1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bài hát lính biên phòng yêu thích, con đường mang tên liệt sỹ biên phòng

(Dân trí) - Đó là những câu chuyện về những người chiến sỹ biên phòng được kể từ biên giới Lào Cai.

Bài hát được bộ đội biên phòng yêu thích nhất

Đó là bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” của nhạc sỹ Thuận Yến - nguyên Trưởng đoàn ca múa nhạc Quân khu 2, nguyên Trưởng ban ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam - phổ lời bài thơ cùng tên của nhà thơ Dương Soái - nguyên phóng viên chiến trường Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Yên Bái.

Bài hát này được bộ đội biên phòng “xếp hạng” là ca khúc hay nhất dành cho chiến sỹ quân hàm xanh đang đêm ngày cầm súng bảo vệ biên giới thân yêu của Tổ quốc.

Cách đây không lâu, trong dịp lên thăm huyện biên giới Bát Xát và thành phố trẻ biên cương Lào Cai, nhà thơ Dương Soái đã rủ chúng tôi xuống bờ sông biên giới km 0 Bản Vược để ngắm nhìn thoả thích “Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt”.

Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt

Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt

Và anh đã kể cho chúng tôi nghe về sự ra đời của bài thơ “ Gửi em ở cuối sông Hồng” mà nhà thơ Dương Soái đã viết trong dịp đi công tác trên biên giới Lào Cai đầu năm 1979 với cương vị là phóng viên chiến trường.

Anh bảo đó là những cảm xúc chân thật của một người con sinh ra ở vùng châu thổ sông Hồng đã từng có hơn chục năm làm nghề đi tìm “các kho báu” cho Tổ quốc trên vùng thượng nguồn sông Hồng ở Bảo Thắng, Văn Bàn, Bát Xát... trước khi trở thành nhà báo, nhà thơ chuyên nghiệp.

Bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” của Dương Soái ra đời sau chuyến lên mặt trận biên giới Lào Cai tháng 2/1979. Trở về tòa soạn, tác giả đã bật lên những tứ thơ đầu tiên khi gửi giúp thư về nhà cho các chiến sỹ trẻ biên phòng làm nhiệm vụ trên thượng nguồn sông Hồng có quê ở các tỉnh Thái Bình, Hà Nam Ninh, Hà Tây, Vĩnh Phú... nằm dọc đôi bờ sông Mẹ thân thương.

Nhà thơ Dương Soái sau đó vui mừng không nói nên lời khi bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” của mình được đăng trang trọng trên trang thơ của tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) đầu năm 1979.

Ngay sau đó bài thơ được nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc và ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng” được rất nhiều bạn đọc trẻ chép lại vào sổ tay cá nhân để học hát theo.

Bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" và nhà thơ Dương Soái đã đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên giải thưởng Phan Si Păng của UBND tỉnh Lào Cai xét tặng 5 năm một lần ngay lần đầu tiên xét trao giải năm 2004.

Theo cố Đại tá Trịnh Minh Giáp, nguyên Chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai, các chiến sỹ biên phòng tỉnh Lào Cai luôn coi bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng” là một trong những “bài tủ” khi giao lưu văn nghệ với bà con địa phương và chọn hát trong các dịp kỷ niệm lớn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm, vị trí đầu tiên “nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt” chính là khu vực bản Lũng Pô, xã Á Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, là nơi dòng suối Lũng Pô trong xanh chảy từ huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hợp lưu với dòng sông Hồng cũng chảy từ phía thượng huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam đổ dòng về đất Việt của ta.

Thành phố trẻ biên cương tỉnh lỵ Lào Cai cũng được mệnh danh là “nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt”, nhưng nơi này còn có thêm dòng phụ lưu sông Nậm Thi chảy từ phía đông nam huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào Việt Nam.

Đặc biệt vị trí hợp lưu giữa dòng Nậm Thi nước xanh như ngọc với dòng sông Hồng đỏ lựng phù sa ở khu vực gần cầu Hồ Kiều II trên biên giới Việt - Trung chảy hoàn toàn vào phần đất Việt Nam là nơi nhiều người tìm đến ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm mỗi khi tới thăm cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Đường phố biên giới mang tên Anh hùng Biên phòng

Con đường mang tên liệt sỹ biên phòng Võ Đại Huệ

Con đường mang tên liệt sỹ biên phòng Võ Đại Huệ

Năm 2014, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai đã quyết định đặt tên 3 đường phố mới của tỉnh lỵ Lào Cai là tên 3 liệt sỹ tiêu biểu hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Lào Cai ngày 17/2/1979.

