1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bản Cốc “khát” điện, “khát” nước, “khát”... đường đi

(Dân trí) - Bản Cốc thuộc xã Hồi Xuân, huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa), nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng bạt ngàn và những dãy núi cao ngất. Bà con nơi đây sống trong cảnh “khát điện”, nước sạch và “khát” cả đường đi…

Bản Cốc vốn là một bản sống cô lập với thế giới bên ngoài. Để mục sở thị “vương quốc” bản Cốc, chúng tôi đã quyết định ghé thăm bản của bà con dân tộc Mường nơi vùng biên Quan Hóa.

Bản Cốc “khát” điện, “khát” nước, “khát”... đường đi - 1
Để ra được bên ngoài, người dân bản Cốc hàng ngày phải đi trên những chuyến đò ngang đầy bất trắc.

Để vào được với bản Cốc phải đi đò qua một con sông. Chưa có đường, mọi giao lưu với thế giới bên ngoài của hơn 500 con người trong bản như đi chợ, đi làm, đi học... đều phải nhờ đò.

Trước đây còn có người đứng ra thầu đưa khách qua sông, nhưng gần hai năm trở lại đây, dịch vụ này không còn nữa, trưởng bản đã phân công mỗi gia đình 3 ngày trực để chèo đò đưa đón bà con qua sông, cứ thế luân phiên nhau.

Gặp chúng tôi, ông Hà Văn Nhón, thôn bản Cốc, là người trông giữ xe cho người qua đò, thở dài: “Các cháu muốn sang bản Cốc thì gọi đò ở bên kia họ sang chở qua. Ở đây dân khổ lắm, đường đi lại không có, điện cũng không”.

Con đò chòng chành lướt trên dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy xiết nhờ một sợi dây thừng căng ngang sông. Muốn đò đi thì người trên đò cứ bám dây mà vít, mà kéo. Chông chênh trên chiếc đò nhỏ đầy hiểm nguy ấy chừng 10 phút, chúng tôi mới thở phảo nhẹ nhõm khi đặt chân lên bờ.

Bản Cốc “khát” điện, “khát” nước, “khát”... đường đi - 2
Một góc bản Cốc.

Con đường từ bến đò dẫn vào bản Cốc không xa lắm nhưng vào ngày mưa nhễ nhại bùn lầy. Ấy là chưa nói mùa mưa nước chảy xiết, việc đi đò qua sông là không thể, nếu không muốn thí mạng cho hà bá.

Vượt qua con đường đất lởm chởm đá, bản Cốc hiện ra trước mắt với những ngôi nhà sàn tuềnh toàng. Bản Cốc còn nghèo lắm và khổ đúng như lời ông Nhón nói. Đi một vòng quanh bản, thấy đâu đâu cũng ngập cỏ dại, nhà cửa lụp xụp, xơ xác.

Ông Hà Văn Chơm, đội 2, bản Cốc, cho biết: “Bản này không có điện, xin cán bộ mãi rồi nhưng còn khó khăn lắm, điện không biết đến bao giờ mới vào đến đây. Mùa đông còn đỡ, mùa này khổ quá, nóng không chịu nổi. Mọi người ở bản cũng mua máy phát sáng điện nhờ nước nhưng cả năm tính không biết được mấy ngày có điện, vì mùa khô, nguồn nước không có thì máy không hoạt động được, mùa mưa lũ, máy lại càng không dùng được vì sẽ rất nguy hiểm và nếu không kịp tháo mang về thì sẽ bị nước cuốn trôi hoặc gây hư hỏng”.

Bản Cốc “khát” điện, “khát” nước, “khát”... đường đi - 3
Ánh bếp lửa trên nhà sàn bản Cốc. Vào buổi tối, bếp lửa và đèn dầu là nguồn chiếu sáng.

Bản Cốc “khát” điện, “khát” nước, “khát”... đường đi - 4
Trẻ em bản Cốc tắm bên sông.

Thiếu điện, cuộc sống của bà con càng nghèo nàn hơn. Đám trẻ nói “thích được xem tivi”, các cụ già tâm sự “thèm nghe tiếng radio mỗi tối”.

Không những giao thông đi lại khó khăn, điện chiếu sáng không có, bản Cốc còn chịu thêm cảnh khổ về nước sạch sinh hoạt. Mặc dù bản Cốc đã được tổ chức tầm nhìn thế giới hỗ trợ, phối hợp với Hợp tác xã và nhân dân xã Hồi Xuân xây dựng một bể nước sạch từ năm 2005 nhưng không những bể nước quá nhỏ so với hàng trăm hộ dân ở bản mà còn rất ít khi có nước. Thực tế cho thấy, tại thời điểm này, bể không có một giọt nước nào, người dân vẫn quanh năm dùng nước suối.

Chị Hà Thị Sim cho hay: “Biết nước ở khe suối không đảm bảo vệ sinh do người ta chăn thả trâu bò trong đó, thế nhưng chúng tôi không lấy nước đó thì lấy nước nào được, đành phải chấp nhận thôi”.

Ông Hà Văn Chinh, Phó trưởng bản cho biết: “Bản Cốc hiện có 114 hộ với 538 nhân khẩu. Ở đây, người dân chịu thiếu thốn trăm bề, thiếu điện, thiếu nước sạch và thiếu cả đường đi lại, chính vì thế mà đời sống của người dân cũng không được nâng cao, trình độ dân trí thấp”.

“Các cháu học sinh mỗi khi đi học đều phải chèo thuyền qua sông rất nguy hiểm, đã nhiều người dân và các cháu học sinh bị ngã xuống sông nhưng rất may ở đây ai cũng biết bơi nên không có rủi ro xảy ra. Nhưng cũng chính vì đi lại khó khăn, nên việc học sinh đến trường không được đảm bảo, điện thắp sáng không có, việc học và ôn bài buổi tối của bọn trẻ cũng không được đến nơi đến chốn”, ông Chinh chia sẻ.

Hiện tại, bản Cốc có khoảng gần 100 học sinh, việc không có điện, giao thông đi lại khó khăn chính là nguyên nhân khiến tình trạng bỏ học giữa chừng của các cháu ở đây không ít.

Bản Cốc “khát” điện, “khát” nước, “khát”... đường đi - 5
 Bể nước sạch được đầu tư hàng trăm triệu nhưng không có một giọt nước nào.

Ông Hà Văn Tuyên, Trưởng phòng văn hóa huyện Quan Hóa cho biết: “Hiện nay, bản Cốc chưa có điện vì số dân ít, kinh phí để đưa đường dây điện vào bản lại rất lớn nên chưa thể thực hiện được. Về đi lại, cách đây 3 năm, bản Cốc được xây một con đường bộ dẫn từ bên ngoài vào theo dự án 135 của Chính phủ, thế nhưng con đường cho đến bây giờ vẫn chưa được hoàn thành nên việc đi lại cũng không đơn giản. Hơn nữa, phải vượt qua hang ma, qua một cây cầu treo, một con dốc, mùa mưa, đường nhầy nhụa bùn đất trơn trượt rất khó đi, mùa nắng thì bụi mù mịt, lởm chởm những ổ gà, những mỏm đá, đi xe sẽ rất nguy hiểm thế nên người dân vẫn chọn con đường chính là qua đò”.

Chiều muộn, để kịp chuyến đò qua sông trước khi trời tối, chúng tôi phải vội chia tay bản Cốc, nhìn từ xa, những ánh đèn dầu và những bếp lửa leo lét giữa đại ngàn heo hút trông thật ảm đạm.

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên