1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bản không chồng bên quốc lộ 7A

Vào bản Huồi Mác (xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) một ngày thời tiết âm u, không khí bản làng cũng âm u như những mảng mây đen kịt trên bầu trời.

Cả bản làng im lìm, hiu hắt đến mức nghe thấy cả tiếng bước chân đi, con đường đất ngoằn nghoèo, trồi lên trụt xuống, không có lấy một bóng người. Trong những vách nhà lụp xụp, có những ánh mắt đang lén lút dõi theo tôi, e dè, cảnh giác. 
Những ngôi nhà không có… “trụ cột”
 
Những ngôi nhà không có… “trụ cột” 

“Cơn lốc” ma tuý càn quét qua bản Huồi Mác bên quốc lộ 7A thời điểm năm 2000-2005, cho đến nay tàn dư của nó vẫn còn âm ỷ, gieo xuống đầu không ai khác ngoài những người phụ nữ, những đứa trẻ tội nghiệp. Huồi Mác là bản nghèo nhất của xã Lạng Khê nhưng đặc biệt hơn, giờ nó còn được nhắc đến với cái tên “bản không có đàn ông”. Những người đàn ông tôi tìm thấy trong bản làng nghèo đói, hun hút này là những cụ già tóc đã bạc, những đứa trẻ chân đất mặt mũi lem luốc và một vài người đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ - HIV/AIDS.

Chị Vi Thị Mai - Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Lạng Khê - cho biết: “Bản Huồi Mác có 116 hộ với 505 khẩu, trong đó có tới 13 chủ hộ là nữ, những hộ còn lại, đa số đàn ông đi làm ăn xa mấy năm liền không trở về. Trong những ngôi nhà sàn xập xệ ấy từ lâu đã vắng bóng người đàn ông.

Huồi Mác, Khe Thơi trước đây là điểm tập trung của các đầu nậu buôn bán ma tuý. Số người nghiện trước đã rời đi nơi khác, số còn lại thì chết. Phụ nữ trong bản Huồi Mác làm được đồng nào đều lo cho chồng chích thuốc. Sau khi người chồng chết, cuộc sống của vợ, con họ trở nên nheo nhóc, cũng có người vực dậy xây đắp lại từ đầu”.
Những ngôi nhà không có… “trụ cột”
 

Chồng của chị Vi Thị Liên (38 tuổi) đi theo bạn bè làm ăn rồi bị lôi kéo, nghiện ngập nhưng mãi đến 2 năm sau, thấy chồng ốm yếu, chị Liên mới biết. Năm 2004, chồng chị mất, để lại cho chị bố mẹ già yếu, 2 đứa con nhỏ và căn nhà sàn chưa hoàn thiện.

Trong nước mắt, chị Liên nhớ lại: “Hồi chồng nghiện ma tuý, có cái gì trong nhà, từ cái áo, cái quần, anh cũng mang đi bán hết lấy tiền mua thuốc. Lúc chồng chết, con út mới chỉ 2 tuổi rưỡi, con đầu 3 tuổi. Sống để mà nuôi con. Mới đó đã gần chục năm, con lớn hết rồi”.

Cảnh chị Lô Thị Thanh (35 tuổi), nhà kế bên, chẳng khá khẩm hơn. Chị đang ngồi thu lu trong một góc nhà khi tôi bước vào. Chị Thanh làm vợ Điện vẻn vẹn được 4 năm thì chồng mất. vì ma tuý, nhưng khổ nỗi là những người dân thật thà nơi bản làng heo hút này không ai muốn tin: “Thằng Điện hiền lành lắm mà vẫn mắc nghiện”.

Năm 2000, anh Điện lấy vợ, rồi chỉ biết làm ăn, biết lo cho gia đình. Thế nhưng bị bạn bè lôi kéo, anh Điện nghiện từ hồi thanh niên mà chị Thanh cũng không biết. Năm 2007, anh trai của Điện là Vi Văn Tam cũng qua đời. Bà mẹ già khốn khổ 70 tuổi mất chồng, mất con, mất đi những người đàn ông.

