1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nguy cơ sụp đổ kế hoạch xử lý bụi lò thép

(Dân trí) - Vụ việc tàu Phương Nam 45 bị tạm giữ tại biển Vũng Tàu có thể khiến cho kế hoạch xử lý bụi lò thép của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sụp đổ, làm gia tăng ô nhiễm môi trường và các nhà máy luyện thép có nguy cơ buộc phải dừng hoạt động.

Gian nan giải pháp xử lý bụi lò thép

Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) là địa phương được xem là trung tâm của ngành luyện thép Việt Nam với 5 nhà máy đang hoạt động, tổng công suất 3,25 triệu tấn phôi/năm. Dự kiến năm 2015 sẽ có thêm 2 nhà máy luyện thép đi vào hoạt động, nâng tổng số công suất 4,75 triệu tấn phôi thép/năm cho 7 nhà máy.

Với số lượng nhà máy luyện thép và sản lượng phôi thép chiếm đến 65% trên cả nước, ngành luyện thép đã đóng góp khá lớn vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh BR-VT. Tuy nhiên, ngành luyện thép cũng đã và đang gây ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường trong nhiều năm qua do nguồn chất thải phát sinh rất lớn.

Hàng chục ngàn tấn chất thải nguy hại đang lưu giữ trong nhà máy luyện
thép ở BR-VT
Hàng chục ngàn tấn chất thải nguy hại đang lưu giữ trong nhà máy luyện thép ở BR-VT

Từ năm 2007 đến 2013, bụi lò được lưu chứa trong các nhà máy thép hoặc chuyển giao cho một số đơn vị không có chức năng và hiện nay, trên địa bàn tỉnh BR-VT cũng chưa có nhà máy xử lý bụi lò được cấp phép.

Năm 2013, UBND tỉnh BR-VT đã chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đưa bụi lò đến nhà máy tại tỉnh Hải Dương để xử lý nhưng chưa thực hiện được thì nhà máy bị yêu cầu ngừng hoạt động. Do đó, kế hoạch này đã bị hủy bỏ và bế tắc cho đến nay.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Môi trường vào tháng 1/2014, khối lượng bụi thép đang tồn đọng tại các nhà máy thép hơn 30.000 tấn trong tình trạng để ngoài trời, đựng trong bao chứa đã rách nát, tràn đổ... Nguyên nhân là do nhà kho chứa bụi đã quá tải, không có đơn vị xử lý loại chất thải độc hại này.

Trước thực trạng đó, Bộ TN&MT đã đưa ra giải pháp chuyển toàn bộ bụi lò từ tỉnh BR-VT ra Thái Nguyên để xử lý. Việc này đã nhận được sự đồng thuận của các địa phương BR-VT, Thái Nguyên, các đơn vị xử lý và chủ nguồn thải là các nhà máy luyện thép. Chủ trương này giúp cho các đơn vị xử lý tại Thái Nguyên có được nguồn nguyên liệu để sản xuất kẽm, giúp các nhà máy luyện thép tỉnh BR-VT giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do bụi thép gây ra và điều quan trọng là giúp tỉnh BR-VT tạm thời giải quyết được giải pháp tình thế đối với bụi lò trong lúc tìm kiếm, kêu gọi đầu tư xử lý bụi lò tại tỉnh.

Kế hoạch xử lý bụi lò bị đình trệ

Sau khi đưa ra giải pháp xử lý bụi lò cho tỉnh, Bộ TN&MT đã yêu cầu các nhà máy luyện thép phải nhanh chóng chuyển giao bụi lò cho đơn vị chức năng đưa ra tỉnh Thái Nguyên để xử lý, thời hạn thực hiện bắt buộc trước 1/5/2014.

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ TN&MT, UBND tỉnh BR-VT và Sở TN&MT đã yêu cầu các nhà máy luyện thép thực hiện kế hoạch này, đồng thời, đây cũng là chủ trương, chính sách xử lý bụi lò của tỉnh trong năm 2014.

