Bác sĩ cũng phải nộp thuế thu nhập
Sau ca sĩ, nay đến lượt các bác sĩ được đặt trong “tầm ngắm” của cơ quan thuế TPHCM. Lâu nay, có nhiều bác sĩ mở phòng khám riêng, thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng nhưng vẫn không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Thu nhập của bác sĩ quá cao
Đến phòng khám của bác sĩ N.K.H. chuyên khoa nội nhi trên đường Ph.Đ.L. (quận Phú Nhuận) vào lúc 18h30, hàng chục phụ huynh bồng con ngồi kín trên những băng ghế. Tại bàn đăng ký lúc này, số thứ tự đã lên đến 60. Người phụ trách đăng ký khám cho biết, ở đây mỗi ngày tiếp hàng trăm bệnh nhân, muốn được khám sớm thì phải gọi điện đăng ký trước. Tuy nhiên, mỗi lần gọi điện đặt trước phải chi 2.000 đồng vì đây là điện thoại dịch vụ.
Tiền khám lẫn tiền thuốc uống cho mỗi bệnh nhi mắc bệnh thông thường ở đây trong hai ngày rưỡi chỉ khoảng 50.000-70.000 đồng/cháu. Nhưng tính ra, doanh thu mỗi tối của bác sĩ này không dưới 5 triệu đồng.
Rời phòng mạch của bác sĩ H., đến phòng mạch bác sĩ T. chuyên trị tai - mũi - họng trên đường Đ.T.Đ. (quận Phú Nhuận) cũng nổi tiếng không kém. Mỗi ngày bác sĩ T. khám từ 16h30 đến 21h30, tiền khám và tiền thuốc mỗi bệnh nhân từ 70.000 đến trên 100.000 đồng. Tính ra, số tiền mà bác sĩ này thu mỗi tối không dưới 7 triệu đồng.
Tại phòng mạch bác sĩ S. (đường Tr.V.Đ., quận Phú Nhuận) chuyên khám và chữa bệnh da liễu. Bệnh nhân ở đây cũng đông không kém, hầu hết họ đều đến từ các tỉnh thành lân cận như Tây Ninh, Long An, Đồng Nai... Trên bảng thông báo của phòng khám ghi: từ 17h đến 20h khám cho các số thứ tự từ 1 đến 15, từ 20h đến 22h khám cho các số thứ tự từ 16 đến 30 và số từ 31 trở đi có mặt tại phòng khám trước 23h45.
Tiền khám mỗi bệnh nhân ở đây khoảng 25.000 đồng/người nhưng nếu tính cả tiền thuốc uống, thuốc thoa (theo pha chế riêng của bác sĩ) thì mỗi người phải tốn hơn 100.000 đồng.
Tại nhiều phòng mạch về phụ sản, nhi khoa... nổi tiếng khác bệnh nhân đến cũng rất đông. Với mức tiền khám bệnh (chưa tính tiền thuốc) bình quân khoảng 25.000 đồng/người, bệnh nhân khoảng 100 người/ngày, các phòng mạch này đã thu đến 75 triệu đồng/tháng.
Phải chịu thuế thu nhập cá nhân
Những bác sĩ là chủ của những phòng mạch này có phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) không? Theo một cán bộ thuế, do các phòng mạch được xem là hộ kinh doanh cá thể nên chỉ phải nộp thuế khoán, không phải nộp thuế TNCN. Và do cơ quan thuế không nắm được thu nhập chính xác của các bác sĩ mở phòng mạch nên mức thuế khoán chỉ từ vài trăm nghìn đến khoảng 1 triệu đồng/tháng. Cơ quan thuế cũng đã nhận thấy điều này là bất hợp lý.
Theo Cục Thuế TPHCM, từ trước đến nay số thuế TNCN thu được từ các bác sĩ làm việc ở các bệnh viện vẫn còn rất ít. Kết quả tìm hiểu của cơ quan thuế về thu nhập của các bác sĩ làm việc tại hai bệnh viện lớn thôi đã cho thấy có những bác sĩ thu nhập lên đến 20-50 triệu đồng/người/tháng nhưng vẫn chưa nộp thuế TNCN.
Để tạo sự công bằng cho mọi đối tượng nộp thuế, ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng phòng Thuế TNCN, Cục Thuế TPHCM, cho biết cơ quan thuế đang triển khai đưa các bác sĩ, nhất là các bác sĩ có mở phòng mạch riêng vào diện chịu thuế TNCN.
Theo Thanh Niên/Tuổi Trẻ