1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bắc Ninh tìm hướng xử lý khủng hoảng truyền thông khi mạng xã hội bùng nổ

(Dân trí) - Bắc Ninh ban hành phương án xử lý khủng hoảng truyền thông, trong đó nhấn mạnh: “Mạng xã hội bùng nổ tạo nên hàng triệu “nhà báo công dân” như hiện nay, nếu không có giải pháp xử lý kịp thời và bài bản, khủng hoảng truyền thông có thể gây ra hậu quả khó lường”.

Ông Nguyễn Văn Phong- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ký văn bản số 365/PA-XDCB về phương án xử lý khủng hoảng truyền thông trên địa bàn tỉnh này.

Văn bản cho rằng, Bắc Ninh là một tỉnh năng động và đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế- xã hội, trở thành điểm đến, sức hút của các nhà đầu tư và thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí trong nước, quốc tế.

Bên cạnh những thông tin tích cực, một số thông tin đăng tải chưa đúng sự thật, làm sai lệch bản chất sự việc, hiện tượng, khiến các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân phải đối mặt với khủng hoảng truyền thông, gây hoang mang dư luận, mất ổn định an ninh - trật tự an toàn xã hội.

Trong khi đó một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin kịp thời, đúng trọng tâm mà báo chí, dư luận xã hội đang cần, quan tâm.

Bắc Ninh tìm hướng xử lý khủng hoảng truyền thông khi mạng xã hội bùng nổ - 1
Trụ sở UBND tỉnh Bắc Ninh.

“Thực tế cho thấy khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra với tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức bất kỳ lúc nào, nhất là trong thời đại mạng xã hội bùng nổ tạo nên hàng triệu “nhà báo công dân” như hiện nay. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời và bài bản, khủng hoảng truyền thông có thể gây ra hậu quả khó lường”- văn bản cho hay.

Quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh cũng nêu rõ các nguyên tắc cơ bản trong xử lý khủng hoảng truyền thông, trong đó phải xác định kịp thời tính chất quy mô, mức độ, nguyên nhân; hình thành ngay bộ phận xử lý khủng hoảng truyền thông do một đại diện của ban lãnh đạo trực tiếp phụ trách.

Người phát ngôn phải có bản lĩnh, kỹ năng giao tiếp với báo chí và xác định nội dung, vấn đề, thông tin cần cung cấp. Có thể tổ chức họp báo, cung cấp thông tin, trả lời làm rõ những vấn đề báo chí quan tâm.

Không xoá, huỷ bài và hành động thiếu kiềm chế

Trong quá trình trả lời báo chí, phải nắm vững nguyên tắc là trả lời chân thực, không nói quanh co, che giấu sự thật, diễn đạt đủ câu, đủ ý, trả lời kỹ càng, mạch lạc.

“Không né tránh, bưng bít, từ chối việc cung cấp thông tin; không quanh co, chối bỏ, đùn đẩy trách nhiệm. Không nóng giận, phát ngôn và hành động thiếu kiềm chế, thiếu nhất quán, “tiền hậu bất nhất”. Không xoá, huỷ bài vở, thông tin (các motor tìm kiếm tự động hoạt động động liên tục và xoá bài, điều này càng kích thích nhà báo và dư luận xã hội đào sâu, nghiên cứu)”- quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh nêu rõ.

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nắm bắt và chủ động cung cấp thông tin, có tiếng nói trước khi có dư luận; tránh trường hợp mạng xã hội thông tin một chiều hoặc thông tin không chính xác, sai sự thật, mập mờ,… gây ra khủng hoảng truyền thông.

Hàng tháng cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí; 3 tháng một lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về hoạt động chỉ đạo điều hành của đơn vị.

Đáng chú ý, văn bản của tỉnh Bắc Ninh còn quy định từng bước tiến hành cụ thể khi xảy ra khủng hoảng truyền thông. Trong đó, Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh được giao tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xử lý khủng hoảng truyền thông kịp thời, hiệu quả.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bắc Ninh ngay khi nhận được báo cáo của cơ quan, đơn vị xảy ra khủng hoảng truyền thông và kết quả xác minh, điều tra của các cơ quan chức năng, tổng hợp dư luận xã hội và đưa ra định hướng thông tin.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm