1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ba sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội cướp xe máy

(Dân trí) - Sáng 12/7, TAND Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án cướp xe máy mà thủ phạm là một nhóm thanh niên sinh năm 1895-1986, trong đó có 3 sinh viên năm thứ nhất ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội. Sự việc xảy ra giữa tháng 1/2005.

Từ ngày 12 đến 14/1/2005, Phạm Ngọc Quý cùng Bùi Quốc Việt, Lê Ngọc Lân, Phạm Hải Châu, Ngô Tuấn Sơn, Phạm Hồng Hải thuê phòng tại nhà nghỉ Hương Quỳnh số 32A Hoàng Quốc Việt - Hà Nội để tụ tập ăn chơi. Do không có tiền trả cho nhà nghỉ nên Lê Ngọc Lân, Phạm Hoàng Hải đã bàn bạc với cả bọn sẽ lừa để lấy xe máy của Đào Ngọc Minh (bạn cùng lớp ĐH với Lân, Hải và Quý ) rồi mang đi đặt, lấy tiền trả tiền nhà nghỉ và tiếp tục tiêu xài.

 

Quý đã gọi điện thoại hẹn Minh đến đến quán Internet số 54 Dịch Vọng - Cầu Giấy để lừa lấy xe nhưng Minh không đi xe mà lại nhờ bạn là Lý Anh Tú đèo bằng xe Jupiter BKS 29T6 - 0249 đến điểm hẹn.

 

Quý lập tức quyết định cướp chiếc xe nên nhờ Tú chở mình cùng Việt đến bưu điện Cầu Giấy lấy tiền trả cho Minh (vì có nợ Minh trước đó) và cầm lái lòng vòng đến khu vực sau nhà thi đấu dưới nước - khu liên hợp thể thao Mỹ Đình. Quý dừng xe, nói với Việt: “Làm gì thì làm đi” và Việt xông vào đấm đá, kéo Tú ra khỏi xe. Khi Quý xông vào vật lộn với Tú và đưa chìa khóa xe cho Việt bỏ chạy thì mọi người nghe tiếng Tú hô hoán, kéo đến và Quý bị bắt.

 

Trong phiên tòa, Hội đồng xét xử tập trung phân tích nguyên nhân hành vi phạm tội của Quý cùng các bạn - những sinh viên đại học, thời gian và công sức đáng ra phải tập trung cho việc học hành thay vì tụ tập ăn chơi dẫn đến hành vi phạm pháp nghiêm trọng. Sau những câu chối tội quanh co, cuối cùng bị cáo phải cúi đầu nhận lỗi: “Do lối sống chơi bời lêu lổng, đua đòi bạn bè nên bị cáo mới a dua và cùng bạn thực hiện hành vi phạm tội”.

 

Những giọt nước mắt quá muộn, những giọt nước mắt chỉ làm cho gương mặt khắc khổ của cha mẹ bị cáo (vừa tất tả từ Bỉm Sơn - Thanh Hóa đến tòa chứng kiến cảnh con mình bị xét xử) hằn thêm những đường, rãnh nhăn nheo thất vọng và đau khổ. 

 

Lê Phương Thảo