1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bác sĩ Bệnh viện Phú Lương mắc nhiều lỗi chuyên môn

(Dân trí) - Sở Y tế Thái Nguyên vừa có công văn báo cáo Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về những trường hợp tử vong “bất thường” tại Bệnh viện đa khoa Phú Lương. Theo đó, các bác sĩ của bệnh viện mắc nhiều lỗi chuyên môn.

Bác sĩ Bệnh viện Phú Lương mắc nhiều lỗi chuyên môn - 1
Ông Dương Văn Thắng: Chúng tôi sẽ không bao che,
trách nhiệm trước tiên thuộc về giám đốc bệnh viện.
 
Sản phụ Quách Thị Tư tử vong do tắc nghẽn mạch máu

Trao đổi với phóng viên Dân trí quanh những ca tử vong “bất thường” tại Bệnh viện đa khoa Phú Lương, ông Dương Văn Thắng - Chánh Thanh tra Sở Y tế - khẳng định: Toàn bộ các sự việc mà báo chí nêu trong thời gian vừa qua về những ca tử vong bất thường tại Bệnh viện đa khoa Phú Lương là có thật. Tuy nhiên nguyên nhân của các trường hợp tử vong thì phải để cơ quan chuyên môn kết luận đánh giá, đặc biệt là kết luận của các cơ quan tư pháp tỉnh Thái Nguyên”.

Riêng đối với trường hợp sản phụ Quách Thị Tư, ông Thắng cho biết phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra và xin từ chối cung cấp mọi tài liệu liên quan.

Tuy nhiên, theo tài liệu mà phóng viên Dân trí thu thập được cho thấy, ngày 17/7/2009, Sở Y tế Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị tư vấn chuyên môn gồm rất nhiều các bác sĩ đầu ngành y trên địa bàn tỉnh. Căn cứ trên các hồ sơ tài liệu, Hội đồng đã đưa ra kết luận ban đầu: sản phụ Quách Thị Tư tử vong do “đông máu nội mạch rải rác gây tắc nghẽn mạch máu, thiếu máu, rối loạn chức năng đa cơ quan, suy đa cơ quan không hồi phục trên bệnh nhân viêm gan mãn”. Còn cái chết của cháu Vũ Thị Bé (con sản phụ Tư) là “suy hô hấp độ III do viêm phổi sơ sinh có chảy máu ở phổi”.

Về trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Mạnh Thắng (5 tuổi) khi nhập viện Phú Lương các bác sĩ chẩn đoán là đau bụng giun nhưng sau 6 tiếng đồng hồ được điều trị tại đây cháu Thắng được chuyển lên tuyến trên, các bác sĩ kết luận cháu bị viêm ruột thừa cấp giờ thứ 12 và được mổ cấp cứu gấp; sau đó ít ngày cháu Thắng tử vong. Trước khi tiến hành mổ cấp cứu cho cháu Thắng, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa TƯ Thái Nguyên kết luận hình ảnh cháu Thắng bị viêm ruột thừa giai đoạn hoại tử.

Đối với bệnh nhân Lí Thị Hoàn 35 tuổi, sau khi hút thai nhưng vẫn còn thai nghén, phải đi phá lần hai, ông Dương Văn Thắng thừa nhận “đây là ca hút thai bất thành của bệnh viện”.

Về trường hợp sản phụ Hoàng Thị Diệu Huế (24 tuổi, xã Động Đạt, huyện Phú Lương) con vừa đẻ ra bị tử vong do rau ngắn quấn cổ chặt, ông Thắng cho biết “các bác sĩ đã không chẩn đoán được”.

Còn trường hợp của sản phụ Lý Thị Vạn (31 tuổi, xã Phủ Lý, huyện Phú Lương) thai nhi ngôi ngược tuy nhiên các bác sĩ vẫn cho đẻ thường và đỡ đẻ theo phương pháp đỡ đẻ ngôi ngược. Sau 10 phút cháu bé ra đời và bị ngạt nặng, hậu quả là cháu tử vong. Ông Thắng thừa nhận đây là “lỗi kỹ thuật” của các bác sĩ. Nếu để an toàn cho cả mẹ con sản phụ thì trong trường hợp này các bác sĩ phải cho mổ đẻ.

Khi sản phụ nguy cấp, các lãnh đạo bệnh viện đều vắng mặt

Chánh Thanh tra Sở Y tế Dương Văn Thắng khẳng định: “Tổ chức trực của Bệnh viện đa khoa Phú Lương là đúng quy định của Bộ Y tế”.

Chất vấn về vấn đề này, PV Dân trí đặt câu hỏi: Theo điều tra của Dân trí, khi sản phụ Quách Thị Tư nguy kịch và phải tiến hành hội chẩn lần 2 để đưa ra kết luận và quyết định các biện pháp điều trị cho sản phụ, lúc này Giám đốc bệnh viện Dương Văn Thanh không có mặt (Bệnh viện đa khoa Phú Lương chưa có Phó Gám đốc), còn trưởng khoa ngoại sản Trần Ngọc Tuyết cũng vắng mặt do bận đi học, như vậy có được coi là thực hiện đúng, đầy đủ về quy định trực của Bộ Y tế thưa ông?

Ông Dương Văn Thắng: Ý tôi nói là đêm hôm 23/4/2008, sản phụ Quách Thị Tư vào nhập viện là do ông Trần Ngọc Tuyết trực lãnh đạo đã tiến hành hội chẩn lần 1 và quyết định cho sản phụ đẻ thường. Còn buổi hội chẩn lần 2 vào sáng ngày 24/4 thì đúng lúc này ông Dương Văn Thanh đang trong phòng mổ còn ông Trần Ngọc Tuyết đang đi học. Nhưng ông Thanh đã gọi cho ông Tuyết về ngay để tiến hành hội chẩn. Điều này đã được thể hiện trong biên bản hội chẩn. Vì buổi hội chẩn lần 2 diễn ra vào giờ hành chính nên không cần phải có ai trực lãnh đạo mà chỉ làm việc bình thường. Chuyện các bác sĩ hôm đó đi đâu, giờ giấc làm gì thì cơ quan điều tra họ đều cho gọi hỏi cả.

PV Dân trí: Người ta nói “cứu người như cứu hoả” nhưng trong khi sản phụ Tư đang nguy kịch thì không có bác sĩ đứng đầu để đưa ra quyết định điều trị nhanh chóng mà phải chờ ông Tuyết đi học “chạy về” tiến hành hội chẩn. Như vậy là quá muộn thời gian cứu chữa bệnh nhân và ai sẽ chịu trách nhiệm về các trường hợp tử vong xảy ra?

Ông Dương Văn Thắng: Trong ngành y nếu như các bác sĩ đứng đầu đi vắng mà bệnh nhân có những biến chứng bất thường không thể chờ được “lệnh” của cấp trên thì phải tuỳ cơ xử lí và báo cáo sau. Đối với các trường hợp tử vong tại Bệnh viện đa khoa Phú Lương vừa rồi thì Giám đốc bệnh viện đa khoa Phú Lương phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên nhiều năm qua, với nhiều cái chết “bất thường” đáng thương tâm, vẫn chưa thấy ai trong số các y bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Phú Lương bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, dư luận đang chờ câu trả lời thỏa đáng trong báo cáo giải trình của UBND tỉnh Thái Nguyên trình Thủ tướng Chính phủ ngày 5/8 tới.

 Hồng Ngân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm