1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bản đồ cổ phương Tây khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Những tấm bản đồ cổ của phương Tây góp phần minh chứng từ hơn 5 thế kỷ trước, Việt Nam đã xác lập chủ quyền quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613 (Ảnh: TS. Sơn cung cấp).
Bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613 (Ảnh: TS. Sơn cung cấp).

Khẳng định chủ quyền Việt Nam

TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng vừa hoàn thành đề tài Font tư liệu về chủ quyền Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng).

TS. Sơn cho hay: Không chỉ các bản đồ cổ Việt Nam, Trung Quốc mà rất nhiều bản đồ cổ của phương Tây đều khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Một trong những thành công lớn của nhóm nghiên cứu là sưu tầm được 56 tấm bản đồ phương Tây của font tư liệu này.

Các bản đồ này được vẽ rất sớm, như: Bản đồ do Livro da Marinharia FM Pinnto vẽ năm 1560, bản đồ do Gerard Mercator (1512 - 1594) vẽ có niên đại vào nửa sau thế kỷ XVI... cho đến những bản đồ được vẽ vào cuối thế kỷ XIX như: Bản đồ do Stielers Handatla vẽ năm 1891...

Tất cả đều thể hiện bằng hình vẽ hoặc bằng chữ viết vị trí của quần đảo Hoàng Sa (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam dưới các tên gọi như Cauchi, Cochi, Cochinchina, Cochinchine... (tùy theo ngôn ngữ của từng nước phương Tây).

Trên một số bản đồ, địa danh Hoàng Sa còn được thể hiện hoặc ghi chú rất đặc biệt. Chẳng hạn, bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613 thể hiện quần đảo Frael (Hoàng Sa), bao gồm tất cả các đảo của Việt Nam từ nam vịnh Bắc Bộ cho đến hết vùng biển phía nam của Việt Nam, trừ Pulo Condor (Côn Đảo) và Pulo Cici (đảo Phú Quốc) được vẽ riêng.

Trong bản đồ do W. Blaeu vẽ năm 1645, quần đảo Frael (Hoàng Sa) được vẽ nối liền với các đảo: Pulo Secca de Mare (Cù Lao Thu, tức đảo Phú Quý), Pulo Cambir (Cù Lao Xanh), Pullo Canton (Cù Lao Ré, tức đảo Lý Sơn), thành một chuỗi đảo liên hoàn thuộc lãnh thổ Cochinchina (Đàng Trong)...

Đặc biệt, tấm bản đồ mang tên An Nam đại quốc họa đồ, viết bằng 3 thứ ngôn ngữ: Hán, Quốc ngữ và Latin, do Giám mục Jean Louis Taberd vẽ năm 1838, có ghi hàng chữ Paracel seu Cát Vàng (nghĩa là Paracel hoặc là Cát Vàng) khẳng định chủ quyền Việt Nam.

Cũng chính Giám mục Taberd trong bài viết in trên tạp chí The Journal of the Asiatic Society of Bengal vào năm 1837 cũng khẳng định: Paracels, hay Pracel, tức là Hoàng Sa - Cồn Vàng, thuộc về Cochinchina (Giao Chỉ gần Chi na, chỉ tên nước ta), TS. Sơn phân tích.

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, chuyên gia hàng đầu về bản đồ cổ Việt Nam, hiện sưu tập được 30 bản đồ cổ của phương Tây, có niên đại từ năm 1489 đến năm 1697, có thể hiện hình vẽ và địa danh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Đặc biệt từ tấm bản đồ thứ 4 từ năm 1507 đều có ghi vẽ đất nước ta với biển Đông và quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Tùy theo cách phát âm của mỗi tác giả vẽ bản đồ mà ghi tên nước ta. Có bản đồ ghi Cauchi tức Giao Chỉ, hoặc các dạng tự khác như Cochi, Cachi, Cachu, Cochin đều biểu hiện nguyên âm Giao Chỉ.

Theo TS. Sơn, 56 bản đồ cổ phương Tây này được sưu tầm có niên đại trải dài hơn 3 thế kỷ.

Điều này chứng tỏ từ thế kỷ XVI, nhiều người phương Tây đã biết đến vùng biển đảo Hoàng Sa và ghi nhận quần đảo này là một phần lãnh thổ của Việt Nam (mà bấy giờ họ gọi là Cochinchine, Cochinchina, Annam…).

“Chủ quyền này đã được các nhà bản đồ học, các nhà hàng hải, nhà phát kiến địa lý... phương Tây thừa nhận và ghi dấu lên những tấm bản đồ địa lý và bản đồ hàng hải của họ. Vì thế, những tấm bản đồ này là những tư liệu quý, góp phần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (và Trường Sa), mà hiện nay đang có một số quốc gia trong khu vực tranh chấp chủ quyền”, ông Sơn nói.

Trung Quốc chưa bao giờ có Hoàng Sa, Trường Sa
An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Taberd vẽ năm 1838.
An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Taberd vẽ năm 1838.

Theo TS. Sơn, nhiều tấm bản đồ cổ phương Tây đang được lưu giữ tại các thư viện công và bộ sưu tập tư nhân ở châu Âu và châu Mỹ. Trong đó phần lớn bản đồ mà nhóm nghiên cứu đề tài sưu tầm đều là bản đồ scan trực tiếp từ bản đồ gốc được đồng nghiệp là ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Mỹ, đến các thư viện tại Mỹ để tìm kiếm, xin phép scan...

Qua ông Thắng, TS. Sơn vừa có thêm nhiều tấm bản đồ cổ của phương Tây xuất bản trước và sau khi chính quyền Trung Quốc có những tuyên bố bất hợp pháp về chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào năm 1909.

Trong số này có bản đồ China do Adam và Charles Black vẽ cho bộ sách The Encyclopaedia Britannica, do Nxb. Edinburgh ấn hành năm 1876, bản đồ China, ấn hành năm 1883, bản đồ China and Japan, ấn hành năm 1896; bản đồ Siam and the Malay Archipelago do The Times Atlas (London, Anh) xuất bản năm 1896, bản đồ Route map showing from St. Petersburg to Guft of Tongking, ấn hành năm 1900...

“Điểm giống nhau giữa các bản đồ này là phần lãnh thổ Trung Quốc được tô khác màu hoặc được giới hạn bằng những đường kẻ đậm nét để phân biệt với lãnh thổ các nước láng giềng của Trung Quốc, luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam. Khẳng định Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa”, TS. Sơn nhấn mạnh.

 Theo Nguyễn Huy
Tiền phong