Thanh Hóa:
Bản làng tan hoang xơ xác, dân không có nhà để về
(Dân trí) - Đã nhiều ngày sau khi cơn lũ quét qua, bản làng vẫn hoang tàn, xơ xác, người dân đang tất bật với việc dọn dẹp nhà cửa để ổn định lại cuộc sống. Nhiều hộ dân đã không còn nhà để trở về sau khi lũ rút.
Trở lại vùng lũ Trung Sơn, huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) sau những ngày bị chia cắt, cô lập bởi mưa lũ, những cảnh tượng hoang tàn vẫn hiện ra trước mắt.
Con đường từ trung tâm huyện lên địa phương này với hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng. Nhiều vị trí ngập lụt nước đã rút nhưng bùn đất còn nhầy nhụa.
Theo thống kê của UBND huyện Quan Hóa, tại địa phương này có hơn 600 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có gần 120 nhà bị đổ sập, cuốn trôi hoàn toàn do mưa lũ, sạt lở. Đến nay vẫn còn nhiều xã đang bị mất điện, gián đoạn thông tin liên lạc.
Mưa lũ cũng đã làm 2 cầu treo bắc qua sông Mã tại các xã Phú Xuân và Trung Thành bị hư hỏng hoàn toàn; hàng chục nhà xưởng, cột điện cao thế, cột điện hạ thế bị sạt đổ và 4 trạm biến áp bị ngập nước... Việc khôi phục những công trình này sẽ còn mất nhiều thời gian.
Trong đó, riêng xã Trung Sơn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có hơn 350 nhà dân bị ảnh hưởng, nhiều nhà sập hoàn toàn. Hệ thống đường giao thông bị sạt lở ta luy dương, ta luy âm. Nhiều công trình trường học, điện, nước sinh hoạt, hoa màu, ruộng nương bị cuốn trôi, vùi lấp.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sau khi nước rút, người dân bản Co Me, xã Trung Sơn - bản nằm ngay dưới chân nhà máy thủy điện Trung Sơn đang tập trung dọn dẹp lại nhà cửa.
“Khi nhà máy thủy điện xả lũ, nước dâng lên nhanh khủng khiếp, nhiều gia đình trong bản bỏ nhà chạy lên sườn núi. Hiện tại gia đình tôi đang phải nương nhờ ở nhà hàng xóm trên sườn đồi, mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Chính quyền các cấp cũng đã về hỏi thăm động viên và trao số tiền 1 triệu đồng, mì tôm cho những gia đình có nhà cửa bị cuốn trôi”, anh Lê Thế Anh, bản Co Me chia sẻ.
Ông Phạm Văn Diện, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, cho biết: Xã có tổng 357 hộ bị ảnh hưởng, trong đó số hộ sập nhà và nhà không ở được là 88 hộ. Cũng theo ông Diện, tại bản Co Me còn có 154 hộ sau này có nguy cơ không được về nhà vì có thể bị sạt lở, cuốn trôi.
Trong trận lũ vừa qua, nhiều nhà dân tại xã Trung Sơn đã phải sơ tán vào trường học, lán trại trên các đồi luồng và tại khu tập thể Công ty TNHH một thành viên Thủy điện Trung Sơn.
Về tài sản khác bị thiệt hại hiện địa phương vẫn chưa thể thống kê được. Hiện chính quyền địa phương đang cử cán bộ xuống các bản chỉ đạo công tác khắc phục. Do hệ thống viễn thông bị ảnh hưởng nên việc thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn. Có 4 bản phải di dân do sạt lở và nhà máy thủy điện xả lũ, gồm: Bản Chiềng, Co Me, Pó, Pạo.
Sau khi lũ rút, người dân nơi đây đang phải đối mặt với cảnh thiếu đói, bệnh tật... Trước mắt huyện Quan Hóa đã thành lập đoàn công tác, kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, hỗ trợ lương thực và 1 triệu đồng/hộ cho các gia đình bị thiệt hại sập nhà hoàn toàn.
Đồng thời, tập trung khắc phục các tuyến đường bị sạt lở, ách tắc, đảm bảo việc đi lại và thông xe vận chuyển hàng cứu trợ cho người dân vùng lũ; tập trung các nguồn lực, khẩn trương khôi phục các công trình điện, trường học, hạ tầng nông thôn; xử lý môi trường sau lũ, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; chuẩn bị cơ sở vật chất cho học sinh vào năm học mới.
Trên địa bàn huyện Quan Hóa có 2 cầu treo bị hư hỏng do lũ
Người dân sơ tán lên trường THCS Trung Sơn tránh lũ
Một ngôi nhà 2 tầng bị sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng
Nhiều nhà dân đổ nát, tan hoang
Duy Tuyên