1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ba người nằm mơ… hiến tạng!

Lúc đầu, tình nhân ái lạ lùng và hào sảng của 3 chị em ruột tật nguyền đó đã làm tôi - kẻ ngoại đạo với ngành y - thấy hoài nghi.

Cách đây 5 năm, khi vận động các nhà hảo tâm đem gần ba chục triệu cứu giúp các số phận thảm sầu ấy, đứng ở giữa ngôi nhà toàn người tàn tật (chân tay không cử động được rồi teo tóp đi như những ống sậy) kia, tôi chỉ dám ước ao, họ sống được ngày nào thì… ơn trời ngày đó. Giờ hai người đã ngự trên bàn thờ; 2 người nằm chờ chết, với toàn thân khô đét, xọp xẹo; một cậu bé đứng ra thuyết phục thành công 3 người hiến giác mạc và toàn bộ cơ thể hoặc nội tạng có thể “bóc” ra từ cơ thể mình để cứu những người cùng khổ và nghiên cứu khoa học. Viết thư, gọi điện và chờ đợi suốt bao ngày, 3 chị em vẫn cứ phải treo giấc mơ hiến tạng, hiến xác ở xó nhà. Thế là, họ mới gọi điện kêu cứu tôi.

Tôi đã lần lượt vĩnh biệt họ…

Xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, sau 5 năm, đường vào phong quang hơn, nhưng dường như không khí làm ăn mới, nó khiến số lò nung vôi, nung gạch nhả khói dữ dằn và mù mịt hơn. Than cám ướt  và khói bụi khi đốt lò kiểu này, nó có thể nuốt chửng sự sống của người ta với tốc độ khó hình dung. Bà Trần Thị Hìu, gần 60 tuổi và 3 đứa con “không chân không tay”, “đặt đâu ngồi đấy” của bà, sau gần 2.000 ngày không gặp, vẫn nhớ vanh vách chi ly cái ngày gã nhà báo như tôi lang bạt đến nhà bà hồi ấy. “Hôm ấy, trời mưa, đường lầy thụt, chú Hải cán bộ xã đưa vào, từ độ ấy đến giờ các cháu nhà tôi trông thấy chú trên tivi mấy lượt, chúng nó nhớ cả”. “Hôm qua thằng Hào nó bảo tôi, mẹ à, mai chú Hoàng nhà báo đến chơi. Tôi mới hốt quá, toan nọc nó ra đánh đòn, sao mày gọi cho người của nhà nước mà không cho mẹ biết. Mất việc của người ta. Mà người ta lại tưởng mẹ con mày “quen mui” muốn xin thêm vài chục triệu tiền “tài trợ” thì có phải là mang tiếng không hả con?”, bà Hìu tông tốc, bộc tuệch.
 
Ba người nằm mơ… hiến tạng! - 1
Huệ và Hào bị teo tóp chân tay, nhưng vẫn luôn mong được hiến toàn bộ nội tạng hoặc thân thể
để cứu người hoặc phục vụ nghiên cứu khoa học. (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng)


Bà lấy ông Vũ Văn Kỳ năm 1971, ông Kỳ khỏe và tháo vát đến mức xã “trưng dụng” làm chân đi bộ, đạp xe đưa thư khắp các thôn bản của người đủ các tộc người Kinh, Tày, Nùng, Dao trong xã. Bỗng chốc, chân tay ông yếu và teo dần, đến lúc chỉ còn da bọc xương, chạy chữa từ Bắc chí Nam, từ tỉnh đến Trung ương, “có bệnh thì vái tứ phương”. Đến lúc, chân tay như cái dải khoai héo, áo quần mặc vào người ông thì ống quần, tay áo nó cứ phất phơ như đang treo trên mắc. Ông Kỳ từ từ tắt thở trong đau đớn và oán thán cuộc đời. Lúc đầu, 5 đứa con “có đầu có đuôi, nuôi lâu cũng lớn” của vợ chồng bà Hìu, không di truyền bệnh từ bố, ngoan ngoãn, xinh xẻo, học giỏi, cả xóm nhìn đám trẻ 4 gái 1 trai của họ thở phào.
 
