1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Áp chuẩn mới, TPHCM tăng số hộ nghèo

(Dân trí) - Đến cuối năm 2008, TPHCM đã cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2 (thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm). Nhưng theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2009 - 2015, tính đến tháng 3/2009, toàn TP có khoảng 172 nghìn hộ nghèo.

Áp chuẩn mới, TPHCM tăng số hộ nghèo - 1
Nhiều đối tượng cận nghèo theo tiêu chuẩn giai đoạn 2 trở thành nghèo theo chuẩn mới

 

Đầu năm 2008, TPHCM có gần 100.000 hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2. Tuy nhiên, trong vòng 1 năm, các ban ngành chức năng thành phố đã giúp hơn 80.000 hộ thoát nghèo. Ngoài nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, trong năm 2008, bằng nhiều hình thức vận động như: tổ chức ca nhạc từ thiện, đi bộ, diễu hành... thành phố đã vận động được gần 140 tỉ đồng từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để chăm lo, hỗ trợ cho các hộ nghèo.

 

Tính đến cuối năm 2008 thì thành phố chỉ còn hơn 3.000 hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2, chiếm 0,24% dân số của thành phố, tức là đã cơ bản không còn hộ nghèo. Như vậy, thành phố đã hoàn thành công tác xóa nghèo giai đoạn 2 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần VIII đề ra trước 2 năm.

 

Trong khi chuẩn nghèo cả nước hiện nay đang áp dụng cho giai đoạn 2006-2010 là những người có thu nhập bình quân từ 200.000-260.000 đồng/tháng, TPHCM mạnh dạn điều chỉnh nâng mức chuẩn nghèo của thành phố giai đoạn 2009-2015 lên gấp đôi. 

 

Cụ thể, chuẩn nghèo mới của TPHCM theo tiêu chí thu nhập bình quân là dưới 12 triệu đồng/người/năm ở các quận nội thành, dưới 10 triệu đồng/người/năm ở các huyện ngoại thành.

 

Theo lãnh đạo thành phố thì với thu nhập bình quân đầu người tại TPHCM đạt trên 2.500 USD/người/năm thì chuẩn nghèo 6 triệu đồng/người/năm không còn phù hợp thực tế. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Lê Hiếu Đằng cho chuẩn nghèo mới là hợp lý hơn. Vì tại thành phố đắt đỏ nhất nước này thì thu nhập 500 ngàn đồng/tháng không thể sống nổi chứ không phải là nghèo.

 

Theo chuẩn nghèo mới này, tính đến nay, toàn thành phố có khoảng 172 nghìn hộ nghèo; trong đó có hơn 3.000 hộ có thu nhập bình quân dưới 6 triệu đồng/người/năm. Như vậy, số hộ nghèo của thành phố đã tăng hơn 50 lần không phải vì suy giảm kinh tế mà vì nâng chuẩn nghèo.

 

Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2015 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới, thành phố đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo thông qua Quỹ Xóa đói giảm nghèo, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất (Quỹ 156); mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, hộ nghèo; miễn 100% học phí và tiền cơ sở vật chất cho học sinh thuộc hộ nghèo…

 

Đến nay, Quỹ xóa đói giảm nghèo thành phố có trên 210 tỷ đồng; đang sử dụng trợ vốn cho 42.800 hộ nghèo và cận nghèo với tổng dư nợ trên 184 tỷ đồng. Quỹ 156 đã xét duyệt 87 dự án vay vốn sản xuất kinh doanh với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.300 lao động…

 

Ngoài ra, thành phố cũng đã xét duyệt 252 đơn xin miễn giảm học phí cho học sinh - sinh viên với tổng số tiền 124 triệu đồng, duyệt cấp gần 35.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 190 nghìn người nghèo.

 

Tùng Nguyên