Nghệ An:
Ba tháng leo tường vì bị hàng xóm xây bịt ngõ
(Dân trí) - Gần ba tháng nay, người dân xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đồn thổi chuyện anh Hạnh xây tường bịt ngõ nhà hàng xóm là ông Trần Tiến Dũng (67 tuổi), khiến hai ông bà già mỗi khi muốn đi đâu đều phải bắc thang leo tường.
>> Bà già bị nhốt 20 ngày, chính quyền phường thản nhiên?!
>> Bị “giam lỏng” ngay trong nhà mình
Ông Trần Tiến Dũng trú xóm 7, xã Diễn Phúc. Tuổi trẻ, ông đi bộ đội, chiến đấu suốt từ Bắc vào Nam. Năm 1984, ông về hưu và được UBND huyện Diễn Châu cấp mảnh đất, là nơi gia đình ông ở cho đến nay. Trong tờ giấy cấp đất ghi rõ: phía tây giáp bệnh viện, phía nam giáp đất lúa Diễn Thành.
Về ở một thời gian, ông trồng cây hai bên ngõ để ngăn bụi. Năm 1992, UBND xã vận động ông chặt hàng cây đi để bà Nguyễn Thị Tiệp, một người mẹ liệt sĩ, làm căn nhà tạm cạnh ngõ nhà ông. Sau này bà Tiệp mất đi, mảnh đất này được sang tên cho ông Đề (cháu bà Tiệp) và sau đó ông Đề lại sang tên cho anh Hạnh.
Năm 2006, anh Hạnh đâm đơn kiện ông Dũng đã chiếm đất của gia đình anh. Để chứng minh điều mình nói là đúng, anh Hạnh đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà huyện cấp năm 2003 với diện tích đất là 80m2, nay đo lại chỉ còn 64m2.
Trong khi đó, bên đất nhà ông Dũng lại thừa ra một phần diện tích đúng bằng phần anh Hạnh thiếu. Trên những căn cứ ấy và dựa vào tờ bản đồ địa chính của huyện, TAND huyện Diễn Châu đi đến kết luận: ông Dũng trả lại diện tích 16m2, rộng 2,5m, dài 6,5m hiện đang làm ngõ, cho anh Hạnh; buộc ông Dũng mở một lối đi khác.
Thấy TAND tuyên thiếu căn cứ, ông Dũng kháng án lên TAND tỉnh Nghệ An.
Ngày 18/12/2006, TAND tỉnh phúc thẩm đơn kháng cáo của ông Dũng và đi đến kết luận: “Đất ở, đất vườn của ông Dũng được cấp năm 1984: diện tích 250m2, đất năm 1998 cấp bìa đỏ 335m2; cả hai lần cấp đều không bao hàm lối đi… Địa phương cấp đất cho bà Tiệp lúc đó là nằm giữa khuôn viên nhà ông Dũng”.
Toà cho rằng: ông Dũng không chiếm đất của anh Hạnh mà cần công nhận đất của anh Hạnh bao gồm đất ông Dũng đang mở ngõ là 80m2. Toà sơ thẩm giải quyết có cơ sở nhưng sửa lại cách tuyên. Quết định: buộc ông Dũng mở ngõ hướng khác để anh Hạnh sử dụng thêm 16m2 theo bìa, xoá án phí cho ông Dũng.
Rõ ràng, UBND huyện khi cấp bìa đỏ cho anh Hạnh đã không xem xét thực tế nên đã cấp trùm lên lối đi nhà ông Dũng. Còn TAND hai cấp thiếu kiểm tra, không xét lai lịch mảnh đất. Lối đi đã có 22 năm nay, người đến trước làm sao lấn đất của người đến sau (?).
Điều khiến ông Dũng bức xúc là trong khi ông đang kháng cáo lên Tòa án tối cao thì đội thi hành án dân sự huyện Diễn Châu đã vội vàng thi hành lệnh cưỡng chế, không báo cho cán bộ xóm, bất chấp sự phản đối của VKS.
"Không thể chấp nhận việc làm của anh Hạnh"
| |
Ngõ nhà ông Dũng bị bịt bằng một bức tường dày.
|
Ông Nguyễn Quang Trung (70 tuổi), một cán bộ bệnh viện về hưu và ông Nguyễn Hữu Thọ (67 tuổi), một cựu chiến binh, nhớ lại: “Trước đây chúng tôi giúp ông Dũng lấy đất ruộng đắp ngõ này, rồi anh em đi chặt tre về dựng nhà cho ông ấy. Đã hơn 22 năm rồi, tự dưng người hàng xóm dửng dưng xây bịt lối đi là chuyện lạ, nhưng toà lấy đất còn là chuyện lạ hơn”.
Các bậc cao niên khác trong xóm cũng đều khẳng định: “Ngõ ông Dũng có từ năm 1985, không hiểu sao cháu Hạnh lại làm chuyện ấy, điều đó là trái với luân thường đạo lý!”.
Ông Nguyễn Đức Thụ, người gọi bà Tiệp là cô ruột và là chú của anh Hạnh, bức xúc: “Tôi là người đưa bà Tiệp bơ vơ từ Diễn Kỹ về đây sinh sống, làm hồ sơ thủ tục để bà hưởng chế độ mẹ VN anh hùng. Năm 1992, tôi và Chủ tịch xã Diễn Phúc đến xin ông Dũng cho bà Tiệp làm tạm cái lều, khi nào chết trả lại ông Dũng.
Lúc đó bà Tiệp xin mỗi chiều 7m x 7m bằng 49m2. Tôi là anh em với anh Hạnh, nhưng không thể chấp nhận việc làm đó của nó và những gì tòa đã xét xử. Nếu Tòa tối cao xử, tôi sẽ làm chứng”.
Thiết nghĩ, trong lúc chờ sự phán xét công minh của Tòa án tối cao, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng can thiệp, phá bức tường đang bịt lối đi cho ông Dũng, không thể để đôi vợ chồng già, mỗi khi muốn đi đâu lại phải bắc thang leo tường.
Nguyễn Duy