1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ba đời mê sách cổ

Ông nội và bố là những người có học vị trong xã hội, đến đời ông Hiêng có điều kiện học tập và được trang bị kiến thức về chữ Hán, chữ Nôm rất căn bản nên quyển nào viết bằng Hán hay Nôm ông đều hiểu và dịch rất thành thạo.

Sau khi hiến tặng 102 quyển cho Thư viện tỉnh Nghệ An, ông Hiêng còn 16 quyển xem như thành quả của cuộc đời.

 

Về Công Thành (Yên Thành, Nghệ An) hỏi nhà cụ Trần Khắc Hiêng, không ai không biết, bởi người dân nơi đây vẫn coi ông như là bậc đức rộng, tài cao ở quên hương.

 

Là một nông dân nhưng ông lại có thú chơi sách và am hiểu tận tường về những quyển sách chữ Hán, chữ Nôm hơn ai hết. Rót ly nước chè xanh đãi khách, ông lão 88 tuổi chia sẻ: "Trước đây ông nội tôi và bố tôi là những người có học vị trong xã hội. Người thì giúp vua giúp nước, người thì bốc thuốc chữa bệnh, về sau tôi có điều kiện học tập và được trang bị kiến thức về chữ Hán, chữ Nôm rất căn bản". Ông cho biết thêm, cũng chính vì lẽ đó nên quyển nào viết bằng Hán hay Nôm ông đều hiểu và dịch rất thành thạo.
 

Cho đến nay, cụ Hiêng vẫn còn lưu giữ được những quyển sách cổ được viết cách nay 200 đến 300 năm bao gồm nhiều lĩnh vực và nội dung khác nhau. Năm 2007, vì sợ về già không bảo lưu nổi sách cũng như biến động của thời tiết nên cụ Hiêng đã hiến tặng 102 quyển cho Thư viện tỉnh Nghệ An. Trong đó có nhiều quyển quý hiếm và thuộc loại "có một không hai" như Tứ thư, Ngũ kinh, Khang Hy từ điển, Hoàng Lê nhất thống chí, đặc biệt 49 tấm khắc gỗ về Kinh dịch, Kinh phật thuộc loại cổ nhất hiện nay. Ngoài ra cụ còn lưu giữ được giá sách, bút, nghiên mực, son… đều có tuổi đời trên 100 năm.

 

Chia sẻ về những pho sách, cụ Hiêng tự hào: "Những quyển sách cổ là do ông, cha để lại nên có rất nhiều quyển ngang bằng tuổi ông nội tôi, thậm chí còn nhiều tuổi hơn. Về sau, vì đam mê cũng như muốn gìn giữ nên tôi đã đi tìm và sưu tầm thêm rất nhiều loại". Hiện tại cụ Hiêng vẫn còn giữ lại cho riêng mình 16 quyển xem như thành quả của cuộc đời.

 

Ngày lại ngày trôi qua, không chỉ gắn với nghiệp ruộng vườn, cụ Hiêng còn mày mò dịch những quyển sách chữ Hán, chữ Nôm để giúp người đời sau hiểu về nội dung trong lớp "mật mã".

 

Ba đời mê sách cổ - 1

Những quyển sách quý có tuổi đời hàng trăm năm vẫn được cụ Hiêng gìn giữ và bảo quản nguyên vẹn

 

Chia sẻ với chúng tôi về dịch thuật, cụ Hiêng hồ hởi: "Đối với những quyển chữ Hán hay chữ Nôm, tôi có thể dịch thành thạo mà không cần từ điển". Cụ cho biết thêm, cách đây mấy năm, có mấy ông giáo ở TP Vinh do không thể dịch nổi sách chữ Hán nên đã tìm về nhờ ông dịch hộ. Gần đây nhất, có một gia đình ở huyện Diễn Châu cũng mang sách lên nhờ dịch. "Họ cho rằng đó là quyển sách lâu đời không còn cần thiết nhưng thử dịch để biết nội dung nói gì. Khi tôi dịch ra thì đó là quyển Di chúc quan Thượng Kiêm họ Hoàng nên mọi người rất lấy làm tự hào…" - cụ Hiêng chia sẻ.

 

Không những dịch sách, cụ còn là người giải mã những tấm bia đá cổ ở các đình chùa, các dòng họ, dòng tộc… Đối với những người trong thôn trong xóm thì việc dịch bia không mấy vất vả, tuy nhiên đối với những tấm bia đá ở nơi xa thì người muốn dịch phải đến đón cụ đi cùng. Kể cho chúng tôi nghe về thời trai trẻ đi dịch thuật, cụ rôm rả: "Hồi trước, mỗi khi có người ở xa nhờ đi dịch bia thì rất khó khăn. Vì không có xe, có đường như bây giờ nên có khi phải cơm đùm, cơm nắm đi từ khi tờ mờ sáng, bước bộ cả chục cây số mới tới được. Thế nhưng vẫn không đâu là không đi vì chính tôi cũng muốn biết trong những tấm bia ấy sẽ chứa điều gì".

 

Có lượng tri thức lớn về ngôn ngữ nên cụ được những người dân Công Thành phong biệt danh "từ điển sống". Có nhiều lớp con cháu vì muốn hiểu về Sắc Rồng của vua ban ngày xưa chứa những thông tin gì nên cũng mang đến nhờ cụ dịch hộ.

 

Am hiểu, không ngừng sưu tầm và gìn giữ sách cổ nên ngày ngày cụ vẫn thường cùng các bậc cao niên trong thôn đàm đạo. Về phần mình, cụ chỉ dịch sách như một thú vui và cố gắng truyền lại cho con cháu những gì cha ông nhắn gửi.
 
Ba đời mê sách cổ - 2
Cụ Trần Khắc Hiêng

 

Theo Tuấn Anh/ Công an nhân dân