1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Băn khoăn quanh việc hỗ trợ tài xế xe tự chế

(Dân trí) - Ngày 31/12/2007, trong một phiên họp đột xuất, UBND TPHCM không chỉ quyết định gia hạn thời gian lưu hành xe 3-4 bánh tự chế đến ngày 30/6/2008 mà còn đồng ý nhiều đề xuất hỗ trợ tài xế xe tự chế chuyển đổi nghề nghiệp.

Tuy nhiên, quanh chuyện hỗ trợ này vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.

 

Hỗ trợ thế nào cho đúng?

 

UBND TP đã đồng ý hỗ trợ xe mới đủ tiêu chuẩn lưu hành thay xe ba gác cho 100 hộ nghèo nhất trong hơn 1.000 hộ nghèo sống dựa vào xe ba gác để họ tiếp tục nghề cũ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc lập danh sách này dựa trên thu nhập là không hợp lý. Vì có rất nhiều hộ nghèo là do lười lao động chứ không phải do gia cảnh khó khăn.

 

Một số ý kiến cho là nên xác định dựa vào hoàn cảnh gia đình như: đông con, nhiều người sống phụ thuộc (người già yếu, bệnh tật, khuyết tật, neo đơn…), không có nguồn thu khác, trình độ học vấn kém, khó chuyển đổi nghề nghiệp…

 

Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo và Việc làm TPHCM cũng đề xuất hỗ trợ hơn 1.000 hộ nghèo sống dựa vào xe ba gác, mỗi hộ 7 triệu đồng, để chuyển đổi nghề nghiệp. Nhưng các chuyên gia tư vấn việc làm cũng e ngại về phương thức hỗ trợ cho khả thi. 

 

Bài toán khó nhất là trình độ của hầu hết tài xế xe tự chế rất thấp, đa số chỉ học hết cấp 2, và 75% là trên 35 tuổi. Với độ tuổi này và trình độ như thế, họ khó tìm được một công việc ổn định tại các công ty, xí nghiệp. Còn nếu muốn tự kinh doanh, 7 triệu đồng là con số không lớn.

 

Phương thức dễ làm nhất là hỗ trợ họ mua xe mới đủ chuẩn để tiếp tục nghề cũ, nhưng con số 7 triệu e rằng cũng không thấm vào đâu.

 

Gia hạn thêm thời gian?

 

Ngay khi TP hỗ trợ đủ tiền để các bác tài xe tự chế mua xe mới đủ chuẩn để tiếp tục nghề cũ, cái khó thứ hai lại xuất hiện: khó có xe đạt chuẩn đúng thời hạn 30/6/2008 của TP.

 

Ông Đỗ Tiến Lực, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cơ khí Sài Gòn cho biết: Công ty đang triển khai các phương án thiết kế mẫu xe, tính toán giá thành… Nhưng sớm nhất là qua Tết Nguyên đán mới có bảng kế hoạch cụ thể trình UBND TP xem xét, quyết định. Sau khi có quyết định mới bắt đầu xây dựng đội ngũ sản xuất, đặt hàng máy móc tại nước ngoài, lo thủ tục đăng ký kiểm định… 

 

Những công việc trên rất mất thời gian. Nhãn tiền là mẫu xe ba bánh dành cho người khuyết tật do Đại học Bách khoa TPHCM thiết kế, Ban An toàn giao thông TPHCM đăng ký và xin đăng kiểm từ năm 2006 mà lừng khừng đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn chưa chấp nhận và cấp phép.

 

Đó là chưa kể đến việc phải sản xuất đại trà đưa vào sử dụng. Vì vậy, ông Lực lo là thời hạn 30/6/2008 quá ngắn ngủi. Có lẽ TP nên tiếp tục gia hạn thêm thời gian.

 

Phận người tha hương

 

Số phận hàng ngàn dân ngoại tỉnh đến TP sống nhờ vào xe ba gác và các loại xe tự chế khác có lẽ cũng cần bàn đến. Cho đến nay, họ không hề được ban ngành nào nhắc tới. 

 

Họ là những người quá nghèo khổ nên phải xa rời quê hương, bản quán “tha phương cầu thực”. Nhưng cũng chính bởi họ “tha phương cầu thực” nên địa phương nơi họ sinh sống chối bỏ việc hỗ trợ. TPHCM quay lưng vì cho rằng những người này không phải dân địa phương.

 

Những người dân nghèo này rồi sẽ sống ra sao? Nhìn nhận một cách chính xác và khách quan nhất, đây mới chính là những con người thiệt thòi nhất trước quy định cấm xe tự chế của Nghị quyết 32/2007/CP.

 

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm