Bác nông dân biến rác thành… nấm linh chi
(Dân trí) - Sinh ra và lớn lên trên đất nhãn, bác nông dân Lều Văn Phát có một niềm tin: “sinh ra trên đất nhãn thì phải làm giàu từ nhãn”. Rồi bác nảy ý tưởng: biến vỏ và hạt nhãn thành… dược liệu.
Rẽ cuộc đời bằng sáng tạo
Đến đầu thôn Lê Như Hổ (xã Nam Hồng, thị xã Hưng Yên), chúng tôi bị choáng ngợp bởi màu vàng của nhãn chín và say trong mùi ngọt đậm của long nhãn. Chúng tôi hỏi đường vào nhà bác Lều Văn Phát - được mệnh danh là “vua rác” xứ nhãn. Không phải chai, lọ, bao tải hay túi ni lông, rác ở đây là vỏ và hạt nhãn, những thứ rác thải từ nghề làm long nhãn.
Hàng trăm bao tải căng đầy vỏ và hạt nhãn chất cao như núi ở góc sân. Bác Phát nhìn vào đống rác đó rồi kể về cơ duyên đến với rác của mình: “Những năm 1990, tôi đưa nhãn lồng sang Trung Quốc bán nhưng thất bại. Phần vì do bảo quản kém, phần vì không thể cạnh tranh được giá nhãn ở Trung Quốc, hàng chục tấn nhãn lồng phải bán tháo. Thua lỗ. Nợ lần. Rồi tôi bỏ nghề buôn.
Từ nhỏ tôi đã kiên định một niềm tin: sinh ra trên đất nhãn thì phải làm giàu từ nhãn. Những năm trồng nhãn, tôi thấy có một loại nấm mọc ra từ cành nhãn mục và từ gốc nhãn. Tôi hỏi dò thì biết được đó là thứ nấm linh chi, dân gian vẫn gọi là “thần dược”. Giá của nó là 750.000 đồng/kg. Tôi bị lôi cuốn và tìm cơ hội làm giàu từ củi nhãn.
May mắn, tôi quen một anh bạn ở Đồng Nai là triệu phú nấm. Anh ấy chuyển giao cho tôi kỹ thuật trồng nấm. Về nhà, tôi trồng thử nghiệm. Thành công. Nhưng tận dụng cành mục để trồng nấm linh chi thì giống không khoẻ, năng suất thấp.
Hàng đêm tôi ngẫm nghĩ rồi bất chợt một ý tưởng loé lên trong đầu: nếu như cành nhãn có thể mọc ra nấm linh chi được thì tại sao hạt và vỏ nhãn lại không?. Tôi đem thử ngay ý tưởng táo bạo này. Ban đầu chưa tốt vì khâu khử trùng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Tôi thử đi thử lại 12 lần. Vẫn chưa thành công. Thử nghiệm nhiều. Tôi rút ra được bài học cho bản thân: muốn thành công phải kiên trì. Đến lần thứ 15, tôi vui sướng vì giống nấm linh chi mọc ra từ hạt và vỏ nhãn sinh trưởng tốt, bản to, dầy.
Sau khi đem phân tích, tính chất dược liệu của nấm linh chi từ vỏ và hạt nhãn cho kết quả mĩ mãn, có tính chất dược liệu cao không kém so với nấm linh chi trồng trên các loại nguyên liệu khác".
Sự sáng tạo này không chỉ mang lại cho bác Phát giá trị kinh tế mà điều quan trọng là giải quyết vấn đề môi trường trong thôn Lê Như Hổ. Bác Phát kể: “Đến vụ nhãn, nghề làm long nhãn thải ra hàng nghìn tấn hạt và vỏ nhãn. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường trong thôn. Nguồn nước đen kịt, hôi thối. Cá, tôm khó mà sống được”.
Sau khi thử nghiệm thành công giống nấm linh chi trồng trên hạt và vỏ nhãn, bác Phát đưa vào sản xuất lớn. Bác tiến hành thu mua hạt và vỏ nhãn của bà con trong thôn. Mỗi năm, bác Phát tiêu thụ hàng trăm tấn vỏ và hạt nhãn giúp bà con thôn Lê Như Hổ bảo vệ môi trường. Bởi trước đây, khi không có người thu mua, vỏ và hạt nhãn toàn được đổ xuống ao.
Làm giàu theo hướng thân thiện với môi trường
Đến nhà bác Phát phải đi qua núi rác hạt và vỏ nhãn ở góc sân rồi mới vào được nhà trồng nấm. Nhà trồng nấm rộng 1.400m2, lợp mái tôn, trên có rơm chống nóng. Ngay cửa ra vào nhà trồng nấm là hai nồi hơi trị giá 40 triệu đồng.
Bác Phát tâm sự: “Chạy ngược chạy xuôi mới đủ tiền mua hai cái nồi hơi. Không có nồi hơi thì không thể trồng nấm theo hướng hiện đại. Có nó mới khử hết được vi khuẩn, nếu không thì nấm mọc ra sẽ bị bệnh và rất khó phát triển”.
Nấm linh chi của bác Phát trồng 3 tháng thì cho thu hoạch. Mỗi năm, Bác Phát thu hoạch được 1 tấn nấm linh chi khô. 1 kg nấm linh chi, bác Phát bán với giá 750.000 đồng. Nguyên liệu có thể đi xin nên không mất chi phí. Sau nhiều năm, bác nông dân Lều Văn Phát trở thành triệu phú nấm linh chi nhờ sự sáng tạo của mình.
Hiện nay, bác Phát có 12 thợ trồng nấm có công ăn việc làm quanh năm. Bác Phát không những trồng nấm linh chi mà còn trồng và nhân giống nấm để bán. Trong nhà trồng nấm của bác Phát, ngoài nấm linh chi còn có các loại nấm như; nấm rơm, nấm sò, nấm hương, mộc nhĩ.
Hàng ngày, có hai đến ba xe ô tô về chở nấm lên Hà Nội tiêu thụ. Nấm của bác Phát đã có mặt ở các siêu thị Hà Nội, Hưng Yên. Không dừng lại ở việc sản xuất, bác Phát còn chủ động nhân giống nấm để bán cho bà con các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Tây. Bác Phát đã giúp nhiều nông dân ở các tỉnh ngoài về học hỏi kỹ thuật trồng nấm linh chi trên vỏ và hạt nhãn.
Sự sáng tạo của bác Phát đã gợi cảm hứng cho Viện cơ điện và nông nghiệp sau thu hoạch về nghiên cứu cách trồng nấm linh chi từ hạt và vỏ nhãn. Một hội thảo khoa học đã được tổ chức tại nhà bác Phát. Kết luận của Viện cơ điện: “có thể trồng nấm linh chi trên vỏ và hạt nhãn trên qui mô lớn”. Bác Phát 5 năm liền (2002 - 2006) là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh Hưng Yên. Mô hình làm giàu của bác được đánh giá là mô hình sản xuất thân thiện với môi trường.
Quảng Dân