Thế nhưng, việc tàu Phương Nam 45 mặc dù đã có đầy đủ giấy phép liên quan đến vận chuyển, xử lý bụi lò, trong quá trình bốc bụi lò từ các nhà máy luyện thép được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan có chức năng như Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - C49 tỉnh BR-VT, Bộ đội biên phòng và Cảng vụ Hàng Hải vẫn bị Cục Cảnh sát Đường thủy tạm giữ từ ngày 23/4 đến 29/4 và mới đây tiếp tục bị tạm giữ thêm 23 ngày (22/5/2014) đã khiến cho toàn bộ kế hoạch xử lý bụi lò của tỉnh BR-VT có nguy cơ bị sụp đổ do tính đến trước ngày 1/5/2014 mới chỉ vận chuyển được chuyến tàu đầu tiên khoảng 2.767 tấn bụi, chiếm tỷ lệ < 1% so với khối lượng bụi lò đang tồn đọng tại các nhà máy thép, sẽ không thực hiện đúng yêu cầu của Bộ TN&MT và tỉnh BR-VT.

Không chỉ không kịp thời giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, việc không xử lý được bụi lò có thể sẽ khiến cho phần lớn các nhà máy luyện thép sẽ không được nhận mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu sắt, thép làm nguyên liệu sản xuất do không đủ điều kiện về môi trường khi Giấy chứng nhận này sẽ hết hạn vào 30/6/2014. Trong 2 tháng tới đây, nếu không tìm được đơn vị xử lý bụi lò hoặc không giải phóng được khối lượng bụi lò đang tồn đọng thì việc tạm dừng hoạt động do thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào là không thể tránh khỏi đối với các nhà máy luyện thép.

Tàu Phương Nam 45, chuyến tàu đầu tiên chở bụi lò cho BR-VT đang bị tạm
giữ tại vùng biển Vũng Tàu
Tàu Phương Nam 45, chuyến tàu đầu tiên chở bụi lò cho BR-VT đang bị tạm giữ tại vùng biển Vũng Tàu

Ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng?

Bụi lò được xem là chất thải nguy hại. Thành phần bụi lò có chứa nhiều kim loại nặng độc hại như Chì, Asen, Cadimi,.. các hợp chất Halogens và có thể có chất độc dioxin. Các kim loại nặng độc hại có trong bụi lò dễ hòa tan, thẩm thấu vào môi trường nước ngầm và nước mặt khi bị nước mưa cuốn trôi vào các nguồn tiếp nhận. Đồng thời kích thước hạt bụi rất nhỏ, mịn dễ xâm nhập vào cơ thể người qua đường hô hấp.

Theo kế hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh BR-VT, trong năm 2014 sẽ thu hút, lựa chọn một nhà đầu tư có năng lực để đầu tư một nhà máy xử lý bụi lò. Trong trường hợp không thể xử lý được bụi thép, BR-VT sẽ kiên quyết không cấp phép nhập khẩu phế liệu sắt, thép, cắt giảm nguồn nguyên liệu đầu vào hoặc tạm dừng các nhà máy luyện thép.

Đến nay, vẫn chưa có một nhà đầu tư nào có đủ năng lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm về xử lý bụi lò được tỉnh BR-VT lựa chọn. Nếu bế tắc việc chuyển bụi lò tới Thái Nguyên để xử lý thì việc tạm dừng hoặc hạn chế sản xuất thép nơi sản lượng chiếm đến 65% trong cả nước sẽ gây ra tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội. Nếu BR-VT không giải quyết được bụi lò sẽ khiến cho khối lượng bụi lò đang tồn đọng sẽ ngày càng gia tăng và ô nhiễm môi trường sẽ càng thêm trầm trọng.

Từ câu chuyện tàu Phương Nam 45, chuyến tàu chở bụi lò đầu tiên cho tỉnh BR-VT bị tạm giữ, sẽ làm đổ vỡ dây chuyền khi các kế hoạch của Bộ TN&MT, UBND tỉnh không được thực thi và lúc đó các nhà máy luyện thép không tránh khỏi nguy cơ bị tạm dừng và môi trường vẫn tiếp tục ô nhiễm do bụi lò không được xử lý.

Công Quang