1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang sắp xếp lại đơn vị hành chính ra sao?

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Trong việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025, Bạc Liêu điều chỉnh một phường; còn Cà Mau và Kiên Giang giảm một phường.

Ngày 7/6, tại tỉnh Bạc Liêu, đoàn công tác Trung ương do Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng làm trưởng đoàn, làm việc với các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang về công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025.

Bạc Liêu điều chỉnh 1 phường, Cà Mau và Kiên Giang giảm 1 phường

Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang sắp xếp lại đơn vị hành chính ra sao? - 1

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cùng đoàn công tác Trung ương làm việc với các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang tại tỉnh Bạc Liêu ngày 7/6 (Ảnh: H.H.).

Báo cáo với đoàn công tác, ông Từ Minh Phúc, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, cho biết, tỉnh này có một đơn vị cấp xã thuộc diện sắp xếp là phường 3 (TP Bạc Liêu).

"Phường 3 có diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% so với tiêu chuẩn quy định", ông Phúc nêu lý do.

Nêu phương án sắp xếp, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu cho hay, do phường 3 là phường trung tâm kinh tế, chính trị của TP Bạc Liêu nên vẫn giữ nguyên hiện trạng. Tỉnh sẽ điều chỉnh một phần diện tích và dân số của phường 8 (2 khóm) ghép vào phường 3.

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, sau khi sắp xếp như trên, cơ bản không làm xáo trộn nhiều các đơn vị hành chính.

"Không có trụ sở và cán bộ dôi dư, cũng như không phát sinh các chế độ, chính sách đặc thù đối với người dân, cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ phát sinh một phần kinh phí dự kiến là hơn 2,4 tỷ đồng và thay đổi các loại giấy tờ của một bộ phận cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp,...", ông Phúc nói.

Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang sắp xếp lại đơn vị hành chính ra sao? - 2

Ông Từ Minh Phúc, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, báo cáo phương án sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh (Ảnh: H.H.).

Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh có một đơn vị cấp xã là phường Vĩnh Thanh Vân (TP Rạch Giá) và một đơn vị cấp huyện là TP Hà Tiên thuộc diện sắp xếp.

Phương án tỉnh Kiên Giang đưa ra là sáp nhập phường Vĩnh Thanh Vân với phường Vĩnh Bảo (TP Rạch Giá), lấy tên là phường Vĩnh Thanh Vân. Còn TP Hà Tiên do địa bàn đặc biệt, giáp biên giới, có cửa khẩu quốc tế, đặc thù về an ninh quốc phòng trọng yếu nên thuộc đối tượng không sắp xếp.

"Sau sắp xếp phường, có 22 cán bộ dôi dư. Qua rà soát, đối với TP Rạch Giá được tăng thêm 46 cán bộ, công chức, do đó sẽ đảm bảo được cho 22 cán bộ dôi dư này", lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang thông tin.

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau, tỉnh này có 2 đơn vị cấp xã thuộc diện sắp xếp là phường 2 và xã Tắc Vân (TP Cà Mau). Ngoài ra, tỉnh cũng điều chỉnh một phần xã Nguyễn Việt Khái vào thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) để mở rộng thị trấn này.

"Tỉnh sẽ nhập nguyên hiện trạng phường 2 với một phần phường 9 và một phần phường 4 để hình thành phường 2 (mới); điều chỉnh một phần còn lại của phường 4 nhập vào phường Tân Xuyên", lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau nêu phương án.

Sau sắp xếp, TP Cà Mau không còn phường 4. Còn xã Tắc Vân, qua rà soát hiện tại đảm bảo tiêu chí thành lập phường nên tỉnh giữ nguyên hiện trạng và xây dựng phương án thành lập phường Tắc Vân.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau, khi giảm một phường sẽ dôi dư 23 cán bộ. Tỉnh xem xét chuyển công chức, tinh giản biên chế, điều động sang địa bàn khác, rút về các cơ quan chức năng thuộc TP Cà Mau.

Các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau cũng đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí để tỉnh triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính.

Rà soát lại từng cán bộ dôi dư để có sự đồng thuận

Sau khi nghe báo cáo của các địa phương, ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, đánh giá cao các tỉnh đã tích cực thực hiện chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

"Việc này liên quan tới người dân nên cần có sự phối hợp liên ngành, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu và sự đồng thuận của nhân dân tại địa phương", ông Hưng nhấn mạnh và khẳng định đây là những điều kiện quan trọng để việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã được thành công.

Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang sắp xếp lại đơn vị hành chính ra sao? - 3

Một góc phường 8 (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) hiện nay. Theo phương án sắp xếp, một phần diện tích và dân số của phường 8 sẽ ghép vào phường 3 (TP Bạc Liêu) (Ảnh: V.Đ.).

Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, khối lượng công việc còn lại tùy từng địa phương có nơi đơn giản nhưng có nơi phức tạp, trong khi thời gian còn lại không nhiều vì chỉ còn khoảng 10 tháng nữa đến kỳ đại hội cơ sở.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, theo Thứ trưởng Hưng, khối lượng công việc đơn giản, đề nghị tỉnh khẩn trương gửi đề án, trong đó nêu rõ có hay không việc sắp xếp cán bộ, trụ sở dôi dư,…

Với tỉnh Kiên Giang, ông Hưng đề nghị chủ động bổ sung các tiêu chuẩn đặc điểm liên quan đến TP Hà Tiên về quốc phòng an ninh; còn tỉnh Cà Mau, đề nghị tỉnh làm các thủ tục liên quan tới việc điều chỉnh quy hoạch, đánh giá lại tiêu chuẩn đô thị theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Về trụ sở dôi dư, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị thực hiện đúng quy định, kể cả việc điều chuyển cho các tổ chức chính trị - xã hội. Với những cán bộ dôi dư, yêu cầu rà soát lại từng đối tượng để có sự đồng thuận, tránh khiếu kiện sau này.

"Trong vấn đề kinh phí, trên cơ sở đề án được phê duyệt, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, đơn vị liên quan trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí.

Các địa phương có ý kiến gặp khó trong triển khai tiếp nhận kinh phí ngân sách Trung ương, đề nghị các Bộ, ngành tổng hợp khó khăn báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, để các địa phương triển khai được trong thực tế", Thứ trưởng Võ Thành Hưng yêu cầu.