài dòng biên nhận tẩy xóa lem nhem của “đại diện” công ty xuất khẩu lao động, “cò” vẫn yên tâm trao hàng tỷ đồng để rồi phải ôm hận vì món nợ khổng lồ và đứng trước nguy cơ phải dính vào vòng lao lý!


Hoàng Lam