ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đẩy mạnh phát triển xe điện
(Dân trí) - Đẩy mạnh hợp tác về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xe điện, chuyển đổi năng lượng, biến đổi khí hậu... là định hướng được lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thống nhất.
Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 27 với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra ngày 10/10 tại Thủ đô Vientiane (Lào). Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của khuôn khổ hợp tác ASEAN+3 và đánh giá cao những tiến triển tích cực trong hợp tác thời gian qua.
Đẩy mạnh hợp tác về đổi mới sáng tạo
Theo báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), dù còn nhiều yếu tố bất ổn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả khu vực ASEAN+3 năm 2024 dự kiến đạt 4,2% và ước đạt 4,4% vào năm 2025.
Trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đạt 1,1 nghìn tỷ USD, trong khi tổng đầu tư FDI từ các nước trên vào ASEAN đạt 42,8 tỷ USD.
Lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả kế hoạch công tác, ưu tiên hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư.
Các nước cũng đặc biệt nhấn mạnh hợp tác nâng cao năng lực ứng phó và xử lý các thách thức về an ninh phi truyền thống, chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh lương thực, an ninh y tế…
Đẩy mạnh hợp tác về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xe điện, chuyển đổi năng lượng, biến đổi khí hậu... cũng là định hướng được lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thống nhất.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò quan trọng của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trong giữ vững ổn định, hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực.
Sự phát triển thịnh vượng của ASEAN không thể thiếu sự kết nối, hợp tác và hỗ trợ của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trong quá khứ, hiện tại và tương lai, theo lời Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ông nhấn mạnh 3 định hướng phát triển hợp tác ASEAN+3 trong bối cảnh khu vực và toàn cầu biến động phức tạp, khó đoán định.
Một là, bảo đảm kết nối chuỗi cung ứng. Thủ tướng đề nghị sớm triển khai Tuyên bố lãnh đạo ASEAN+3 về tăng cường kết nối các chuỗi cung ứng khu vực.
Việc này, theo Thủ tướng, nhằm đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại - đầu tư, ổn định tài chính, mở cửa thị trường, nâng cao hiệu quả lưu chuyển, cung ứng hàng hóa, dịch vụ, cũng như xây dựng các sáng kiến kết nối kinh tế.
Hai là, tranh thủ các động lực tăng trưởng mới. Thủ tướng nhấn mạnh cần khai thác tốt các tiềm năng và cơ hội hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, điện toán đám mây, Internet vạn vật...
Ba là, tự cường trước thiên tai và biến đổi khí hậu. Thủ tướng đề nghị ASEAN+3 đẩy mạnh hợp tác quản lý thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, tăng cường khả năng chống chịu cho cộng đồng, ưu tiên cao hơn cho hợp tác chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đề nghị Úc cấp thêm học bổng cho sinh viên các nước ASEAN
Hội nghị Cấp cao ASEAN - Úc lần thứ 4 cũng diễn ra cùng ngày.
Với kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Úc đạt 94,4 tỷ USD và đầu tư FDI từ Úc vào ASEAN đạt 1,6 tỷ USD vào năm 2023, các lãnh đạo nhấn mạnh sẽ đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai bên phát triển thực chất, hiệu quả và cùng có lợi.
Hai bên cũng sẽ phối hợp thực hiện các cam kết và sáng kiến, trong đó có Sáng kiến Tương lai Úc vì ASEAN trị giá 204 triệu đô-la Úc và Quỹ tài trợ đầu tư Đông Nam Á trị giá 2 tỷ đô-la Úc.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese cam kết tăng cường hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực nhằm ứng phó các thách thức, nắm bắt các cơ hội, cùng xây dựng một khu vực kết nối chặt chẽ hơn, tự cường hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong bài phát biểu tại đây đã đề nghị hai bên tăng cường phối hợp chiến lược vì hòa bình và ổn định tại khu vực.
Theo ông, hai bên cần phối hợp tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam định hướng hai bên cần khai thác hiệu quả các tiềm năng kinh tế có tính bổ trợ cao, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa đối với các mặt hàng nông sản, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Hoan nghênh Úc hỗ trợ phát triển tiểu vùng Mekong, Thủ tướng đồng thời cảm ơn Úc ưu tiên hỗ trợ vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam phát triển "thuận thiên", thích ứng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị cần tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục, đào tạo. Ông kỳ vọng Úc cấp thêm học bổng cho sinh viên các nước ASEAN và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hoài Thu (Từ Vientiane, Lào)