Bỗng một ngày, năm 2000, đi đội than thuê, gánh gạch thuê ngoài mỏ trở về, người đàn bà góa Trần Thị Hìu thấy bé Vũ Thị Việt đi học về, người cứ lả đi, sờ vào chân tay thì tá hỏa nó teo tóp từ bao giở bao giờ. Bà nuôi con như núi rừng nuôi cỏ. Hoảng quá, bà mới đem cô con gái học lớp 5 đó vào buồng, lột hết quần áo nó ra. Ôi trời ơi, con tôi lại “không chân không tay”, lại sắp ngồi như… chim cánh cụt giống bố nó mất rồi. “Cứ nuôi lơn lớn, học hành giỏi giang, thì chúng nó mới lăn ra… teo tóp toàn thân. Đau lắm chú ạ”, bà Hìu khóc. Đến năm 2001, teo hết cơ thịt trên toàn thân, nắm xương ẻo lả của bé Việt đổ xuống vĩnh viễn. Giờ đây, trên ban thờ, bức ảnh lòe nhòe hiếm hoi còn sót lại của Vũ Thị Việt cứ ngơ ngác nhìn đời, bên cạnh là di ảnh ông bố đau khổ Vũ Văn Kỳ, đang dịp Tết Tân Mão, mỗi bát nhang được gài một tờ hai nghìn đồng. Ngoài sân, lần lượt các bệnh nhân teo cơ toàn thân ngồi trù trụ như những cây… bụt mọc, gồm: Vũ Thị Huệ, 34 tuổi; Vũ Thị Hồng, 32 tuổi; Vũ Văn Hào, 27 tuổi. Ba em như ba cục da bọc xương, thoáng trông chỉ thấy cái đầu, chân tay bùng nhùng trong ống tay áo, ống chân quần. Hơn 10 năm qua, bà Hìu phải cơm bưng, nước rót, vệ sinh tắm rửa, mũi dãi, thậm chí, đặn, mỗi khi các cô gái “thấy tháng”, bà cũng phải… làm thay các con gái “từ đầu đến cuối”. Đấy là chưa kể đói nghèo triền miên.
 
Ba người nằm mơ… hiến tạng! - 2
 

Hôm chúng tôi trở lại, đúng ngày em Vũ Thị Hồng sa vào nguy kịch, em không thể nào ngồi im lặng trước hiên như gần hai chục năm qua em đã ngồi được nữa. Chân tay em, chỉ còn gióng xương bé như chuôi liềm, bà Hìu cầm tay Hồng (cô gái 32 tuổi) lên, tay em lọt thỏm trong lòng tay mẹ. Hồng nằm trong bóng tối góc buồng. Nước mắt lã chã, đôi mắt em to và đỏ đòng đọc vì khóc quá nhiều. Cái nhà này, cái bệnh này, chưa có một ai không tỉnh táo, ngay cả khi cái chết cận kề. Hồng thều thào làm tôi nghĩ, khó có nhân vật nào lại nhớ nhà báo đến mức đấy: “Anh Hoàng à, anh lại trở về với nhà em rồi.  Ngày nào bọn em cũng nhắc đến tấm lòng của các anh. Bấy giờ anh gầy so với lần gặp trước đấy!”. Cái giọng Hồng đều đều, buồn thảm, tinh tường hơn bất cứ người bệnh trọng nào. Tôi không dám chắc còn kịp trở lại để nghe giọng nói ấy được một lần nữa… Đôi mắt đỏ đòng đọc, các ống xương nứt nẻ, tróc lở và bé tẹo của Hồng chợt sụp xuống. Em quay mặt vào sau vách, tóc đen nhánh, nếu đắp chăn che kín toàn thân teo tóp đến ma quái kia.

Thấy Hồng quay mặt, đổ tràn nước mắt xuống lớp đệm dày (vì chân tay không cử động được)”.

Khóc vì chưa được hiến tạng cứu người

Vũ Văn Hào đi học gần hết lớp 5 trường làng thì ngã bệnh. Em không dám trách ai, chỉ thắc mắc sao em muốn làm việc tốt cho đời, em như cái cây héo sắp chết, muốn giúp đời mà không đòi hỏi bất cứ cái quyền lợi gì cả - sao lại khó thế hả anh? “Em không đi đứng được, không tự làm gì được. Thế là em suốt ngày đêm đánh bạn với cái đài. Có lần em gọi điện xin kết bạn với những người cùng cảnh ngộ. Thế là có chị Phượng, người khiếm thị ở Vĩnh Phúc cùng bao nhiêu là người tàn tật khác đến tận xã Hương Vỹ thăm em. Chị Phượng còn cho em một cái điện thoại. Có kết bạn, thì mới thấy cuộc đời nhiều người còn khổ hơn cả em. Đặc biệt, có những người cần ghép tạng mà không có tiền, không có tạng để tiếp tục sống. Vừa rồi, ba chị em em quyết định cùng hiến giác mạc. Bây giờ bọn em muốn hiến toàn bộ cơ thể hoặc toàn bộ nội tạng của 3 chị em. Em tìm hiểu rồi, đúng độ tuổi, đúng quy định, em không có bệnh di truyền, truyền nhiễm là được. Cả nhà đều đồng ý, họ lấy được cái gì, tặng cho người bệnh hết (hiến tạng) hoặc lấy thi hài chúng em phục vụ nghiên cứu khoa học (hiến xác)!”, Hào nói.
 
