Nam Định:
Bà lão ăn mày nuôi trẻ bị bỏ rơi vào đại học
(Dân trí) - Có một bà lão ăn mày 73 tuổi, nghèo khổ đến tận cùng vẫn dang tay nâng đỡ một số phận cũng bất hạnh chẳng kém mình. Lòng nhân ái bao la của bà đang làm nên một câu chuyện cổ tích đẹp trên vùng đất văn, đất học Thành Nam.
Bà là Trần Thị Nguyệt hiện sống tại ngõ 22 đường Hai Bà Trưng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.
Bà lão ngồi co ro trong tấm áo mưa sờn cũ. Khuôn mặt khắc khổ, tấm lưng còng in dấu những tháng ngày vất vả của bà đã trở nên quen thuộc tại trạm xe buýt trên tuyến đường Trần Hưng Đạo TP Nam Định. Đây là tuyến đường lớn nên nhiều người qua lại và cũng khá nhiều người hảo tâm đặt những đồng lẻ vào chiếc nón rách của bà. Bàn tay run run vuốt ve từng tờ bạc, niềm vui hiện rõ trên khoé mắt, bà biết nhờ nó con bé Thảo, cháu gái yêu quý của bà, có thể tiếp tục được đi học...
Bà Nguyệt quê ở Duy Tiên, Hà Nam. Mẹ mất sớm, cha dắt mấy anh em ra Nam Định kiếm ăn. Được vài năm, ông lấy vợ rồi đưa vợ và các anh trai bà vào Nam, chỉ còn một mình bà ở lại. Bà tìm thuê nhà và bắt đầu đi bán xôi kiếm sống qua ngày. Cuộc sống “có bữa sáng lo bữa tối” cứ thế trôi đi, khi bước sang tuổi ngũ tuần, bà vẫn sống một mình, cô đơn, buồn tủi.
Rồi một ngày, bà mang về một đứa trẻ bị bỏ rơi chừng 15 tháng tuổi. Thấy bà sống một mình tạm bợ, kiếm ăn qua ngày còn chật vật, nhiều người khuyên bà không nên giữ cháu. Bà tâm sự: “Cái thân tôi lang thang không người thân thích bên cạnh tôi biết khổ thế nào rồi. Chẳng lẽ lại để nó khổ như mình ngày xưa? Thôi thì bà cháu nuôi nhau, biết đâu mai sau bố mẹ nó nghĩ lại về tìm...”. Thế là bà làm giấy khai sinh cho nó với cái tên Phạm Thị Thu Thảo.
Từ khi có Thảo, cuộc sống của bà bận rộn hẳn lên. Bà chăm Thảo cứ như chăm “núm ruột” của mình vậy. Bà mớm cơm, ru hời, đổ bô, giặt giũ... Thảo đến tuổi đi mẫu giáo, không có tiền đóng học, có bao nhiêu “vốn liếng” tri thức, kinh nghiệm bà đem dạy hết cho cháu. Thảo học hết cấp 1, cấp 2, rồi cấp 3. Bà mỗi ngày một già, yếu. Những khi bà ốm đau, hai bà cháu sống nhờ tình thương, sự đùm bọc của bà con, hàng xóm. Đến khi không còn khả năng đội thúng xôi đi bán, bà chống gậy ra đường xin ăn nuôi cháu.
Học hết cấp 3, Thảo xin bà lên Hà Nội thi đại học. Thấy cháu ham học, bà không nói gì mà âm thầm động viên cháu. Và mùa hè năm 2009, người dân trong xóm được chứng kiến hình ảnh đêm đêm bà lưng còng ngồi quạt cho cháu gái ôn thi. Như để trả ơn cho những tháng ngày vất vả của bà, Thảo không ngừng nỗ lực học tập. Hôm Thảo về bảo với bà là đỗ Đại học (Khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội), bà ôm cháu vào lòng, nước mắt ứa ra. Bà khóc vì mừng và cũng khóc vì lo không biết kiếm đâu ra tiền cho cháu đi học...
Ngôi nhà của hai bà cháu nằm trong khu lao động nghèo, tồi tàn, lụp xụp. Nhà chỉ rộng chừng 6m2 làm bằng đủ thứ chất liệu gạch, ngói, tôn, tre, ni lông, que củi và bao tải rách. Trong nhà, chiếc giường tre ọp ẹp, manh chiếu thủng lỗ chỗ được lót bằng vài tờ báo cũ... Đáng giá nhất có lẽ là mấy chồng sách được xếp gọn gàng, sạch sẽ trên chiếc bàn gỗ sát mép cửa. “Góc học tập của con bé đấy” - bà Nguyệt tự hào.
“Con bé học cũng khá, năm nào cũng có giấy khen”... Mắt bà ánh lên niềm vui khi chỉ vào chiếc hòm ở đầu giường nơi cất giấy khen của Thảo. “Nó còn muốn sau này làm chủ một công ty lữ hành cơ đấy!”. Bà Nguyệt lau nhanh những giọt nước mắt cứ trào ra nơi hốc mắt. Bà không khóc vì cơ cực mà vì nhớ cháu, thương cháu phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn.
Từ hồi Thảo lên Hà Nội học, bà càng phải chắt chiu, dành dụm nhiều hơn. Những hôm xin được ít, bà chỉ dám ăn tạm cái bánh mì còn lại để dành gửi cho cháu. Nhớ cháu, bà không dám lên thăm vì bà nhẩm tính “tiền đi, về cộng với một cái bánh mì đã bằng cả tuần bà đi xin và cũng bằng nửa tháng ăn của cháu”...
Cảm thông và san sẻ với người bà không máu mủ vẫn còng lưng kiếm sống nuôi dưỡng đứa cháu “dưng”, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã dang tay giúp đỡ. UBND phường Trần Hưng Đạo, các ban, ngành, đoàn thể ở nơi bà cư trú cũng đề nghị hỗ trợ bà xây dựng căn nhà mới. Bà Nguyệt đón nhận và vô cùng biết ơn những tấm lòng hảo tâm đó; riêng về việc xây căn nhà mới thì bà không nhận bởi ở căn nhà cũ này hai bà cháu đã có biết bao kỷ niệm hơn nữa bà cũng muốn để cháu yên tâm học hành, không bị phân tâm về chuyện nhà cửa, sức khoẻ của bà...
Tuổi cao mà chưa đủ ăn, bà lão ít học đang gắng sức nhặt nhạnh từng hạt cơm rơi tiếp sức cho cháu trên giảng đường đại học.
Mỹ Bình
TTXVN