1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Bà Nghị” ẵm con đi… họp Quốc hội

Mỗi lần ra Hà Nội họp Quốc hội là mỗi lần đồ nghề của nữ đại biểu này lỉnh kỉnh đủ thứ nồi quấy bột, bỉm, sữa trẻ em... và mấy túi xách đựng những bộ quần áo của em bé để mặc trong hơn một tháng trời...

Nữ “nghị sĩ” Nguyễn Thị Vân - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh - với gương mặt khả ái, phong cách tự tin ngồi giữa những “cây đa, cây đề” trong nghị trường dường như đã trở thành điểm nhấn của sự “trẻ hoá” của Quốc hội.

 

“Bà Nghị” ẵm con đi… họp Quốc hội  - 1

Chị Nguyễn Thị Vân đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: L.X

 

Sinh năm 1979, sau những năm miệt mài đèn sách ở giảng đường đại học Luật, đại học Văn hoá, đã bảo vệ thành công bằng thạc sĩ Văn hoá, chị Vân trở về quê nhà công tác tại Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Tĩnh.

 

Được bầu làm ĐBQH từ năm 27 tuổi, chị trở thành một trong những gương mặt trẻ tuổi nhất của nghị trường. “Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ làm chính trị hay sinh hoạt trong một diễn đàn chính trị lớn như thế. Tôi chỉ nghĩ đi học rồi làm chuyên môn bởi tôi rất yêu ngành văn hoá mà tôi theo đuổi. Khi lãnh đạo cơ quan giới thiệu, cử tri tin tưởng bầu, đến khi trúng cử tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng” - chị kể.

 

Ngỡ ngàng với vai trò, trọng trách mới, chị Nguyễn Thị Vân khi ấy đã phải định hình lại, chị vào thư viện tìm đọc lại những cuốn sách về hệ thống chính trị. Đọc rồi, nữ đại biểu trẻ càng thêm ngỡ ngàng và bối rối: “Nghiên cứu xong tôi lại lo, nghĩ Quốc hội có nhiệm vụ to lớn như thế, liệu mình có kham nổi không”. Khi được vinh dự giao vai trò mới, chị cũng phải đối mặt với không ít nỗi nhọc nhằn của cuộc sống.

 

Thời điểm mà cơ quan giới thiệu ứng cử cũng là khi chị mới sinh cậu con trai đầu lòng được một tháng. “Tôi cảm giác như trở thành ĐBQH là cơ duyên tiền định vậy, con trai tôi sinh đúng vào ngày 6/1, là ngày tổng tuyển cử đầu tiên của cả nước (6/1/1946)” - đại biểu Nguyễn Thị Vân chia sẻ. Vẫn còn trong thời gian “ở cữ”, khi những người phụ nữ khác đang còn phải kiêng khem, tránh gió thật kỹ càng thì chị lại tự nguyện chạy đôn đáo lên cơ quan, giải quyết những công việc còn dang dở.

 

Rồi kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XII vào tháng 7/2007 cũng là khi người ta bất ngờ thấy một cô gái trẻ măng, khuôn mặt xinh xắn ẵm theo một đứa con nhỏ mới 5 tháng tuổi tới ở tại nhà khách Chính phủ trên phố Chu Văn An. Những kỳ họp liên tiếp sau đó diễn ra vào tháng 11/2007, rồi tháng 5/2008, tháng 10/2008, người ta vẫn thấy hình ảnh một nữ đại biểu trẻ tất tả với con sau những giờ họp căng thẳng trên nghị trường.

 

“Bà Nghị” ẵm con đi… họp Quốc hội  - 2
Các nữ đại biểu Quốc hội đã đóng góp công sức không nhỏ trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế Nhà nước  Ảnh: TTX

 

Đại biểu “chạy”...

 

Nhớ lại những ngày tháng của kỳ họp đầu tiên với vai trò là đại biểu Quốc hội, chị bảo ngày đó ngoài giờ họp chị gần như bế con suốt trên tay. Đứa bé còn bện hơi sữa của mẹ nên không chịu theo người bác đi cùng. Lại thêm việc đi xe từ Hà Tĩnh ra, điều kiện khí hậu thay đổi nên cậu con trai cứ khóc ngằn ngặt, cả đêm người mẹ trẻ phải ẵm con đi lại trong phòng khách.

