Dự án cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông miền Trung tại Hà Tĩnh:
Bài 1: Đường chưa bàn giao đã “nát bấy”
(Dân trí) - Dự án cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông khu vực miền Trung tỉnh Hà Tĩnh do PMU1 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư đang khiến cả người dân và chính quyền địa phương hưởng lợi mất niềm tin vì chất lượng thi công quá kém và đầy tai tiếng.
Trước thực trạng giao thông nông thôn khu vực miền Trung xuống cấp nghiêm trọng, từ nhiều năm trước, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý Dự án 1 (PMU1) làm chủ đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông khu vực miền Trung bằng nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển châu Á (Dự án được gọi tắt ADB5).
Ngày 5/12/2008, 5 gói thầu của ADB5 Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng đã đồng loạt được PMU1 phối hợp cùng Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh khởi công. Đơn vị tư vấn giám sát là Norconsult - một đơn vị tư vấn của Canada, trụ sở tại Việt Nam đóng tại số 10B, Nguyễn Chí Thanh, Đà Nẵng.
Sau khi khởi công, người dân và chính quyền hưởng lợi chờ đợi dự án sẽ hoàn tất đúng tiến độ, đáp ứng được việc đi lại, phục vụ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Thế nhưng cho đến lúc này, khi dự án đã quá thời hạn bàn giao gần cả năm, những gì diễn ra trên hầu hết các gói thầu nói trên thật đau xót.
Một trong những gói thầu gây bức xúc nhất cho người dân là gói thầu HT02/TL12, từ km6+513,58 – Km15+610,39 thuộc Tỉnh lộ 12 nối địa bàn hai huyện Can Lộc với Đức Thọ, có tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng, do Công ty Vinaconex 12 (tầng 19, nhà HH2, Khu đô thị Mễ Trì Hạ, đường Phạm Hùng, Từ Liêm, Hà Nội) thi công.
Theo cam kết, chậm nhất đến ngày 5/6/2010, phía Vinaconex 12 phải bàn giao, nhưng cho đến đầu tháng 10/2010, trước khi đợt lũ lụt vừa qua diễn ra, gói thầu này vẫn đang hết sức dang dở. Điều đáng nói là trong khi chưa biết khi nào mới được bàn giao thì tuyến đường vừa được láng nhựa đã nhanh chóng hư hỏng, mà đáng kể nhất phải kể đến đoạn từ Km11+555,10 đến Km14+150.
Chưa bàn giao nhưng tỉnh lộ 12 đã "nát như tương"
Trên suốt chiều dài của đoạn đường mới thi công này hầu hết bị rạn, nứt, hàng loạt chỗ nền đường bị sụt lún trầm trọng. Nhiều đoạn mặt đường bong hoàn toàn, lề đường bị xói lở, cọc tiêu bị đổ và đặc biệt là nền đường lún rất khủng khiếp. Một số người dân sinh sống dọc theo con đường này cho biết, đường mới thi công được một năm nhưng chất lượng thua hẳn con đường cũ đã làm cách đây gần cả chục năm.
Vào đầu tháng 10/2010, trước khi đợt lũ lụt xảy ra, tuyến đường vừa được láng nhựa đang được tư vấn giám sát nghiệm thu đã nhanh chóng hư hỏng, mà đáng kể nhất phải kể đến đoạn từ Km11+555,10 đến Km14+150. Trên suốt chiều dài của đoạn đường mới thi công này hầu hết bị rạn, nứt, nhiều chỗ bị sụt lún.
Chất lượng thi công có vấn đề khiến người dân xã Đức Thanh hết sức bức xúc. Một số người dân thẳng thắn đề nghị xem lại các thông số kỷ thuật mà nhà thầu đã thi công.
