TPHCM:
Băn khoăn việc quá nhiều cán bộ kiêm hội thẩm nhân dân
(Dân trí) - Ngày 5/5, HĐND TPHCM khóa VII đã họp lần thứ 15 để bầu ra 762 hội thẩm nhân dân cho tòa án 24 quận, huyện. Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lo ngại: “Quá nhiều cán bộ đương nhiệm tham gia hội thẩm nhân dân” sẽ không đạt kết quả như mong muốn.
TPHCM là địa phương lớn nhất thực hiện thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường ở cả 24/24 quận, huyện của thành phố từ ngày 25/4. Do vậy, công tác bầu cử Hội thẩm nhân dân trở thành nhiệm vụ quan trọng của HĐND Thành phố.
Trong buổi họp này, 74/92 đại biểu có mặt đã xem xét và bỏ phiếu bầu cho 762 ứng cử viên vào chức danh hội thẩm nhân dân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM làm việc với các quận, huyện lên danh sách và giới thiệu.
Sau khi xem xét danh sách, nhiều đại biểu cho là thông tin trong danh sách quá sơ sài. Đại biểu Nguyễn Thế Dũng cho rằng: danh sách đề cử chưa nêu rõ chức danh, đơn vị công tác… của các ứng cử viên, như vậy rất khó minh bạch.
Còn ông Trương Trọng Nghĩa, Phó ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, thì cho rằng: phần hồ sơ lý lịch quá thiếu. Đến cả thi bằng lái xe cũng cần sức khỏe, nhưng ở đây không nói gì về sức khỏa của ứng cử viên. Các phần như những người này có tiền án tiền sự hay không, từng bị kỷ luật do tham ô, sách nhiễu gì hay không cũng không có.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. |
Theo luật thì công chức không được làm luật sư nhưng trong hệ thống hội thẩm nhân dân đề cử lần này có quá nhiều công chức thì cần xem lại. Ông Nghĩa phát biểu: “Tôi có cảm giác như chúng ta đi chệch hướng với cải cách tư pháp. Cải cách tư pháp là làm cho tòa án độc lập hơn nhưng mình lại đi cơ cấu thế này thì không ổn!”.
Về vấn đề lý lịch ứng cử viên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Phạm Văn Hải cho biết: Mặt trận và các quận, huyện đã xem xét rất kỹ. Tất cả các cán bộ được đề cử đều qua nhiều đợt xem xét hồ sơ về sức khỏe, lý lịch cá nhân… Và ông khẳng định 100% cán bộ được giới thiệu làm hội thẩm nhân dân không mang tiền án, tiền sự.
Về vấn đề quá nhiều cán bộ đương nhiệm được đề cử làm hội thẩm nhân dân, ông Hải cho rằng: Theo quy định thì chỉ có các công chức các ngành Tòa án, Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát, Hội luật sư mới không được tham gia làm hội thẩm nhân dân, còn các công chức khác thì không có quy định cấm. Do đó, công tác đề cử của MTTQ qua quá trình rà soát cho thấy không hề vi phạm tiêu chuẩn hội thẩm nhân dân.
Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu tâm: “Ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa về cải cách tư pháp, chúng tôi sẽ cân nhắc khi lập danh sách đề cử trong kỳ tới để tránh tình trạng quá nhiều công chức trong hệ thống hội thẩm nhân dân. Vừa qua, chúng tôi cũng cố gắng tìm những hội viên các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… đủ tiêu chuẩn để đề cử, nhưng thời gian quá gấp nên chưa được nhiều”.
Cuối kỳ họp, hầu hết 74/92 đại biểu có mặt đều chấp thuận danh sách 762 cán bộ ứng cử hội thẩm nhân dân trên. Với sự đồng thuận cao, HĐND đã ra nghị quyết công nhận kết quả bầu cử, chấp nhận bầu 762 hội thẩm nhân dân cho tòa án 24 quận, huyện. 762 cán bộ này nằm trong độ tuổi từ 25 đến 70 tuổi; trình độ Đại học chiếm 71,52%, Cao đẳng chiếm 28,45%; nam chiếm tỉ lệ 53,28%, nữ chiếm tỉ lệ 46,72%.
Tùng Nguyên