Băn khoăn chuyện đại biểu Quốc hội "ăn cây táo, rào cây sung"
(Dân trí) - Phát biểu thảo luận sáng 26/3, đại biểu Phùng Văn Hùng nêu hiện tượng một số đại biểu biệt phái từ các cơ quan Chính phủ sang Quốc hội "làm việc cho cây táo, nhưng lại đi rào cho cây sung".
Đại biểu chuyên trách mà lại "không ăn cơm Quốc hội"
Thảo luận về việc đánh giá nhiệm kỳ công tác của Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nêu vấn đề về một số đại biểu chuyên trách được biệt phái từ một số cơ quan của Chính phủ sang làm việc tại Quốc hội và những tác động của việc này.
Đại biểu phân tích, ông cha ta có câu "ăn cây nào, rào cây ấy", nhưng có một số đại biểu chuyên trách làm việc cho Quốc hội mà lại "không ăn cơm Quốc hội". Điều này dẫn đến những mâu thuẫn lợi ích khi việc đề bạt, cất nhắc với những đại biểu biệt phái sang Quốc hội này vẫn do cơ quan Chính phủ quyết định, khó có thể toàn tâm, toàn ý hoạt động cho Quốc hội.
Do đó, đại biểu đề nghị những người được chuyển về làm đại biểu Quốc hội chuyên trách thì toàn bộ chế độ, chính sách đại biểu được áp dụng như mọi đại biểu Quốc hội chuyên trách khác, để phòng ngừa tình trạng "làm việc cho cây táo, nhưng lại đi rào cho cây sung".
Ngoài ra, đại biểu Phùng Văn Hùng cũng kiến nghị về việc phải tăng cường minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.
Ông lập luận, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thì ai giám sát Quốc hội? Đó chính là người dân. Để tạo điều kiện cho người dân giám sát thì các hoạt động của Quốc hội cần được công khai, minh bạch nhiều hơn nữa thông qua báo chí.
Theo đại biểu, nhiều cử tri bày tỏ mong muốn được theo dõi hoạt động của Quốc hội nhiều hơn nữa, nhưng các hoạt động được tường thuật trực tiếp còn quá khiêm tốn.
Những "món nợ" trong lòng đại biểu Dương Trung Quốc
Là người có 4 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) có một bài phát biểu nhiều cảm xúc khi ông xác định, đây là lần phát biểu cuối cùng của mình ở Quốc hội sau 20 năm tham gia nghị trường.
Ông muốn chia sẻ góc tiếp cận của một đại biểu Quốc hội đã khá lâu, cũng là người tham gia nghiên cứu lịch sử Quốc hội từ góc nhìn của người làm báo. Khẳng định sự tự hào về những gì đã làm được trong nhiệm kỳ Quốc hội đã qua, song ông Quốc cũng bày tỏ nhiều điều phải suy nghĩ.
Ông Quốc nhắc lại lịch sử thành lập Quốc hội khóa đầu tiên đã có tập quán quan trọng là để cho dân tiếp cận hoạt động Quốc hội. Khi đó Quốc hội họp ở Nhà hát lớn và dành toàn bộ tầng trên cho báo chí, người dân có quyền được xem.
Còn ngày nay, Quốc hội có cả tòa nhà hoành tráng và hoạt động của các đại biểu trên nghị trường được truyền hình trực tiếp đến người dân.
Trong công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Dương Trung Quốc nhắc đến những "món nợ" như luật về Hội… mà Quốc hội chưa hoàn thành.
Ghi nhận rất nhiều thành tựu lớn của Quốc hội như phát triển theo kịp thời đại, ứng phó với mọi tình huống, ứng dụng công nghệ cao, song ông Quốc băn khoăn việc bấm nút biểu quyết ở Quốc hội. Theo Hiến pháp, việc này là công khai nhưng bấm nút biểu quyết như hiện nay lại không biết được chính kiến của từng đại biểu.
Vì thế, ông mong việc này sẽ được cải tiến hơn nữa, thể hiện được chính kiến của đại biểu, có thể là trên máy tính bảng của đại biểu hay trên phương tiện thông tin đại chúng, để người dân giám sát được đại biểu đại diện cho mình.
Nhắc đến vấn đề tuổi tác, ông Quốc chia sẻ năm nay ông đã 75 tuổi, vẫn được đề cử để ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng ông nói "đến tuổi phải nghỉ".
"Tôi thấy rất tiếc khi nhiều vị phải dừng lại vì tuổi tác. Chúng ta phải coi Quốc hội là tinh túy, tinh hoa, đừng coi Quốc hội là sức vóc thuần túy", ông Quốc bày tỏ kỳ vọng.