1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bác Hồ với chuyến công du Xuân Canh Dần 1950

Mùa Xuân năm 1950, sau 5 năm chiến đấu và đứng vững trong vòng vây của kẻ thù, cách mạng Việt Nam đã giành được một thắng lợi vô cùng quan trọng. Đó là việc Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Góp phần quyết định vào thắng lợi đó, là chuyến công du bí mật sang Trung Quốc và Liên Xô của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Đoàn công tác tại
Trung Quốc, tháng 1/1950. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Đoàn công tác tại Trung Quốc, tháng 1/1950. Ảnh tư liệu/ Bảo tàng Hồ Chí Minh

Mục đích của chuyến đi, theo chúng tôi, không chỉ đơn thuần về mặt ngoại giao, mà quan trọng hơn là để giúp các nhà lãnh đạo 2 nước, đặc biệt là Liên Xô, hiểu rõ thực trạng tình hình, cũng như đường lối của Nhà nước Việt Nam, từ đó tiến tới giúp đỡ và hợp tác toàn diện với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.


Đề cập đến mục đích chuyến đi này, trong Hồi kýChiến đấu trong vòng vây,Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:“Cách mạng Việt Nam tiến hành trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, đã phải vận dụng những chiến lược, sách lược riêng để tồn tại và đi lên giữa muôn vàn khó khăn, thù trong, giặc ngoài. Có lúc Đảng ta phải tuyên bố “Tự giải tán”. Như lời Bác nói, đây là một giải pháp “đau đớn” mà Đảng ta buộc phải làm. Rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Không riêng mối liên hệ với phong trào cộng sản mà mối liên hệ của ta với thế giới bên ngoài hầu như bị gián đoạn. Kháng chiến đang chuyển qua một khúc ngoặt mới. Ta cần thông báo với phong trào về tình hình cách mạng Đông Dương trong những năm qua cùng với những biến chuyển mới, để tranh thủ sự đồng tình và giúp đỡ, phối hợp”(1)

Để chuẩn bị cho chuyến đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết một bản tường trình về tình hình quân sự ở Việt Nam với yêu cầu“viết ngắn, cần nêu được những vấn đề lớn”“người nghe thông báo sẽ là đồng chí Xtalin”.Trước khi lên đường, ngày 29/12/1949, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến đã cho người mang đến trao cho Hồ Chí Minh 50 đồng tiền vàng. Đây là số tiền vàng Việt Nam đầu tiên do Sở đúc tiền của Chính phủ ta đúc,“tượng trưng của một hệ thống tiền tệ độc lập”,để Chủ tịch Hồ Chí Minh làm quà tặng trong chuyến công du bí mật ra nước ngoài đầu tiên kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến - 19/12/1946.

Ngày 2/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời châu Tự Do (Tuyên Quang) lên đường sang Trung Quốc. Cùng đi với Người có đồng chí Trần Đăng Ninh, bác sĩ Chánh, đồng chí Nhất (bảo vệ). Trước đó một ngày, một đoàn cán bộ gồm Lê Phát (bảo vệ, phiên dịch) và Ngô Vi Thiện (điện đài) do đồng chí Lâm Kính phụ trách, đã lên đường làm nhiệm vụ tiền trạm.

Đây là chuyến đi bí mật và cũng đầy nguy hiểm, trong khi quân Pháp vẫn đóng dày đặc dọc biên giới, tàn quân Tưởng Giới Thạch vẫn còn đầy rẫy ở Hoa Nam. Phái đoàn lúc đi bộ, lúc đi ngựa qua những con đường nguy hiểm. Dọc đường, khi quan hệ với các địa phương, đồng chí Trần Đăng Ninh đóng vai Trưởng đoàn. Để giữ bí mật, Hồ Chí Minh luôn dùng một chiếc khăn che kín bộ râu của mình.

Ngày 19/1/1950, đoàn đến Long Châu (Trung Quốc), tiếp đó đáp ôtô đi Nam Ninh, Lai Tân, rồi đáp xe lửa đi Bắc Kinh. Về danh nghĩa, đây là phái đoàn của Trung ương Đảng ta sang thăm Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại đây, phái đoàn đã được Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc nồng nhiệt đón tiếp. Sau khi làm việc trực tiếp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, tranh thủ được sự ủng hộ của Trung Quốc với Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu Đại sứ Liên Xô ở Trung Quốc là Rôxin chuyển lời đề nghị được sang thăm Liên Xô. Sau vài ngày, phía Liên Xô trả lời đồng ý.

Ngày 3/2/1950, Thủ tướng Chu Ân Lai, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trần Đăng Ninh đáp tàu liên vận rời Bắc Kinh, tiếp tục hành trình bí mật sang Mátxcơva.