Anh em, cán bộ xã thương xót dựng cho 3 cái bóng dáng nhỏ bé, liêu xiêu căn nhà mới, thay căn nhà sàn đã cũ. Trong căn nhà ấy, có 3 con người lầm lũi sống. Đứa con trai 4 tuổi của chị luôn hỏi: “Tại sao bố chết?”, chị Thanh buộc phải nói thật cho con vì biết rằng chị không thể giấu nổi khi con lớn lên.

Cả bản làng không hề có ruộng, chỉ trồng sắn, đầu năm trồng, cuối năm thu hoạch. Thời gian chờ đợi sắn lớn, họ đi làm thuê, từ cuốc cỏ, trồng sắn thuê đến chặt nứa, chặt củi đem bán... Chị Thanh bảo: “Một lần bán sắn được vài, ba triệu. Hết sắn thì đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Hết việc, hết gạo thì đi vay, đi mua nợ”.

Ở Huồi Mác, những người phụ nữ vùng cao của dải đất miền Trung gió Lào thổi này, ai cũng đen nhẻm, lùi lũi, đen bóng nhẫy, khi cười lộ rõ hàm răng trắng muốt nhưng sao nét mặt vẫn cứ buồn rười rượi. Cái đen đúa của nước da hay cái đen đủi của số phận đã che lấp đi nụ cười trên những khuôn mặt khắc khổ ấy cũng chẳng ai rõ.
Những ngôi nhà không có… “trụ cột”

Chị Lô Thị Thắm (33 tuổi) có chồng chết vì nghiện ngập ma tuý. Không chịu được khổ, Thắm bỏ lại đứa con, bỏ xứ đi Trung Quốc. Còn chị Vi Thị Liên (26 tuổi) bỏ lại đứa con trai 4 tháng tuổi cho bà nội là bà Lô Thị Tâm (71 tuổi) nuôi rồi đi lấy chồng ở huyện Yên Thành (Nghệ An) sau khi chồng là anh Lô Văn Tỵ (31 tuổi) chết. Thương cháu, bà Tâm hằng ngày đi chặt củi về bán lấy tiền, bà cháu nương tựa vào nhau sống qua những ngày đen tối.

Sau cuộc càn quét kinh hoàng của ma tuý, có chị gồng mình nuôi gia đình chồng và mấy đứa con ăn học; có chị không chịu được sự đày đoạ của số phận bỏ xứ mà đi, đau đớn hơn có chị “được” chồng để lại cho “cái chết ấn định thời gian”…

Lỡ khổ phải chịu đã đành, có người phụ nữ vì yêu vẫn cố lao vào lại là câu chuyện kỳ lạ ở Huồi Mác. Anh V.V.M (42 tuổi) có vợ chết, anh M cũng đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Biết là vậy, nhưng chị L.T.K (ở bản Khe Thơi, 40 tuổi) vẫn kiên quyết lấy. Do không biết cách phòng chống, chị K cũng lây bệnh từ chồng.

Bố mẹ K hết lời khuyên ngăn con gái, nhưng chị K một mực: “Con lấy chồng hôm nay, ngày mai chết con cũng lấy”. Thế rồi y như lời chị K, ngày mai không chết ngay, nhưng rồi chị sẽ chết. Mỗi tháng một đợt, 2 vợ chồng cơm đùm cơm nắm đón xe lên thị trấn Diễn Châu (Nghệ An) lấy thuốc ARV (thứ thuốc điều trị HIV).

Chị V.T. M (27 tuổi) từ lúc chồng là anh L.V.H (29 tuổi) phát bệnh đã phải vay ngân hàng 10 triệu để lo cho cuộc sống. Trong ngôi nhà tranh gió thốc bốn bề, chị M. đầm đìa nước mắt mà rằng: “Mần” (làm) sắn, “mần” (làm) thuê răng mà đủ. Vay ngân hàng rồi, chưa trả được thì phải đi vay hàng xóm bát gạo”.

Chị M lấy chồng năm 16 tuổi, có được 2 đứa con. Trong căn nhà tranh rách nát, trời mưa thì “trong cũng như ngoài”, có một người đàn ông cao lêu nghêu ra vào vật vờ như cái bóng đang chờ ngày thần chết gọi đi và một người phụ nữ gầy guộc, đen sạm, hai trũng mắt sâu hoắm không ngớt tiếng thở dài não ruột.

