Bắc Bộ: Sắp có đợt nắng nóng thứ 3
Từ ngày 8 đến 9/ 5, do vùng áp thấp nóng phía Tây mở rộng dần sang phía Đông-Nam và phát triển mạnh trở lại cho đến giữa tháng 5 nên sẽ xảy ra một đợt nắng nóng thứ 3 gay gắt không kém như đợt nắng nóng vừa qua và tập trung ở các tỉnh phía Bắc.
Theo Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó Phòng Dự báo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam, đợt nắng nóng thứ 2 đã chấm dứt. Ở Nam bộ dù có mây, nhưng mưa rất ít, chỉ xuất hiện vùng núi phía Bắc Đông Nam bộ, vùng ven biển Tây như Bán đảo Cà Mau, Kiên Giang, có thể cả TPHCM.
Trong đợt nắng nóng mới này, nhiệt độ dự báo cao nhất tại đồng bằng Bắc Bộ khoảng 35 - 37 độ C, các tỉnh từ Thanh Hóa – Nghệ An đến Bắc đèo Hải Vân là vùng bị nắng nóng nhất, nhiệt độ có thể lên tới 38 - 41 độ C, có nơi 41 - 43 độ C.
Ở các tỉnh Nam bộ, đợt nắng nóng lần này sẽ tạo điều kiện gió Tây-Nam xuất hiện nên từ trung tuần tháng 5 trở đi, các tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam bộ sẽ bắt đầu mùa mưa với những trận mưa có lượng mưa khá lớn và trên diện rộng. Như vậy, 10 -15 ngày tới Nam Bộ và Tây Nguyên vẫn trong thời kỳ mưa chuyển mùa, tình hình hạn hán vẫn còn gay gắt.
Theo nhận định ban đầu, tổng lượng mưa mùa mưa năm nay sẽ nhiều hơn mùa mưa năm 2004 và nhiều nơi sẽ ở mức xấp xỉ hoặc vượt hơn trung bình nhiều năm. Tháng có mưa nhiều là tháng 7, tháng 9 và tháng 10. Như vậy, thời kỳ ít mưa khả năng xuất hiện thành 2 đợt. Đợt 1 xảy ra vào nửa cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, tức là ngay sau khi mùa mưa chính thức bắt đầu được nửa tháng sẽ xuất hiện một đợt ít mưa (hạn bà chằn). Đợt ít mưa này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là giai đoạn lúa đang làm đòng, khả năng làm hạt lúa bị lép.
Đợt thứ hai xuất hiện vào nửa cuối tháng 8, giai đoạn này phù hợp cho việc thu hoạch, phơi sấy nông sản. Nhưng bà con cần lưu ý đến tình trạng mặn xâm nhập hiện nay. Từ nay đến cuối tháng 5 vẫn là thời kỳ cao điểm mặn xâm nhập, chỉ khi mưa đều thì mặn mới lùi dần ra cửa sông. Ngoài ra, bà còn cần lưu ý dông, gió, sấm sét giai đoạn mưa chuyển mùa để tránh bị sét đánh hoặc gió giật làm tróc nóc, sập nhà. Mùa mưa sẽ có những giai đoạn mưa lớn (trên 50mm) trùng với lúc đỉnh triều sẽ làm ngập trên diện rộng ở TPHCM.
Về tình hình mưa bão và lũ năm nay, bà Lê Thị Xuân Lan cho biết, dự báo về lũ bão rất khó vì đây là dự báo dài hạn sẽ khó chính xác. Nhưng mùa mưa bão năm nay có chiều hướng diễn ra phức tạp. Những tháng cuối năm, từ tháng 9 đến tháng 11, bão có khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Nam gây mưa to, ngập lụt nhiều nơi. Có thể nhận định ban đầu, năm nay, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam ở mức xấp xỉ và trên TBNN, từ 6 -7 cơn bão.
Trong đó, 2 tháng 10 và 11 khả năng có 1-2 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến từ Trung bộ đến Nam bộ. Riêng lũ đầu mùa vùng đầu nguồn ĐBSCL nhiều khả năng ở mức thấp. Mực nước Tân Châu đến cuối tháng 7 còn ở dưới mức báo động 1 (3,0m). Điều lưu tâm là năm nay không phải là năm lũ nhỏ ở ĐBSCL.
Nhưng lo ngại nhất lại là hệ thống sông Đồng Nai, vì sau thời gian không mưa kéo dài sẽ có những đợt mưa lớn ở khu vực này, nhất là vào thời điểm từ tháng 7 đến tháng 10, khi xuất hiện áp thấp nhiệt đới ở biển Đông và gió mùa Tây-Nam sẽ gây mưa ở nhiều vùng đồi núi khu vực miền Đông Nam bộ. Nếu có mưa lớn sẽ dễ xuất hiện lũ quét, nước lên rất nhanh (khác với lũ ở ĐBSCL, nước lên từ từ), gây nguy hiểm cho tính mạng người dân và sản xuất.
Theo Sài gòn giải phóng