1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Bà giáo già và câu chuyện xúc động lần đầu gặp Bác Hồ

(Dân trí) - Gần 50 năm trước, cô giáo Nguyễn Thị Mão là một trong những nhân chứng vụ đánh bom thảm sát của Mỹ tại trường tiểu học Hương Phúc (huyện Hương Khê). Cô cũng là một trong những người vinh dự được gặp Bác Hồ tố cáo tội ác dã man này của đế quốc Mỹ.

Hàng ngày, người dân khối phố 5, phường Tân Giang (TP. Hà Tĩnh) vẫn quen thuộc với bà giáo hưu mẫn cán với công tác phụ nữ, công tác khuyến học tại chi bộ.  Ít ai biết rằng người nữ giáo hưu này từng là một trong những thiếu niên tiêu biểu của Hà Tĩnh vinh dự được trò chuyện cùng Bác Hồ cách đây ngót 48 năm.

Ngôi nhà của vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Mão nép mình trong con ngõ nhỏ của phường Tân Giang. Ngay ở gian phòng khách, ngoài ban thờ gia tiên, ở phía trái cô đặt ban thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và luôn hương khói cẩn thận, chu đáo. Ngày 2/9 hàng năm, cô Mão đều làm mâm cơm cúng giỗ Bác Hồ.

Cô giáo Nguyễn Thị Mão lần giở lại những tư liệu cũ mà cô cất giữ
Cô giáo Nguyễn Thị Mão lần giở lại những tư liệu cũ mà cô cất giữ

Trong những ngày cả nước hướng về ngày tết Độc Lập và 45 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cô Nguyễn Thị Mão cũng rưng rưng nhưng kỷ niệm không bao giờ quên.

Năm 1966, khi ấy cô Nguyễn Thị Mão vừa tròn 14 tuổi đang học lớp 5 trường tiểu học Hương Phúc (huyện Hương Khê). Vào thời gian này, Hà Tĩnh là vùng đất chia lửa cùng tiền tuyến miền Nam và phải chịu đựng những trận đánh phá ác liệt của không lực Mỹ. Bom của chúng rải vào các làng mạc, bệnh viện, chùa chiền, nhà thờ và trường học... Vào tháng 2/1966, trường cấp 2 Hương Phúc, thuộc huyện Hương Khê nằm vào vùng mục tiêu đánh phá của chúng.  

Trong trí nhớ của bà giáo hưu Nguyễn Thị Mão đó là vào 16h30 chiều ngày 9/2/1966, cả lớp học bỗng chốc bị vùi lấp sau trận oanh tạc của B.52.

Những gì còn sót lại say vụ ném bom của Mỹ tại trường tiểu học Hương Phúc năm 1966
Những gì còn sót lại say vụ ném bom của Mỹ tại trường tiểu học Hương Phúc năm 1966

Buổi học đó, chỉ mỗi lớp của trò Nguyễn Thị Mão tham gia tiết học tại lán. Còn lớp 6 học tại khu vực xa hơn. Cả lớp có 57 học sinh thì có 33 bạn bị tử vong và 24 bạn bị thương nặng. Trò Mão cũng nằm trong số đó. “Hôm đó, khi nghe tiếng máy bay tôi cùng 2 bạn là Chín và Nhã ra hầm. Chiếc hầm sát ngay với lán học. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi vội vàng vào lớp lấy sách vở rồi quay lại hầm rủ 2 bạn đi ra chỗ hầm trú xa lán. Nhưng Chín và Nhã từ chối. Tôi men theo hào giao thông vừa đến cách hầm lán chỉ khoảng hơn 10m thì nghe tiếng bom ném sau lưng. Sau đó là đất cát phủ lên, tôi không còn biết gì nữa”, cô giáo Mão nhớ lại.

Mãi đến một lúc sau, khi máy bay Mỹ ngừng ném bom, có một bạn học lớp 6 tên Phấn chạy đi tìm em, phát hiện 1 lọn tóc lấp dưới lớp đất cát. Nghĩ rằng đó là em, Phấn bới đất thì mới biết đó là trò Mão, Phấn liền phủi đất trên mặt trò Mão rồi tiếp tục đi tìm em. Từ dưới lớp đất cát ngẩng lên, trò Mão vẫn chưa hiểu chuyện gì. Mấy chú bộ đội phát hiện thấy Mão vội vàng kéo lên, Mão xua tay: “Khoan kéo cháu lên, mấy chú đi bới bạn cháu lên đã. Cháu vẫn còn thở được”.

Những gì còn sót lại say vụ ném bom của Mỹ tại trường tiểu học Hương Phúc năm 1966
Học trò  Bùi Thị Sự (bạn cùng lớp cô giáo Mão) bị cắt 2/3 lá gan sau vụ ném bom của Đế quốc Mỹ tại đây

Toàn thân duy chỉ mỗi chiếc đầu không bị đất lấp, Mão chỉ có thể ngoái nhìn 4 phía. “Trước vào sau tôi chỉ có thi thể của bạn tôi, máu trộn với bùn đất. Có bạn thi thể nằm trên ngọn cây. Khi ấy, trong tôi chỉ trào lên cảm giác đau xót và uất hận…”, lời tâm sự của người học trò năm xưa nghẹn lại. Năm tháng qua đi, ký ức đau thương ấy vẫn chưa hề nguôi. Học trò Mão sau đó được bộ đội đưa lên bệnh viện xã Hương Long (huyện Hương Khê) để khám và điều trị.