Hơn một năm nay, anh H không còn khả năng làm việc. Số tiền vay ngân hàng từ năm 2010 cũng chưa trả. Cả bản cũng chẳng khá hơn gia đình anh H, chị M. nên không dám đi vay nữa. Hết tiền, hết gạo, hai vợ chồng và 2 đứa con nheo nhóc chịu khó… nhịn đói.

Hệ luỵ từ “ma tuý quét”

Chị Lê Thị Hà - Hội phó Hội phụ nữ xã Lạng Khê - cho biết: “Bản Huồi Mác chẳng có mấy đàn ông, chủ yếu là phụ nữ. Đàn ông người chết vì ma tuý, người còn sống thì đi làm ăn xa mất tăm hoặc chờ chết. Mọi công việc đáng ra là của người đàn ông thì người phụ nữ phải một mình gánh vác hết thảy.
Những ngôi nhà không có… “trụ cột”

Thời điểm 2000-2005, liên tục có người chết vì ma tuý. Có nhà có tới 2 anh em chết vì nghiện. Hôm nay anh chết, ngày mai em chết. Nó như một bệnh dịch khiến ai cũng hoang mang. Lúc đó tôi mới phụ trách công việc của hội, cứ 3 ngày lại có 1 người chết”.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, cơn sốt đào vàng, buôn gỗ lậu bùng phát ở các huyện miền núi dọc quốc lộ 7, trong đó nổi bật ở hai xã Lạng Khê, Châu Khê (huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An). Hàng chục thanh niên trai tráng của bản làng bỏ học vào rừng, gồng thân mình dưới những bưởng vàng, mẻ gỗ.

Rồi những đồng tiền kiếm được, họ đốt vào ma tuý, mại dâm. “Cơn bão” vàng đi qua cũng là lúc Lạng Khê phải đối mặt với “cơn lốc” ma túy HIV/AIDS. Có một thực tế mà những người vợ, người mẹ của những cái chết trắng kia đều thừa nhận, rằng đàn ông ở những xã bản này rất siêng năng.

Họ không lười nhác chỉ biết ở nhà rồi bê tha, hút chích mà họ hút chích vì “công việc”. Công việc đào vàng nặng nhọc, vất vả và nguy hiểm khiến họ tìm đến ma tuý mới đủ sức chống chịu. Hay những khi xa vợ con, họ có tụ tập nhậu nhẹt với bạn bè làm ăn thì bị rủ rê, lôi kéo hay “thách thức” nhau hút chích.

Anh Ngân Đình Phòng - Trưởng Công an xã Lạng Khê - cho biết: Thời điểm năm 2000 trở về trước, số con nghiện ma tuý trên địa bàn rất nhiều. Thanh niên kéo nhau sang Lào làm ăn. Tình hình ở xã vì thế cũng phức tạp do các đối tượng ở Lào tìm đến thôn bản khá nhiều.

Tính từ 2005 đến nay, cả xã có hơn 20 người chết vì ma tuý, tập trung chủ yếu ở Huồi Mác và Khe Thơi. Có nhà được 3 anh em trai thì cả 3 đều chết hoặc 2 đứa đã chết còn 1 đứa thì đang nghiện. Cứ 2-3 ngày lại chết một người, mọi người trong địa bàn có con nghiện ai cũng hoảng hốt, lo lắng.

Có thời điểm khi bà con trong bản nấu cơm lên không được ăn. Hồi đó gỗ lạt quản lý chưa chặt chẽ, tạo cơ hội cho bọn buôn lậu hoạt động. Và cũng chính những kẻ buôn lậu, nghiện ngập kéo đến ăn hết. Chúng trốn ở trong rừng, đến dở cơm thì chúng kéo ra cướp cơm của bà con rồi ngang nhiên ăn.

Sau đợt cao điểm cả công an xã kết hợp với dân bản truy quét, các con nghiện đến thời kỳ chết dần thì những kẻ còn lại mới biết sợ, không dám phá phách. Theo số liệu từ trung tâm cai nghiện báo về, hiện tại trên địa bàn Lạng Khê có 12 người bị nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 8 người đang điều trị ở Trung tâm cai nghiện tự nguyện huyện Diễn Châu (Nghệ An)”.

Theo Thùy Liên

Lao Động