Ba người nằm mơ… hiến tạng! - 3
Ba chị em còn lại, gồm Huệ, Hồng, Hào, đặt đâu ngồi đấy, mọi sinh hoạt là do bà mẹ già làm thay, chân tay teo như ống sậy;
riêng Vũ Thị Hồng không ngồi dậy được nữa, sự sống chỉ còn rất mong manh (ảnh: Đỗ Doãn Hoàng)
 
Trước khi tôi hẹn lên, Hào đã kỳ công nằm úp trên nền nhà, tự tay viết được một cái “Đơn xin hiến nội tạng” khá dễ đọc, dù không ít lỗi chính tả và dù cái tay của người tàn tật lẩy bẩy đã khiến cho chữ nào cũng có vẻ… đang đu đưa. Các lá đơn có những đoạn khá rành mạch: Để đáp lại sự giúp đỡ của cả xã hội với gia đình tàn tật chúng tôi, 3 chị em chúng tôi tình nguyện làm đơn xin hiến giác mạc (và đã được chấp nhận); nhưng đó chưa phải là tâm nguyện chính của chị em tôi. Vì ở đâu đó trên đất nước ta, vẫn còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh, nên ba chị em tôi mong muốn khi nào chết đi sẽ được hiến toàn bộ nội tạng hoặc hiến xác cho khoa học. Chúng tôi mong rằng món quà nhỏ này sẽ giúp được gì đó cho xã hội, với tinh thần nhân đạo của người Việt Nam ta. Chúng tôi tự nguyện làm việc đó, mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Mong các cơ quan đoàn thể giúp 3 chị em tôi sớm hoàn thành tâm nguyện này.
 
Ba người nằm mơ… hiến tạng! - 4
Một trong những lá đơn "hiến mình cho cộng đồng" của chị em Hào, do Hào tự viết
(ảnh: Đỗ Doãn Hoàng)


Hào bảo: “Nhà nước xây cho mẹ con em nhà đại đoàn kết, hằng tháng có tiền trợ cấp, các nhà hảo tâm giúp đỡ, bạn bè khuyết tật đến thăm - sao mẹ con em cứ suốt đời nhận “quà” của người khác, mà không nghĩ cần làm cái gì đó để trả ơn cuộc đời? Anh hỏi mẹ em mà xem, có nhiều người nghe tin em muốn hiến một phần hoặc toàn bộ cơ thể mình cho người bệnh, họ gọi điện bảo, đem tạng cho người nhà họ, họ sẽ cho thật nhiều tiền mà tiêu. Em bảo, bác nói thế, cháu không nói chuyện nữa đâu, cháu không bán thân thể mình. Sau đó họ còn gọi điện cho mẹ em để thuyết phục nữa mà! (bà Hìu ngồi cạnh xác nhận)”. “Em xem tivi, giao lưu kết bạn, thấy nhiều cảnh đời khổ kinh khủng, người ta nghèo mà lại phải ghép tạng thì thương quá. Họ còn khổ hơn em nhiều. Em lại thấy, nhà nước suốt ngày kêu gọi nghĩa cử của những người hiến nội tạng, hiến xác. Rằng, các bệnh viện và đơn vị nghiên cứu sẽ rất sẵn sàng tiếp nhận ý nguyện những người như chị em em. Nhưng, em gọi mãi chẳng thấy cơ quan nào chịu… nhận cả. Người ta giới thiệu đến Đại học Y (Hà Nội), rồi BV Việt Đức, BV… này nọ. Em gọi điện sang thì ông bảo vệ cho số của phòng giải phẫu, gọi đến phòng đó, một ông bảo đến Bệnh viện Việt Đức, rồi viện Quân y gì đó. Có viện, em gọi đến, họ bảo Tết nhất phải họp, ra Tết gọi lại nhé. Ra Tết gọi vẫn số đó thì ông nào đó nghe bảo ông ấy thay số rồi, tôi cầm máy chứ tôi không phải là ông ấy…”.

Ba người nằm mơ… hiến tạng! - 5
Chị em Hào, Hồng, Huệ và bà Hìu (mẹ các em) khi gặp chúng tôi 6 năm trước.
(ảnh: Đỗ Doãn Hoàng)
 
 
Nói xong, Hào và Huệ cùng… khóc, riêng em Hồng, vẫn nghiêng mặt để nước mắt tràn ra đệm ở trong buồng. Hào bảo, em khóc vì ức, chứ không vì tủi thân như lần trước gặp anh đâu nhé, “em thương người khác, em không đòi hỏi quyền lợi gì, chỉ muốn hiến tặng cho xã hội thôi, thế mà cũng không được sao?”. Tha thiết đem cơ thể mình, toàn bộ nội tạng của mình để tặng cho đồng bào có được sự sống và ánh sáng, cho xã hội có “mẫu vật” nghiên cứu khoa học… - tấm lòng nhân ái của 3 chị em Hào có thể làm sửng sốt bất cứ ai. Vấn đề còn lại chỉ là thủ tục và bài toán của các nhà khoa học. Song, dù thế nào, ngành y tế và cả xã hội cùng cần tôn vinh những “nghĩa cử” không dễ gì hình dung được như thế chứ.
 

Chỉ tính riêng ở BV Việt Đức (Hà Nội), trong 14 ngày của tháng 5 năm 2010, từ nghĩa cử cho tạng của 3 bệnh nhân chết não, các bác sỹ đã có “nguyên liệu” để ghép thận cho 6 người bị suy thận nặng, ghép van tim cho 2 người, ghép gan cho 1 người và ghép giác mạc cho 4 người. Ông Quyết, Giám đốc BV Việt Đức coi việc hiến tạng là một hành động hết sức nhân văn. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: chúng ta cần có chính sách tôn vinh những người hiến tạng.

Đỗ Doãn Hoàng

Lao Động