Bác sĩ bệnh viện trung ương kiệt sức vì quá tải
"Trực cấp cứu liên miên, đôi khi cũng trót đưa dao mổ quá tay khiến máu chảy nhiều, hoặc cắt dài quá một đoạn ruột, mệt đến mức gục xuống bàn mổ sau ca phẫu thuật nhưng dứt khoát không để xảy ra sơ xuất...", một bác sĩ BV Việt Đức kể.
Chen chân vào được Phòng cấp cứu, phải đợi 25 phút chúng tôi mới gặp được BS Đoàn Quốc Hưng, trưởng trực ca cấp cứu.
BS Hưng vừa hoàn thành ca mổ cho một bệnh nhân bị TNGT là Nguyễn Văn V., 28 tuổi, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Bệnh nhân bị tai nạn khi đang điều khiển xe máy, được xác định đa chấn thương: chấn thương sọ não, ngực kín vùng bụng, vỡ gan, gãy hố xương đùi bên trái.
Mặc dù nhập viện từ 3h sáng nhưng đến 9h15 sáng cùng ngày bệnh nhân V. mới được mổ. Đến nay, anh đã qua cơn nguy hiểm, đặt dẫn lưu màng phổi trái, khâu gan, lách, chân đã được băng bó nhưng vẫn phải mổ lại chân một lần nữa.
BS Hưng cho biết: ''Trường hợp này không thuộc ca trực của tôi nhưng do khi bệnh nhân nhập viện, các phòng cấp cứu đang phải mổ cho trường hợp khác, số bác sĩ cũng không đủ nên phải để bệnh nhân đến sáng. Lúc đó đã sang ca mới nên tôi tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Hơn nữa, các BS trực của ca trước đã phải mổ 17 ca trong vòng 24 giờ trực của mình. Đây là công việc hàng ngày của chúng tôi. Điều đáng nói là số lượng bệnh nhân do TNGT tăng lên khá cao trong thời gian gần đây...''. Đang dở câu chuyện với chúng tôi, BS Hưng vội đi cấp cứu cho bệnh nhân mới.
Mổ nhiều gấp 5 "công suất"
Đến các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, có thể thấy lịch làm việc kín đặc của y bác sĩ ở đây: sáng giao ban, mổ; chiều giải quyết việc hành chính. Những hôm quá đông, lại có trường hợp bệnh khó phải kéo dài ca mổ, y bác sĩ bước ra khỏi phòng phẫu thuật thì đã quá trưa từ lâu...
Mới đây, trong lần trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XI, khi được hỏi về trường hợp bác sỹ mổ ''quên'' gạc trong bụng bệnh nhân tại BV Việt Đức, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu đã lên tiếng: ''Ai không làm nghề y vào BV Việt Đức sẽ thấy kinh khủng lắm! La liệt là bệnh nhân, là máu mủ, đầy người gẫy xương, gẫy cốt rên la. Như thế cũng gây áp lực cho BV Việt Đức rất nhiều. Do đó, phải đầu tư cho các bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện của Hà Nội và các bệnh viện khác của các tỉnh lân cận để giảm áp lực của bệnh viện trung ương’’.
Tại BV Việt Đức, trông bảng báo cáo công tác hàng tháng sẽ thấy số bệnh nhân được phẫu thuật trong một tháng luôn nhiều gấp 5 lần kế hoạch.
Theo kế hoạch, trong tháng 5 số bệnh nhân được mổ là 334 người nhưng trên thực tế con số này tăng tới 1.614, trong đó mổ cấp cứu đã vượt quá kế hoạch chung là 573 trường hợp còn lại là mổ phiên.
Tháng 4, con số này cũng lên tới 1.522 ca. Các tháng còn lại cũng không dưới 1.000 ca. Trong khi đó, số bác sĩ phẫu thuật chính chỉ có trên 70 người.
BS Nguyễn Đức Chính, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp kiêm bác sĩ phẫu thuật tiêu hóa (BV Việt Đức) cho biết: ''Thứ 2 đầu tuần, trong phiên trực tôi và các đồng nghiệp tiếp nhận tới 282 ca đến khám bệnh, cấp cứu, trong đó phải xử lý 23 ca cấp cứu. Riêng tôi phải thực hiện 5 ca phẫu thuật trong kíp trực.
Theo BS Chính, ở BV Việt Đức, tình trạng quá tải là căn bệnh ''kinh niên''. Bệnh nhân vào viện chủ yếu cần cấp cứu. Có những ca nặng như chấn thương sọ não kéo dài hàng giờ đồng hồ khiến cả kíp phẫu thuật 7-8 người phải làm việc hết công suất. Cả bệnh viện có 4 bàn mổ phục vụ cấp cứu; có lúc ca này chưa xong đã có bệnh nhân nằm chờ cấp cứu sẵn bên ngoài.
Riêng Khoa cấp cứu của Bệnh viện Việt - Đức trung bình tiếp nhận 130-150 ca/ngày, trong đó 80% là do tai nạn giao thông. Công suất sử dụng giường là 122%.
Căng thẳng: Bệnh kinh niên của bác sĩ
PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, vừa làm công tác quản lý, vừa tham gia các ca phẫu thuật.
Tại BV dành cho trẻ em như BV Nhi Trung ương, bình quân mỗi ngày có trên 1.000 trẻ đến khám (chưa kể bệnh nhân điều trị ngoại trú); trong khi chỉ có 530 giường bệnh... Đấy là chưa kể các ca điều trị lâu dài, những chồng hồ sơ chờ phẫu thuật cao ngất.
Còn nhớ, sau 10 giờ phẫu thuật tách cặp song sinh Cúc - An cách đây gần 2 năm tại BV Nhi Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, GĐ BV nói với phóng viên: ''Tôi sẽ trả lời mọi câu hỏi, nhưng cho tôi nghỉ một lát...''.
Nỗi mệt mỏi không chỉ có sau mỗi ca mổ khó, mà song hành triền miên với ông và đồng nghiệp. Bởi lớp lớp ca phẫu thuật "thường thường" đang đợi, như phần không thể thiếu trong cuộc sống của người làm nghề chữa bệnh, cứu người.
BS Nguyễn Đức Chính tâm sự: ''Bệnh nhân cấp cứu đông như vậy, chúng tôi làm việc đến kiệt sức. Nhiều hôm trực cấp cứu liên miên, nếu không yêu nghề, vì người bệnh, làm sao vượt qua được căng thẳng! Những ca mổ vào đêm, đôi khi cũng xảy ra sơ xuất như đưa dao mổ quá tay khiến máu chảy nhiều, đáng lẽ ruột chỉ cắt 1 đoạn ngắn thì lại cắt quá dài... Thậm chí, có bác sĩ gục trên bàn mổ. Tuy nhiên, không phải vì thế mà để xảy ra những sự cố đáng tiếc cho bệnh nhân. Tai nạn nghề nghiệp là điều không thể tránh khỏi nhưng rất hy hữu...''.
“Với tình trạng quá tải như hiện nay của nhiều bệnh viện, việc tăng thêm nhân lực là hết sức cần thiết nhưng không phải lúc nào mong muốn này cũng được đáp ứng. Nếu được tăng thêm nhân lực, BV Việt Đức cần thêm hàng trăm bác sĩ…’’, BS Chính cho biết.
Theo Vietnamnet