1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Điện Biên:

Bản Hột thấp thỏm nỗi sợ bị lũ cuốn trôi

(Dân trí) - Dự án “Bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai bản Hột, xã Mường Đun”, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên được triển khai từ tháng 7/2015. Dự án nhằm di chuyển 54 hộ dân bản Hột nằm trong vùng nguy cơ lũ quét lên nơi ở mới an toàn hơn.

Thế nhưng đến nay, hầu hết các hộ trong vùng nguy hiểm vẫn chưa được di dời, khiến người dân nơi đây vẫn phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu mỗi khi trời mưa lũ.


Bản Hột nằm ngay bên lòng suối dễ xảy ra lũ quét. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Bản Hột nằm ngay bên lòng suối dễ xảy ra lũ quét. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Mùa mưa lũ lại đến, nỗi lo sợ bị lũ cuốn trôi, vùi lấp lại đè nặng lên tâm trí mỗi người dân bản Hột, đặc biệt là với 54 hộ nằm trong vùng quy hoạch phải di dời. Đối với người dân nơi đây, trận lũ vào mùa mưa năm 2014 vẫn còn ám ảnh trong tâm trí họ. Trưởng bản Nguyễn Mạnh Hùng nhớ lại: Trận lũ năm 2014 mặc dù không thiệt hại về người nhưng đã ảnh hưởng rất lớn đến nhà cửa, tài sản của bà con. Hơn 50% hộ dân bản Hột bị ngập, các công trình thủy lợi bị vùi lấp, hàng chục ao cá, ruộng lúa, gia súc, gia cầm và tài sản của nhân dân bị cuốn trôi...

Trước tình hình cấp bách đó, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt dự án "Bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai bản Hột, xã Mường Đun” do huyện Tủa Chùa làm chủ đầu tư. Dự án thi công đã mang lại niềm vui khôn xiết cho người dân bản Hột. Người dân hy vọng sớm được sang nơi ở mới để không còn phải lo lắng mỗi khi mưa lũ nữa. Thế nhưng đã hơn 1 năm từ khi dự án được thi công, người dân bản Hột vẫn đang phải yên vị ở nơi cũ trong tình cảnh mùa mưa lũ đến.

Anh Trúng Văn Đối, người dân bản Hột lo lắng: "Đã hơn 1 năm rồi nhưng chúng tôi vẫn chưa được di dời đến nơi ở mới. Chúng tôi vẫn đang phải sống ở rất gần dòng suối chảy xiết, mỗi khi trời mưa lũ là chúng tôi lại thấp thỏm lo âu. Mong các cơ quan chức năng sớm di dời cho người dân lên nơi ở mới càng sớm càng tốt để bà con yên tâm".


Bản Hột thấp thỏm trong mùa mưa lũ.

Bản Hột thấp thỏm trong mùa mưa lũ.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng bản Hột chia sẻ, hiện trong 3 điểm giải phóng mặt bằng để người dân chuyển đến cơ bản đã xong 2 điểm, còn 1 điểm chưa thi công xong. Bản cũng đã vận động người dân lên nơi ở mới nhưng bà con lại chưa được hỗ trợ kinh phí di chuyển nên chỉ có gia đình nào có điều kiện kinh tế mới có thể tự động chuyển lên. Trong khi hầu hết các hộ dân bản Hột đều hoàn cảnh rất khó khăn. Mặt khác, nơi ở mới hiện nay vẫn chưa có điện và nước sinh hoạt. Bởi vậy bà con vẫn phải ở trong vùng nguy cơ lũ quét rất nguy hiểm.

Theo dự án, 54 hộ dân bản Hột trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét sẽ được di dời đến 3 địa điểm mới, với tổng diện tích quy hoạch gần 5ha. Dự án bao gồm 10 hạng mục. Tại địa điểm mới, bà con sẽ được đầu tư san ủi mặt bằng, xây dựng hệ thống điện, đường giao thông, nước sinh hoạt, nhà lớp học, nhà văn hóa và hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, bà con sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng mỗi hộ cho việc di chuyển và làm nhà mới. Sau di vén, bà con sẽ được hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống. Tổng kinh phí cho dự án là 39 tỷ đồng, từ nguồn vốn khắc phục thiên tai, hỏa hoạn theo Quyết định 1776 của Chính phủ và lồng ghép thêm nguồn vốn 30a.

Tuy nhiên, hiện tại chỉ mới cơ bản thực hiện được các hạng mục giải phóng mặt bằng, đường giao thông, hệ thống thoát nước và di chuyển được một số nhà. Còn lại những hạng mục khác đến nay vẫn đang nằm trên giấy.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết, việc triển khai dự án chậm tiến độ là do thiếu vốn đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, kinh phí mới bố trí được 10/39 tỷ đồng cho dự án, trong số đó vẫn còn những hạng mục phải tạm ứng từ ngân sách của tỉnh và Trung ương, chứ vẫn chưa được bố trí nguồn kinh phí chính thức của dự án. Đối với hạng mục san nền mới chỉ bố trí được 2,5/8,7 tỷ đồng (tạm ứng ngân sách của tỉnh); hạng mục giao thông, hệ thống thoát nước mới bố trí được 5/14,6 tỷ đồng (tạm ứng từ ngân sách Trung ương); hạng mục về nước sinh hoạt, trong kế hoạch năm 2016 được bố trí kinh phí thực hiện 2,6 tỷ đồng từ nguồn vốn 30a, thế nhưng đến nay mới chỉ đang triển khai các thủ tục chứ chưa được thực hiện.

Hiện bà con đã được bốc thăm chia đất trên mặt bằng mới, thế nhưng kinh phí hỗ trợ di chuyển là 20 triệu đồng/hộ vẫn chưa được bố trí. Bởi vậy, hầu hết các hộ dân vẫn chưa thể chuyển lên nơi ở mới.

Là một trong số ít những hộ dân đã chuyển được lên nơi ở mới, anh Lường Văn Chớn cho biết: "Được chuyển lên nơi ở mới, chúng tôi không còn lo lắng mỗi khi trời mưa lũ nữa. Thế nhưng hiện tại, các hộ di chuyển lên đây vẫn chủ yếu là phải ở nhà tạm. Điện và nước sinh hoạt chưa có nên cuộc sống vẫn còn rất khó khăn".

Theo Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa Lê Thanh Bình, huyện sẽ tiếp tục đề nghị tỉnh sớm bố trí nguồn kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng cũng như tiền hỗ trợ cho nhân dân để di chuyển lên nơi ở mới. Khẩn trương bố trí các hạng mục về điện và nước sinh hoạt để cho người dân khi di chuyển lên có đủ các điều kiện để đảm bảo nhu cầu cuộc sống.

Như vậy, ít nhất bà con bản Hột sẽ lại phải sống cùng thiên tai hết mùa mưa lũ năm nay. Để tránh thiệt hại do bão lũ gây ra, bà con trong bản đã chủ động sơ tán tài sản ra khỏi nhà. Mỗi khi trời mưa lũ, bà con chủ động sơ tán người đến nơi cao hơn, để lại những ngôi nhà “gồng mình” trước lũ.

Tuy nhiên, đó chỉ vẫn là giải pháp tạm thời, vấn đề cấp thiết là tỉnh Điện Biên cần khẩn trương bố trí kinh phí để hoàn thành dự án, di dời toàn bộ người dân vùng nguy hiểm đến nơi ở mới, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Xuân Tư
TTXVN