1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Loạn xe vận tải hành khách biển Lào:

Bài 2: Doanh nghiệp chết dần, nhà nước thất thu nặng!

(Dân trí) - Trước tình trạng xe biển Lào “hoành hành” tại Hương Sơn, nhiều doanh nghiệp vận tải ở địa phương này đang rơi vào tình cảnh khốn đốn bởi những thiệt hại rất lớn về kinh tế. Trong khi đó, các cến xe và ngành thuế ở đây cũng thất thu nhiều tỷ đồng!

>> Bài 1: Mạnh ai nấy chạy!

Thua “đau” trên sân nhà

Ông Đặng Thái Lâm, cán bộ BQL bến xe huyện Hương Sơn cho biết, cuối năm 2006, Hương Sơn có đến hơn 10 xe vận tải hành khách chạy tuyến Bắc Nam. Tuy nhiên, thời gian qua do làm ăn thua lỗ các nhà xe đã bán tống bán tháo phương tiện để trả nợ. Bến xe hiện chỉ còn 3 chiếc chạy tuyến Bắc Nam.

3 chiếc xe mà ông Lâm nói đến chính là đội xe của Công ty Vận tải hành khách Thọ Lam  (xóm 5, xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn) do ông Lê Đức Thọ làm Giám đốc. Tuy nhiên, trước tình trạng xe biển Lào hoành hành hiện doanh nghiệp này hoạt động hết sức khó khăn, nếu không muốn nói là đang đứng trước nguy cơ phá sản.

“Trả lời Dân trí ông Nguyễn Xuân Bảo, Phó phòng Quản lý phương tiện - người lái Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh cho hay, Phòng mới nghe bến xe Hương Sơn phản ánh sự việc.

 

Việc các nhà xe mang biển số Lào “chui” qua được nhiều điểm chốt chặn của lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông có thể là các lực lượng này chưa hiểu được những quy định tại Nghị định thư 2001.

 

Giải pháp duy nhất mà ông Bảo nêu ra là... rất cần dư luận lên tiếng để các cơ quan chức năng vào cuộc!”  

Quá bức xúc, mới đây ông Thọ đã viết đơn gửi các cơ quan chức năng phản ánh một thực trạng: “Từ lâu nay đội xe chúng tôi bị o ép đủ bề. Do không phải đóng thuế, nộp phí bến bãi và nhiều khoản khác nên họ (các chủ xe biển Lào - PV) liên tục ép giá hành khách.

Mỗi lần xe chúng tôi xuất bến là ngay lập tức có xe biển Lào đi sau. Họ giảm giá vé mà dân nơi nào rẻ thì họ đi, khiến chúng tôi không thể đón được khách”.

Tiếp xúc với Dân trí, ông Thọ cay đắng: “Một chuyến đi vào Nam và ngược lại thường mất chi phí hơn 15 triệu đồng. Vì thế, việc không đón được khách đã khiến doanh nghiệp liên tục bị thua lỗ nặng”. Ông Thọ kêu trời: “Nếu các cơ quan không trả lại sự cạnh tranh lành mạnh thì tôi chỉ có nước bán xe mà thôi!”

Nhà nước thất thu nặng!

Làm việc với Dân trí ông Nguyễn Xuân Hùng - Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Hương Sơn bày tỏ sự bất lực: “Mặc dù xe biển Lào hoạt động trên địa bàn từ lâu nhưng Chi cục không hề nhận được bất kỳ một đồng thuế nào bởi có qúa nhiều lý do.

Bài 2: Doanh nghiệp chết dần, nhà nước thất thu nặng! - 1
  

Ông Nguyễn Xuân Hùng 

Các chủ xe hoạt động không khai báo, kiểm tra giấy tờ để kê khai thì rất khó nên chúng tôi không biết lấy căn cứ đâu để thu thuế. Thực trạng này chúng tôi đã nhiều lần làm kiến nghị gửi đến các ban ngành liên quan nhưng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết”.

Cũng theo ông Hùng, chính vì sự cạnh tranh không lành mạnh của xe biển Lào nên nhiều doanh nghiệp vận tải đã bỏ cuộc khiến địa phương thất thu nặng về thuế. Theo qui định hàng tháng, mỗi doanh nghiệp vận tải trên địa bàn phải đóng từ 500-600 ngàn đồng tiền thuế.

Thời điểm trước năm 2006 khi trên địa bàn còn có trên 10 doanh nghiệp thì số tiền thuế nộp ngân sách có khi lên đến hàng chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên kể từ ngày xe biển Lào hoạt động số doanh nghiệp vận tải giảm xuống chỉ còn 4 nên số thuế cũng giảm theo.

Không chỉ ngành thuế mà nguồn thu chính của bến xe Hương Sơn cũng “đội nón ra đi”. Gần chục chiếc xe vận tải hành khách chạy tuyến Bắc Nam đã bị bán hoặc bị chuyển nhượng cho địa phương khác đã khiến bến xe này mất đi ít nhất không dưới 20 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, hơn hai chục chiếc xe biển Lào nằm “ngoài tầm phủ sóng” của bến xe này lại không phải đóng bất kỳ một đồng phí bến bãi nào. Ông Đặng Thái Lâm khẳng định, số xe biển Lào nằm ngoài tầm kiểm soát, khiến nhà nước thất thu mỗi tháng hàng chục triệu đồng.

Văn Dũng - Minh San