 

“Lắm hôm thức trắng đêm, sáng ra rũ người, mắt thâm quầng, mệt mỏi tưởng như khuỵu xuống”, nữ đại biểu chia sẻ. Mỗi lần ra Hà Nội họp Quốc hội là mỗi lần đồ nghề của nữ đại biểu lỉnh kỉnh đủ thứ nồi quấy bột, sữa trẻ em... và mấy túi xách đựng những bộ quần áo của em bé để mặc trong hơn một tháng trời.

 

Kỳ họp thứ thứ hai diễn ra vào tháng 11 năm 2007 và hai kỳ họp kế tiếp diễn ra vào năm 2008, chị vẫn phải ẵm con theo ra Hà Nội. Đó là những quãng thời gian mà chị tưởng chừng như vất vả nhất khi em bé chuyển sang giai đoạn ăn cháo.

 

Để có được một nồi cháo ninh đủ chất cho con ăn ba bữa chính trong ngày, buổi sáng chị dậy thật sớm, đi bộ sang chợ Ngọc Hà để mua hôm thì xương, hôm thì thịt về hầm hàng tiếng đồng hồ mới xong. “Mọi người gọi tôi là người chạy vì lúc nào cũng thấy tất tả, vội vã. Cứ xuống khỏi xe là chạy về phòng xem con thế nào, buổi sáng 8h kém 15 phút xe bắt đầu khởi hành chở đại biểu đến hội trường thì ngày nào cũng như ngày nào, 8 giờ kém 13 phút, cho con ăn sáng xong tôi mới xuống tới nơi. Mọi người bảo sao không gửi ở nhà cho ông bà trông hoặc cứ giao cho bác đi cùng trông nom, ăn uống. Nhưng tôi không chịu được khi xa con, con tôi còn quá nhỏ mà gửi ở nhà cho ông bà, xa hơi mẹ thì khổ thân nên tôi vẫn mang theo cả 4 kỳ họp, cố gắng sắp xếp thời gian vừa hoàn thành công việc, vừa chăm sóc được con. Buổi sáng, dù bận đến mấy thì tôi cũng phải tự tay cho con ăn xong mới yên tâm đi làm” - đại biểu Nguyễn Thị Vân chia sẻ.

 

Hết lòng chăm sóc con nhưng nữ đại biểu Nguyễn Thị Vân còn là một cán bộ đầy năng lực hiện đang đảm nhiệm cương vị Trưởng phòng văn hoá (Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Tĩnh). Những phiên họp của Quốc hội khoá XII cũng nhiều phen “nóng” lên bởi những câu hỏi gai góc của nữ đại biểu trẻ.

 

Và có lẽ, hình ảnh người mẹ trẻ trên tay ẵm đứa bé vượt hàng trăm cây số từ Hà Tĩnh ra Hà Nội họp Quốc hội; hình ảnh người người mẹ tất tả sớm tối để lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho con thơ sẽ mãi in đậm trong lòng những đại biểu Quốc hội khoá XII.

 

Từng “tim đập chân run” khi  trở thành ĐBQH

 

 Là một trong những gương mặt trẻ nhất của nghị trường Quốc hội khoá XII, chị có bao giờ cảm thấy bị “ngợp” trước những bậc lão thành, kỳ cựu?

 

Nói thật là khi cơ quan giới thiệu ứng cử, tôi đã rất hồi hộp. Khi họp kỳ đầu tiên vào tháng 7 năm 2007 thì lại càng hồi hộp hơn. Sau những giây phút “tim đập chân run” ấy thì tôi lại thấy mình may mắn khi được gặp những “cây đa, cây đề” mà trước đó tôi chỉ được biết đến họ thông qua sách báo. Môi trường Quốc hội vốn rất bình đẳng, gần gũi nên tôi đã học hỏi được nhiều, nhận thức được nhiều vấn đề thuộc tầm vĩ mô hơn trước kia.

 

Ấn nút thông qua bất kỳ một quyết sách nào đó đều tác động đến đời sống của cử tri. Chị có chịu “áp lực” nào khi nhấn nút đỏ không?

 

Cảm giác run, hồi hộp là có thật. Vì khi ấn nút thì không còn là tư cách cá nhân nữa mà là đại diện cho một lớp cử tri nhất định. Những thay đổi chính sách dù rất nhỏ đều ảnh hưởng đến đời sống mưu sinh của từng người dân.

 

Xin cảm ơn chị.

 

Theo Lã Xưa

Gia đình & Xã hội