Đó là liệt sỹ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Đại Huệ - chiến sỹ biên phòng hy sinh ở biên giới Mường Khương, liệt sỹ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Quách Văn Rạng - chiến sỹ biên phòng hy sinh ở biên giới Lào Cai và liệt sỹ - nhà báo - nhà văn Bùi Nguyên Khiết hy sinh khi làm nhiệm vụ ở biên giới Tả Ngải Chồ.

Trong bài viết này xin giới thiệu đôi nét về chiến công của liệt sỹ - Anh hùng Võ Đại Huệ, sinh năm 1952, dân tộc Kinh, quê ở xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đăng trong cuốn sách "Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh".

..." Khi hy sinh, đồng chí Võ Đại Huệ là đảng viên, trung úy, đại đội trưởng đại đội 11, tiểu đoàn 3, trung đoàn 16, Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.

… Sáng 17 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược ồ ạt tấn công vào khu vực biên giới Mường Khương, Võ Đại Huệ chỉ huy đơn vị đánh trả làm cho bộ binh địch không phối hợp được với xe tăng của chúng phải ùn lại.

Anh lệnh cho hỏa lực bắn chính xác vào đội hình địch, đồng thời trực tiếp chỉ huy 1 tổ dùng B40 chặn đánh xe tăng ở ngã ba Mã Tuyển, diệt liên tiếp 2 chiếc. Nhiều chiếc khác xông vào phía Mường Khương, Võ Đại Huệ dẫn đầu tổ hỏa lực B40 chạy tắt đường đón đánh.

Chiếc đi đầu bị anh bắn cháy, nhiều chiếc khác ùn lại, Võ Đại Huệ trực tiếp bắn cháy 4 chiếc nữa.

Sáng ngày 18/2/21979, được pháo yểm trợ địch cho lực lượng chia thành 3 mũi tấn công lên núi Ba Khuy. Võ Đại Huệ chỉ huy đơn vị đánh bật địch, giữ vững trận địa. Bị thương nhưng anh vẫn không rời vị trí tiếp tục chỉ huy đơn vị đẩy lùi 11 đợt tấn công của địch. Đơn vị đã diệt và làm bị thương 300 tên địch. Riêng Võ Đại Huệ diệt và làm bị thương 48 tên, trong đó có tên chỉ huy xe tăng.

Chiều ngày 18/2/21979, anh chỉ huy đơn vị phá vòng vây dày đặc của địch, di chuyển đến vị trí mới, Võ Đại Huệ đã anh dũng hy sinh.

Đồng chí được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công khi chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường miền Nam và được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất, thăng cấp quân hàm trung úy.

Ngày 19/12/1979, liệt sỹ Võ Đại Huệ được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"...

Thể theo nguyện vọng của gia đình liệt sỹ - Anh hùng Võ đại Huệ, mộ chí của ông vẫn được an táng tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, nơi ông đã ngã xuống vì Tổ quốc thân yêu.

Được biết người con trai của ông là anh Võ Đại Hùng hiện đang công tác ở một trạm biên phòng tỉnh Nghệ An. Khi ông hy sinh anh vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Hàng năm anh vẫn dành thời gian lên viếng mộ cha và thăm đồng đội của cha đang làm nhiệm vụ trên biên giới Lào Cai.

Gia đình anh Võ Đại Hùng rất vui và tự hào khi tên liệt sỹ - Anh hùng Võ Đại Huệ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai chọn đặt tên cho một đường phố mới của thành phố biên giới Lào Cai.

Đồn là nhà, biên giới là quê hương

Trao đổi với báo chí nhân Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Ngày Biên phòng toàn dân (3/3), Đại tá Lương Văn Sơn, Chính ủy bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai cho biết, bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tuyến biên giới quốc gia tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dài hơn 182 km, trên địa bàn 26 xã, phường, thị trấn biên giới.

Con đường mang tên liệt sỹ biên phòng Võ Đại Huệ

Những năm qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, tình hình trên tuyến biên giới của tỉnh cơ bản ổn định; chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững; quan hệ giữa hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ngày càng được củng cố và tăng cường.

Tuy nhiên, hoạt động của các loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, mua bán người, buôn lậu,…

Với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, cán bộ, chiến sỹ biên phòng tỉnh Lào Cai đã nỗ lực hết mình để khắc phục những mặt còn tồn tại nơi biên cương Tổ quốc. Cán bộ bộ đội biên phòng được tăng cường cho các xã; giúp dân làm kinh tế; tổ chức vận động nhân dân hưởng ứng chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới… ; vận động bà con vùng biên xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan gắn với phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia...

Phạm Ngọc Triển