Bác sĩ, kiến trúc sư và cuộc Tổng điều tra dân số
(Dân trí) - Cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần này có vai trò rất quan trọng khi hoạch định tương lai. Người kiến trúc sư thiếu cẩn trọng trong nghiên cứu quy hoạch sẽ tác động tiêu cực tới xã hội, như bác sĩ vụng kê nhầm toa thuốc cho bệnh nhân nan y...
Trước khi đô thị hoá, các trường học nằm ở bìa làng thoáng mát tĩnh mịch, cửa sổ các lớp trông ra đồng lúa xanh rờn. Giờ đây chen chúc giữa khu dân cư, có trường chung tường với nhà tang lễ bệnh viện, cảnh tắc đường, tiếng còi xe với âm thanh kèn trống nghe mãi thành quen.
Chuyện trên cho thấy tư liệu thống kê hiện trạng có vai trò quan trọng ra sao khi hoạch định tương lai. Mặt khác, kiến trúc sư thiếu cẩn trọng trong nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị sẽ có tác động tiêu cực tới xã hội, giống như bác sĩ vụng kê nhầm toa thuốc cho bệnh nhân nan y - hy vọng sống sót của họ là rất mong manh.
Giống như bác sĩ có nhiệm vụ chữa bệnh cho người, kiến trúc sư phải làm sao để không gian đô thị không có khuyết tật; có chỗ nào bất ổn, người kiến trúc sư phải can thiệp ngay để công trình hay không gian đô thị trở nên tốt đẹp hơn, có sức sống hơn.
Khác với bác sĩ, sai lầm của họ được chôn dưới ba thước đất hoặc vài cá nhân phải chịu đựng, còn sai lầm của kiến trúc sư thì nằm chềnh ềnh trên mặt đất, phơi ra cái xấu xí trong suốt quãng thời gian dài, ảnh hưởng đến hàng vạn con người. Như vậy, xét về mục đích phấn đấu và hậu quả nghề nghiệp, bác sĩ và kiến trúc sư có những điểm tương đồng, có điểm khác biệt.
Tổng điều tra dân số và nhà ở - tác động đến kiến trúc sư và bác sĩ như thế nào?
Gần đây bà con ta nghe thấy hai tin vui : Thứ nhất là TP có kế hoạch di dời bệnh viện ra ngoài khu trung tâm TP, thứ hai là ngành Y tế đang rầm rộ triển khai “tổng lực” chương trình y tế điện tử. Nếu cả hai chương trình tiến hành đồng bộ thì chắc chắn việc khám chữa bệnh sẽ có chất lượng vượt trội.
Giá như tiến độ xây bệnh viện mới, nhờ chính cuộc ứng dụng CNTT “tổng lực” mà cập nhật thường xuyên lên website của ngành Y tế thì quý biết mấy. Bà con ta sớm nhìn ra cái tương lai mỗi bệnh nhân một giường bệnh nó đang ở tình trạng nào. Qua website mà tin nhanh đến mọi nhà: ở đâu có y bạ điện tử, ở đâu có bệnh án, đơn thuốc điện tử, chỗ nào ứng dụng CNTT vào công tác chăm sóc sức khoẻ thành công, các dịch vụ xét nghiệm tràn lan được ngăn chặn kịp thời bởi ứng dụng CNTT… Chỉ nghe thôi đã thấy nức lòng.
Nhưng tiếc là xem kế hoạch “tổng lực” ấy, ngoài tin có ưu đãi khi mua máy tính để bàn hay xách tay có số lượng và giá ưu đãi chi tiết, còn các ứng dụng cụ thể để phục vụ người bệnh tốt hơn hay kế hoạch tin học hoá công tác cảnh báo phòng ngừa dịch bệnh thì vẫn chưa thấy. Kết luận vẫn là… "vẫn còn hạn chế cả về cơ sở vật chất và năng lực". Thấy vậy, chỉ e là CNTT đang lạc sang kế hoạch tổng lực mua sắm máy tính.
Ngày 1/4/2009 bắt đầu đợt Tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc. Điều đặc biệt là lần đầu tiên, cuộc TĐTDS này được chuẩn bị công phu để thu thập thông tin dân cư trên nền các sơ đồ - bản đồ định vị cư trú. Một bước tiến mới là áp dụng CNTT ngay từ khâu nhập thông tin.
Nếu có kế hoạch khai thác cơ sở dữ liệu dân cư - nhà ở số hoá này, bác sĩ sẽ chuyển vào các chương trình y tế điện tử với 87 triệu y bạ điện tử, danh sách địa chỉ trẻ em tiêm chủng, tổ hợp phân tích dịch bệnh theo địa bàn mà chủ động phòng ngừa … Còn kiến trúc sư dùng tư liệu này để giải các bài toán dự báo, thì có lẽ các “kế hoạch tổng lực” hay “quy hoạch tổng thể” sẽ có tính khả thi hơn rất nhiều, tiết kiệm tiền của, thời gian cho xã hội rất nhiều.
KTS Trần Huy Ánh