Theo hồi kýChiến đấu trong vòng vâycủa Đại tướng võ Nguyên Giáp vàHồi kýcủa Khơrúpsốp, thì khi đến Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp và làm việc trực tiếp với các nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô lúc đó như: Xtalin, Khơrúpsốp, Môlôtốp, Kazanôvích…

Trong lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô, chuyến đi thăm không chính thức của Hồ Chí Minh có vai trò và ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây chính là một cơ hội cực kỳ thuận lợi để Hồ Chí Minh trực tiếp trình bày với các nhà lãnh đạo Liên Xô về tình hình cách mạng Việt Nam; về những chủ trương, biện pháp mà Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ Việt Nam đã tiến hành từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, nhằm mục đíchgiải tỏa những hiểu lầm và ngộ nhậndo thiếu thông tin, hoặc thông tin không đầy đủ từ phía những nhà lãnh đạo Liên Xô với đường lối chiến lược và sách lược của những người cộng sản Việt Nam, từ đó tiến tới hoàn toàn ủng hộ và trực tiếp viện trợ vật chất cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trước đó Liên Xô không hiểu rõ nội tình Việt Nam. Sau khi nghe Hồ Chí Minh trình bày, Xtalin đã đồng ý với đường lối chiến lược và sách lược của Đảng Cộng sản Đông Dương trong những năm qua. Nhưng Xtalin cũng phê bình Việt Nam chậm làm cách mạng ruộng đất và ấn tượng về những nhà cách mạng Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc vẫn còn đậm nét trong suy nghĩ của những nhà lãnh đạo Xôviết. Trong một cuộc hội đàm, Xtalin đã chỉ hai chiếc ghế và hỏi Hồ Chí Minh rằng: “Ghế này của nông dân, ghế này của địa chủ, người cách mạng Việt Nam ngồi ghế nào?”(2)

Trong thời gian ở Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có những cuộc gặp với đại diện Đảng Cộng sản Pháp và nhiều tổ chức quốc tế để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

Đầu tháng 3/1950, Hồ Chí Minh rời Mátxcơva đến Bắc Kinh, Trung Quốc, tiếp tục hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Ngày 11/3/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường về nước, kết thúc chuyến thăm bí mật Trung Quốc và Liên Xô.

Chuyến đi thăm Trung Quốc, Liên Xô đầu năm 1950 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại kết quả cụ thể cho cuộc kháng chiến ở Việt Nam. Đó là việc các nhà lãnh đạo hai nước đồng ý viện trợ quân sự và vật chất cho Việt Nam kháng chiến. Về việc này, trong hồi kýChiến đấu trong vòng vâycủa Võ Nguyên Giáp cho biết: Trước mắt Liên Xô viện trợ cho Việt Nam một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, một số xe vận tải Môlôtôva và thuốc quân y. Trung Quốc sẽ trang bị vũ khí cho một số đại đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh, sẽ đảm nhận việc vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam. Trung Quốc sẽ cử cố vấn quân sự sang giới thiệu những kinh nghiệm chiến đấu của Giải phóng quân và đồng ý cho Việt Nam đưa trường Lục quân sang tỉnh Vân Nam để đào tạo và bổ túc cán bộ.

Việc Trung Quốc và Liên Xô viện trợ cho Việt Nam là sự ủng hộ kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta đẩy cuộc kháng chiến lên giai đọan phát triển mới, mà trước hết là thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950.

Trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam, chiến thắng Biên giới có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới chính là sự phá vây trên thực tế, là cộng hưởng kết quả của những nỗ lực ngoại giao mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên trì tiến hành từ đầu cuộc chiến. Từ đây, Việt Nam đã có đủ điều kiện để tiếp nhận một cách thuận lợi sự giúp đỡ cần thiết về mọi mặt, đặc biệt là những hàng hóa có ý nghĩa chiến lược về quân sự và kinh tế của Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ cho cuộc kháng chiến. Từ đó, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao năng lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang, đồng thời góp phần thúc đẩy nền kinh tế kháng chiến và củng cố niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của cuộc kháng chiến với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy non sông, chấn động địa cầu” năm 1954.

Có thể khẳng định rằng, chuyến công du không chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào mùa Xuân 65 năm trước đã làm cho Liên Xô và Trung Quốc hiểu rõ hơn bản chất của cách mạng Việt Nam và sự uyển chuyển ở chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương trong tiến trình cách mạng, mà cụ thể là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ Việt Bắc qua Bắc Kinh đến Mátxcơva và ngược lại, bằng tài ngoại giao xuất chúng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho hai nước dân chủ lớn nhất là Liên Xô và Trung Quốc đồng ý viện trợ, thiết lập mối quan hệ tay ba Việt - Xô - Trung mang tầm chiến lược, có ảnh hưởng to lớn đến cách mạng Việt Nam sau này. Đồng thời, giúpnhân dân Pháp và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về cách mạng Việt Nam với một phong trào ủng hộ Việt Nam kháng chiếnngày càng lan rộng, đưa nước ta lên một vị thế mới trên trường quốc tế, ngang hàng trong "đại gia đình dân chủ thế giới".

Chuyến công du sang Trung Quốc và Liên Xô đầu năm 1950 của Người dù không chính thức, nhưng thể hiện việc lựa chọn phương án ngoại giao phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Hiệu quả của chuyến đi không chỉ đạt được về mặt vật chất mà còn đưa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đó chính là một nghệ thuật trong chính sách đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Qua sự kiện này, chúng ta càng thấy rõ vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thay thế của Nhà ngoại giao kiệt xuất Hồ Chí Minh vào những thời điểm có tính chất bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.Một chuyến công du mùa Xuân - Chuyến công du nâng tầm đất nước!./.

Chú thích:

(1), (2): Võ Nguyên Giáp:Chiến đấu trong vòng vây (hồi ký),NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, trang 408, 412).

Theo TS. Nguyễn Trọng Hậu

Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam