Băn khoăn đề án phát triển xe đạp công cộng ở TPHCM

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, việc phát triển xe đạp công cộng sẽ giúp hệ thống vận tải hành khách công cộng tại TPHCM phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn về khả năng mở rộng lọai hình phương tiện giao thông này ở TPHCM.

Tại buổi tọa đàm “Đi xe đạp tại TPHCM” diễn ra ngày 25/4, ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải TPHCM) cho biết Sở GTVT đã đề nghị ĐH Quốc gia TPHCM nghiên cứu về việc triển khai xe đạp công cộng ở TPHCM. Ngoài ra, Sở cũng đang lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này.

Băn khoăn đề án phát triển xe đạp công cộng ở TPHCM
Hiện đường phố chật hẹp, xe đạp phải len lỏi giữa dòng xe máy, ô tô rất nguy hiểm nên ít ai chọn phương tiện này để đi lại

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, ủng hộ mạnh mẽ cho đề án này. Theo ông, tại các đô thị lớn ở nhiều nước trên thế giới, xe đạp đã được sử dụng để kết nối các hình thức vận tải công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm. Việc này không chỉ giúp vận tải hành khách công cộng phát triển mà còn giúp đô thị giảm thiểu tình trạng quá tải về hạ tầng, ô nhiễm…

Ông Trịnh Văn Chính, Trưởng khoa Quy hoạch Giao thông (ĐH Giao thông Vận tải TPHCM) cũng cho xe đạp công cộng là 1 phương pháp hay để khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng. Với xe đạp, người dân có thể dễ dàng di chuyển trong bán kính 2km để đi từ trạm xe buýt này đến trạm khác; từ trạm xe buýt đến bến xe, bến tàu…

Ông Võ Kim Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM tin nếu đề án này thành công sẽ tạo thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giúp TPHCM tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng trên cơ sở kết hợp xe buýt, tàu điện ngầm. Do đó, ông đồng ý cần phải thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm TPHCM.

Tuy nhiên, ông Chính cũng đưa ra nhiều trở ngại có thể khiến đề án này khó mở rộng tại TPHCM như: thời tiết khắc nghiệt, người dân có thói quen sử dụng xe gắn máy… Nhiều đại biểu khác lại băn khoăn về độ an toàn khi lưu thông bằng xe đạp trong tình hình giao thông phức tạp như ở TPHCM.

Theo ông Lê Trung Tính, để đảm bảo tính an toàn cho người sử dụng xe đạp, giúp đề án này đạt hiệu quả thì phải có làn đường dành riêng cho xe đạp (hiện nay xe đạp chung làn với xe máy). Nhưng ông Võ Kim Cương lại lo ngại khó khả thi vì thành phố đang quá tải về mặt đường, việc dành riêng làn đường cho xe đạp là rất khó.

Từ đó, các đại biểu đều đồng tình về tính lợi ích của xe đạp công cộng nhưng rất e dè về khả năng phổ biến hình thức giao thông này ở TPHCM. Các đại biểu kiến nghị nên nghiên cứu, khảo sát nhu cầu cụ thể, chọn vài địa điểm có lợi thế như bến xe, khu du lịch, khu trung tâm… để thí điểm sử dụng xe đạp công cộng. Các đại biểu đề nghị chưa nên áp dụng đại trà vì có thể sẽ không hiệu quả.

Theo ông Phạm Đình Đức, dự kiến đến tháng 6/2014, Sở GTVT sẽ tiến hành báo cáo tổng kết hoạt động nghiên cứu triển khai xe đạp công cộng ở TPHCM. Từ đó mới quyết định những bước tiếp theo cho đề án xây dựng thí điểm hệ thống xe đạp công cộng, triển khai nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao. Theo ông Đức, vì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên đề án này cần phải được triển khai cẩn trọng cho phù hợp tình hình thực tế của thành phố.

Tùng Nguyên