Sau vụ ném bom thảm sát, cô học trò Nguyễn Thị Mão được đi với đoàn cán bộ ngành giáo dục Hà Tĩnh ra Hà Nội để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ trước học sinh, sinh viên thủ đô và hơn 100 nhà báo trong và ngoài nước. Vừa mới chôn cất cho các bạn xong, trò Mão và thầy cô trong trường đều đeo khăn tang trắng trên đầu. Hay tin về trường tiểu học Hương Phúc, Bác Hồ đã cho mời đoàn lên gặp Bác tại phủ Chủ tịch.

Tại buổi gặp mặt, một cán bộ trong đoàn báo cáo với Bác về tội ác của Mỹ tại trường tiểu học Hương Phúc. Bác chăm chú lắng nghe, và hỏi han thân mật từng người. Bác dừng lại chỗ học trò Mão và ôm hôn rất lâu. Bác hỏi Mão về gia đình, trò Mão toan đứng dậy thưa chuyện thì Bác ra hiệu Mão ngồi nói. Trò Mão thành thật kể “Bố cháu là liệt sĩ hy sinh năm 1952, chỉ sinh duy nhất một mình cháu. Khi bố mất cháu cũng vừa mới sinh nên từ nhỏ cháu chưa một lần thấy mặt bố”. Nghe xong câu chuyện, Bác Hồ nghẹn lại, rồi nói với Bộ trưởng bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên và trưởng ty giáo dục Hà Tĩnh là thầy Lê Sỹ Nghĩa: “Các chú phải lo cho cháu học tốt”.

Những gì còn sót lại say vụ ném bom của Mỹ tại trường tiểu học Hương Phúc năm 1966
Cô Nguyễn Thị Mão (áo trắng, đang đứng) phát biểu trước báo giới về tội ác của Mỹ tại trường Tiểu học Hương Phúc 

Cùng đi trong đoàn có chị Trương Thị Vỹ là người thân của học sinh bị nạn, cũng đứng lên thưa chuyện: “Thưa Bác, cháu đại diện cho phụ huynh học sinh, em ruột cháu bị lấp vùi trong cǎn hầm, ngạt thở chết. Cha già không đi được, cháu đi thay”.

Bùi ngùi lặng im một lúc, Bác hỏi Vỹ: "Cháu có biết phụ huynh là gì không?". "Thưa Bác, phụ huynh là cha mẹ ạ!". Bác hỏi thêm mấy người trong đoàn nữa, nhưng không ai trả lời đúng ý. Bác ôn tồn giảng giải thêm: "Phụ huynh là cha anh. Ngày xưa phong kiến trọng nam khinh nữ, nên chỉ nói đến cha anh, xem nhẹ vai trò của mẹ. Hôm nay, Bác dặn chú Huyên (Bộ trưởng Giáo dục - Nguyễn Văn Huyên – PV), là ta có từ cha mẹ thì cứ gì phải dùng phụ huynh. Còn học sinh thì ta dùng học trò cũng được. Từ nào ta thiếu thì hãy mượn".

Cô giáo Mão (ở giữa) trả lời với nhà báo nước ngoài
Cô giáo Mão (ở giữa) trả lời với nhà báo nước ngoài

Rồi Bác dặn dò phải có kế hoạch đào hầm, che chắn và phân tán các trường đại học về nông thôn bảo đảm an toàn cho thầy trò. Những lời của Bác khiến mọi người trong đoàn ai cũng lặng đi. Lời  Bác dặn rất giản dị, nhưng dễ hiểu. Cô trò lớp 5 Nguyễn Thị Mão tự hứa với mình, phải nỗ lực và phấn đấu hơn nữa.

Trước lúc chia tay, Bác chia quà cho từng người một và bảo gói đem về. Bác lấy cho bé Mão một nắm kẹo. Lúc này, áo Mão không có túi, thấy vậy Bác quay sang trách nhỏ “May áo cho thiếu niên phải may áo có túi để thiếu niên đựng quà”. Rồi Bác dắt tay trò Mão từ Phủ Chủ tịch ra ngoài sân để tiễn đoàn. Vừa đi Bác vừa dặn “cháu về phải cố gắng chăm chỉ học hành”.

Trò Mão giới thiệu những chứng tích còn sót lại của các bạn học tại buổi họp báo năm 1966
Trò Mão giới thiệu những chứng tích còn sót lại của các bạn học tại buổi họp báo năm 1966

75 phút được trò chuyện với Bác trở thành kỷ niệm không bao giờ quên đối với những người có mặt trong đoàn hôm ấy. Trên đường về, ai cũng xúc động bởi đang trong giai đoạn ác liệt của chiến tranh, bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian cho một trường huyện nhỏ nơi vùng sâu.

Sau cuộc gặp gỡ với Bác, những thành viên của đoàn giáo dục tỉnh Hà Tĩnh hôm đó đã biến đau thương thành hành động, thi đua "dạy tốt, học tốt", để xúng đáng với lời dạy và sự tin tưởng Bác đã gửi gắm. Riêng cô học trò Nguyễn Thị Mão đã phấn đấu và trở thành giáo viên cấp 3 tại trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh). Câu chuyện về lần đầu gặp Bác của cô giáo Mão và tấm gương đạo đức của Người đã trở thành câu chuyện gắn bó với nhiều thế hệ học sinh trong các giờ học.  

Hiện, cô Nguyễn Thị Mão đã nghỉ hưu. Ngoài 60 tuổi nhưng người nữ giáo hưu vẫn ngày ngày tham gia hăng say các hoạt động tại địa phương. Với những đóng góp của mình, năm 2013, cô Nguyễn Thị Mão là một trong những điển hình xuất sắc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tuyên dương trong toàn tỉnh.

Phượng Vũ