Áp dụng phương pháp không ai ngờ, lão nông biến đất sa mạc thành rừng

Thảo Lê

(Dân trí) - Vận dụng phương pháp của tiền nhân, lão nông Yacouba Sawadogo đã làm được điều không ai ngờ tới.

Yacouba Sawadogo là một nông dân ở Burkina Faso. Khu vực phía bắc của quốc gia châu Phi này nằm trọn trong vùng bán khô hạn Sahel, giữa sa mạc Sahara ở phía bắc và đồng cỏ Savanna Sudanian ở phía nam.

Sinh ra và lớn lên ở Burkina Faso, ông Sawadogo đã tận mắt chứng kiến những hậu quả mà vấn đề khí hậu gây ra với ngôi làng của mình. Những cơn mưa ngày càng trở nên hiếm hoi, cùng với việc trồng trọt, chăn thả quá mức và sự gia tăng dân số nhanh chóng đã khiến đất đai nơi đây bị xói mòn và khô hạn trong nhiều thập kỷ.

Áp dụng phương pháp không ai ngờ, lão nông biến đất sa mạc thành rừng - 1

"Khu rừng mà bạn thấy ngày nay thực sự đã từng là một sa mạc. Bạn thậm chí không thể tìm thấy một bóng cây nào ở đây" (Ảnh: RLA).

Việc sinh sống ngay cạnh sa mạc khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi người dân bị thiếu nước uống, thậm chí chết đói vì không thể trồng được lương thực. Nhiều người rời làng tìm nơi ở mới nhưng ông Sawadogo đã chọn ở lại. Những năm 1980, nhận thấy biện pháp ngăn sa mạc hóa của chính quyền không mang lại kết quả, ông đã quyết định tự mình giải quyết vấn đề bằng hai phương pháp canh tác cổ xưa.

Zaï là một kỹ thuật canh tác truyền thống thường được áp dụng ở phía tây Sahel. Về bản chất, người ta sẽ đào hố trên mặt đất để lưu trữ nước mưa. Mỗi hố có độ sâu từ 5-15cm và đường kính từ 15-50cm. Phân xanh sẽ được rải vào hố để tăng nồng độ chất dinh dưỡng trong đất. Sau đó, hạt giống hoặc cây sẽ được trồng trong các hố này.

Kỹ thuật còn lại mà ông Sawadogo sử dụng là đắp gờ đá. Giống như Zaï, kỹ thuật này nhắm tới việc sử dụng nước mưa để chống sa mạc hóa. Trong khi các hố Zaï thu gom nước mưa, các gờ đá ngăn chặn nước mưa bị lãng phí bằng cách làm chậm dòng chảy của chúng, kéo dài thời gian lượng nước này ngấm vào đất.

Áp dụng phương pháp không ai ngờ, lão nông biến đất sa mạc thành rừng - 2

Lão nông 75 tuổi và hành trình trồng rừng phi thường (Ảnh: RLA).

Chính vì sự kì lạ của hai phương pháp này mà ông Sawadogo đã vấp phải vô số lời gièm pha, giễu cợt từ chính những người dân trong làng. Họ cho rằng ông bị mất trí khi dám mơ tưởng đến việc trồng cây trên sa mạc dù ngay cả các nhà khoa học và nhiều tổ chức phát triển cũng đã lắc đầu chịu thua. Nhiều người thậm chí đã phản ứng tiêu cực bằng cách đốt cây của Sawadogo. Nhưng ông vẫn kiên trì, và cuối cùng đã thực sự làm được điều tưởng chừng như không thể.

Ông Sawadogo đã tự mình tạo nên một ốc đảo rộng 60ha giữa sa mạc, với sự phong phú của các loài thực vật và mùa màng bội thu - điều gần như không tồn tại ở ngôi làng của ông 40 năm trước.

Áp dụng phương pháp không ai ngờ, lão nông biến đất sa mạc thành rừng - 3

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), lượng mưa lưu trữ trong các hố Zaï làm tăng sản lượng cây trồng lên tới 500% (Ảnh: RLA).

Lão nông 75 tuổi không ngừng nghiên cứu cải tiến phương pháp qua từng năm, đồng thời cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ngay tại nông trang của mình cho nông dân địa phương và cả những vùng lân cận.

Người ta ước tính rằng, áp dụng phương pháp của Yacouba Sawadogo, người dân Burkina Faso đã biến hơn 10.000ha đất hoang ở vùng rìa sa mạc thành đất nông nghiệp xanh tốt. Con số đó chắc chắn sẽ không dừng lại khi nhiều quốc gia láng giềng đang bắt đầu học tập áp dụng.

Áp dụng phương pháp không ai ngờ, lão nông biến đất sa mạc thành rừng - 4

Ông Sawadogo cho biết sẽ tiếp tục trồng cây.Ông nói: "Nếu không có cây cối và đất đai không được bảo vệ, đó sẽ là một thảm họa" (Ảnh: Reuters).

Theo một nghiên cứu năm 2018 được đăng trên tạp chí Bền vững, việc áp dụng Zaï và các phương pháp bảo tồn đất, nước tương tự trên khắp Burkina Faso trong gần 4 thập kỷ qua đã giúp cải thiện an ninh lương thực, mực nước ngầm, độ che phủ rừng và đa dạng sinh học, giúp người dân thoát nghèo.