Mới đây, ngày 25/11, phía nhà thầu thi công Vinaconex 12 cùng Công ty TNHH Cunningham Leindsey VN - đại diện Nhà giám định - đã tiến hành giám định toàn bộ tuyến đường thuộc gói thầu nói trên. Trong biên bản giám định gửi chủ đầu tư và các địa phương, phía Vinaconex 12 đổ lỗi nguyên nhân khiến tuyến đường bị hư hỏng, bóc tróc, nứt nẻ như hiện nay là do... bị nước lũ nhấn chìm.
Phía Vinaconex 12 đổ lỗi nguyên nhân khiến tuyến đường bị hư hỏng, bóc tróc, nứt nẻ như hiện nay là do... bị nước lũ nhấn chìm.
Ý kiến trên của Vinaconex nhanh chóng bị chính quyền địa phương xã Đức Thanh, UBND huyện Đức Thọ và lãnh đạo Sở GTVT Hà Tĩnh thẳng thừng bác bỏ.
Ông Trần Lê Sỹ - Chủ tịch UBND xã Đức Thanh - bức xúc: “với tuyến đường này mà đổ lỗi hết cho thời tiết, cho lũ là không thể chấp nhận được, vì trước khi lũ lụt xảy ra đường này đã hỏng nứt nẻ, bong tróc trên cả tuyến dài buộc chúng tôi phải phản ánh với chủ đầu tư”.
Trước lũ Tỉnh lộ 12 đoạn qua xã Đức Thanh đã hư hỏng thế này
Ông Sỹ cho biết, "ngay từ đầu chính quyền chúng tôi đã phát hiện việc bóc phong hoá nền đất không đảm bảo. Việc này chúng tôi đã chỉ thẳng cho tư vấn giám sát thấy và họ cũng đã công nhận điều này. Còn chất lượng đá, và nhựa bằng mắt thường hiện cũng thấy không hề đảm bảo".
Trong khi đó Phó phòng Công thương huyện Đức Thọ Phạm Song Lý - người được UBND huyện giám sát dự án thẳng thắn bày tỏ, “chất lượng thi công quá kém. Đến giờ phút này đã quá thời gian bàn giao cho địa phương mà đường không nghiệm thu được, huyện đã nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư buộc nhà thầu phải thi công lại, nhưng mọi chuyện vẫn dẫm chân tại chỗ”.
Người dân huyện Đức Thọ luôn ngán ngẫm đi trên con đường đang thi công dở dang này
Không chỉ có gói thầu số 02 nói trên mà gói thầu HT03 đường Tỉnh lộ 7 (từ Km0 + 00 đến Km11+237 thuộc địa phận huyện Can Lộc) có tổng mức đầu tư gần 16,7 tỷ đồng, do Công ty CP đầu tư Xây dựng Thương mại Miền Trung Thanh Hoá (ĐC: 67 Hàng Than - Phường Lam Sơn – TP Thanh Hóa) thi công, cũng chưa biết khi nào mới bàn giao.
Chất lượng thi công của công trình này đã và đang khiến UBND huyện Can Lộc và Sở GTVT Hà Tĩnh đau đầu. Không khó để nhận ra tuyến đường chưa được bàn giao này hư hỏng, tróc lở nhiều chỗ. Người dân các xã hưởng lợi đang hết sức bức xúc không chỉ chất lượng mà sự chây ì, chậm chạp trong thi công của nhà thầu.
Tuyến Tỉnh lộ 7 thuộc địa bàn các xã vùng dưới huỵên Can Lộc được đầu tư gần 16,7 tỷ đồng, chưa thể bàn giao do chậm trễ và xuống cấp
Trong buổi làm việc mới đây với PV Dân trí, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh Nguyễn Trân bức xúc cho biết, nguyên nhân khiến các tuyến đường trong hai gói thầu nói trên xuống cấp nhanh và chưa biết khi nào mới bàn giao là do chất lượng thi công quá kém của nhà thầu và một phần lỗi của tư vấn giám sát. “Lũ cũng góp phần khiến đường hư hỏng, nhưng đấy là nguyên nhân không đáng kể” - ông Trân nhận định.