Bác sĩ ngoại, chất lượng... ?
Với tâm lý vọng ngoại, không ít người bệnh đã tìm đến các cơ sở y tế mác ngoại, hy vọng được điều trị... như ở nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi đã chi ra một số tiền không hề nhỏ, nhiều bệnh nhân lại rước hoạ vào thân.
Chị Bùi Thị Bích Liên - bệnh nhân đang nghi ngờ Bệnh viện Việt- Pháp cắt nhầm buồng trứng phải của mình - kể lại rằng, sau khi phát hiện bị u nang bì buồng trứng trái, chị đã đến Bệnh viện C Hà Nội khám và bác sĩ khuyên chị nên làm thủ tục mổ sớm. Tuy nhiên, khi gia đình bàn bạc, chị đã đến BV Việt-Pháp để phẫu thuật, dù rằng cũng phải cân nhắc vì chi phí cho một ca phẫu thuật có "bàn tay" của BS ngoại là quá lớn đối với một công chức.
Ngay sau khi chúng tôi đưa tin về ca phẫu thuật lạ lùng này, một bệnh nhân (xin được giấu tên) ở Hà Nội cũng đã từng điều trị ở BV Việt-Pháp cho hay, chính bệnh nhân này cũng từng bị BS ở đây cho uống nhầm thuốc. Lãnh đạo BV Việt-Pháp cũng đã từng phải "hầu toà" khi bệnh nhân khởi kiện gây xôn xao dư luận Hà Nội một thời.
Phòng khám đông y cổ truyền Trung Quốc ở TPHCM cũng đã bị báo chí phanh phui vì dùng thuốc "đông tây y hỗn hợp" tự bào chế, các lương y quảng cáo nổi tiếng này lại chẳng có bằng cấp gì cả.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các cơ sở y tế có vốn đầu tư nước ngoài, trình độ phiên dịch rất yếu, cầu nối ngôn ngữ giữa bệnh nhân và BS theo kiểu "dịch" theo cử chỉ diễn tả của BS. Cơ sở y tế C.L.B.A (TPHCM) lại còn kiêm thêm dịch vụ môi giới bệnh nhân để đưa ra nước ngoài điều trị với chi phí rất cao. Nhắm vào tâm lý "còn nước còn tát", "có bệnh thì vái tứ phương" của người bệnh, cơ sở y tế này đã có những "chiêu" để "hút" bệnh nhân đến BV của mình.
Chất lượng bác sĩ: Không quản nổi
Không ai phủ nhận rằng đứng ở góc độ xã hội, có thể nói các đơn vị y tế có 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh này đã góp phần đa dạng hoá dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh ngày càng cao của người dân. Song, chất lượng của những đơn vị này thì còn phải bàn thêm...
Theo Luật Đầu tư, các đơn vị y tế này hoạt động như một doanh nghiệp, do Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp phép theo Luật Đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các sở y tế nằm ở địa phương nào sẽ do địa phương đó đảm trách và kiểm tra. Với cách quản lý chồng chéo, đan xen nhau như vậy, rất dễ đưa đến tình trạng thiếu chặt chẽ, buông lỏng trong quản lý...
Theo lời nhận định của một thanh tra viên thuộc Sở Y tế TPHCM, trong quá trình kiểm tra hoạt động của các đơn vị này, bằng cấp chuyên môn cũng là một vấn đề nan giải của ngành, bởi hiện có nhiều loại bằng cấp, chức danh vẫn còn sự chênh lệch, khác biệt giữa nước ta và một số nước trên thế giới...
Ngoài vấn đề bằng cấp, chuyên môn, tình trạng "treo đầu dê bán thịt chó" của một số phòng khám nước ngoài cũng là điều đáng nói. Đó là tình trạng các phòng khám này đã quảng bá, giới thiệu rất nhiều dịch vụ hoàn hảo. Song khi những người bệnh có nhu cầu tìm đến thì lại bị rơi vào tình trạng "bị bán" cho các đơn vị y tế ở nước ngoài như Singapore, Thái Lan...
Các cơ sở y tế có người nước ngoài hành nghề, chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn. Không ít cơ sở y tế có "mác" nước ngoài đã gây điều tiếng, bức xúc trong dư luận về chất lượng khám chữa bệnh. Thanh tra Bộ Y tế đã vào cuộc để làm rõ.
Hà Nội là một trong hai điểm "nóng", đặc biệt là những vụ việc liên tiếp gần đây xảy ra tại BV Việt-Pháp về chất lượng bác sĩ khám, điều trị, phẫu thuật.
Về hiệu quả hoạt động của các BS nước ngoài tại BV Việt-Pháp, chiều 21/2, lãnh đạo Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết: Hiện nay, tại BV Việt-Pháp có 235 nhân viên và chỉ có 9 người nước ngoài, trong đó chỉ có 5 bác sĩ nước ngoài hành nghề thường xuyên. Số người này có đủ giấy phép lao động và giấy phép hoạt động của Bộ Y tế.
Ngoài số người nước ngoài nói trên thì có 15 BS làm việc bán thời gian, đến tháng 12/2005, Sở Y tế Hà Nội mới có được danh sách những BS làm việc bán thời gian.
Theo điều tra của chúng tôi, BV Việt-Pháp bắt đầu chính thức hoạt động từ năm 2000, như vậy, sau gần 5 năm , BV Việt- Pháp mới chính thức thừa nhận về việc 15 bác sĩ làm việc bán thời gian.
Tại các sơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền, tình hình cũng không khá hơn. Hiện chỉ còn có 5 thầy thuốc, lương y Trung Quốc đang hành nghề y học cổ truyền tại các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền ở Hà Nội. Số lượng bác sĩ , lương y Trung Quốc đã giảm một nửa so với vài năm trước.
Theo L.Huân -T.Uyên - Ng.Hằng
Lao Động