1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ảo tưởng Hà Nội là ốc đảo trong đồ án quy hoạch chung

(Dân trí) - Xung quanh việc dự báo dân số thủ đô với chủ trương từ 2010-2020, Hà Nội khống chế dân nhập cư vào thành phố, chủ nhiệm UB pháp luật Nguyễn Văn Thuận nghi ngại: “Chúng ta đang đặt ảo tưởng Hà Nội là một ốc đảo có hợp lý không?”.

Ảo tưởng Hà Nội là ốc đảo trong đồ án quy hoạch chung - 1

 
Quốc hội làm tư vấn cho Thủ tướng?

Đặt vấn đề đồ án quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 không phải văn bản trình QH quyết định mà chỉ thảo luận, cho ý kiến để Thủ tướng phê duyệt, trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng cần xem lại tính pháp lý của quy trình.

Ông Vượng đề nghị đối chiếu với quy định về các dự án trọng điểm quốc gia cần QH quyết định để xem xét đồ án quy hoạch có số vốn dự tính tới 90 tỷ USD này.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển lập tức tiếp lời: “Đưa ra trình QH nhưng không phê duyệt mà chỉ cho ý kiến thì nghĩa là QH làm tư vấn cho Thủ tướng?”.

Chủ nhiệm UB kinh tế (cơ quan thẩm tra đồ án) Hà Văn Hiền “đính chính”, việc Chính phủ lập quy hoạch chung về xây dựng thủ đô, QH không phê duyệt mà thẩm quyền thuộc Thủ tướng là phù hợp luật quy hoạch đô thị.

“Đây là đồ án quy hoạch chứ chưa phải dự án đầu tư nên không nằm trong phạm vi điều chỉnh của nghị quyết 66” - ông Hiền nhấn mạnh.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cũng giải thích, nội dung đồ án quy hoạch và việc tổ chức thực hiện quy hoạch là 2 phạm trù khác nhau. Đơn vị xây dựng đồ án nêu ra lộ trình, kinh phí, mô hình là để… ước lượng. ông Quân xác nhận các đại biểu nghi ngại xác đáng về việc tính toán đã đúng chưa, “vẽ thì đẹp nhưng có làm được không”.

Theo liên danh tư vấn quốc tế PPJ, đồ án dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2010 đến 2050 khoảng 90 tỷ USD, trong đó khung hạ tầng chiếm 40-50% tổng vốn. Như vậy đến 2030 có từ 20-30 tỷ USD đầu tư vào xây dựng khung hạ tầng.

UB kinh tế lưu ý, cần tính tới đặc điểm của đầu tư xây dựng là chi phí thực tế sẽ gia tăng rất lớn so với dự toán. Mặt khác, trong đầu tư xây mới về hạ tầng thời gian gần đây ở Hà Nội thì tới 80% chi phí dành cho bồi thường GPMB. Cơ quan thẩm định yêu cầu tính toán, làm rõ tính khả thi khi xây dựng tổng vốn xây dựng hạ tầng khung.

Chủ nhiệm UB tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích, đơn vị làm quy hoạch chủ trương “lấy đất nuôi công trình” và nguồn vốn từ ngân sách chung. Nguồn ngân sách khó khả quan vì Hà Nội trung bình mỗi năm thu khoảng 72.000 tỷ đồng, tốc độ tăng thu khoảng 15-20%, cũng chỉ đủ chi thường xuyên, đầu tư phát triển hạ tầng hoàn toàn phải đi vay.

Ông Hiển lo lắng lấy đâu khoản ngân sách “bù” thêm cho Hà Nội trong khi sắp tới cả nước phải dồn vốn cho nhiều công trình lớn như nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, đường cao tốc Hà Nội - TPHCM.

“Dự báo” tách biệt trung tâm chính trị và hành chính

Về trục Thăng Long và tượng đài Độc lập, UB kinh tế cho rằng đây là một điểm nhấn quan trọng trong đồ án quy hoạch, sẽ là trục phát triển trung tâm của Hà Nội sau này. Cần làm rõ ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng trục vì hiện đã có khá nhiều trục song song với trục này (chỉ cách trục 4km đã có đường cao tốc Láng - Hòa Lạc).

Về trung tâm hành chính quốc gia mới, báo cáo thẩm tra của UB kinh tế cho rằng nếu đặt ở Ba Vì thì không phù hợp cả về mặt lịch sử, văn hóa và quốc phòng an ninh. Hướng ý kiến khác đề nghị không tách biệt trung tâm hành chính quốc gia khỏi trung tâm chính trị vẫn ở khu vực Ba Đình. Đồ án chưa thể hiện rõ nét, kể cả bằng lời sự gắn kết giữa trung tâm hành chính và trung tâm chính trị hiện nay.

Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng nêu quan điểm, khi quyết định xây dựng nhà QH đúng vị trí cũ, đối diện lăng Bác có nghĩa trung tâm chính trị quốc gia rõ ràng xác định ở Ba Đình. Ông Vượng hỏi nguyên lý tách 2 khối cơ quan chính trị - hành chính ra 2 đầu gánh.

Chủ nhiệm UB an ninh quốc phòng Lê Quang Bình cũng phân tích, hệ thống chính trị bao gồm Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức xã hội phải gắn với nhau, không nên tách ra.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đỡ lời: “Trong phạm vi đồ án này chúng tôi chỉ đặt vấn đề có một quỹ đất dự trữ ở Ba Vì vì chủ trương mở rộng đô thị về phía tây nên trong tương lai, sau năm 2030, chuyển một số cơ quan hành chính lên đó”. Ông Quân lý giải đó là bước dự báo khi làm quy hoạch.

Chủ nhiệm UB pháp luật Nguyễn Văn Thuận đặt quan tâm xung quanh việc dự báo dân số thủ đô với chủ trương từ 2010-2020, Hà Nội khống chế dân nhập cư vào thành phố, đến 2030 giảm 25 vạn dân nội đô. “Chúng ta đang đặt một ảo tưởng Hà Nội là một ốc đảo có hợp lý không?” - ông Thuận nghi ngại.

Bộ trưởng Xây dựng phân trần, tốc độ tăng dân số cơ học lớn quá, đến 3%, thì dù có tiền cũng không thể đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Đô thị lõi Hà Nội phải khồng chế từ 7,4-7,8 triệu dân thì mới đáp ứng đủ đồng bộ hạ tầng và phải điều chỉnh bằng các giải pháp thì phải giữ được bằng các giải pháp kinh tế xã hội, không thể làm được bằng giải pháp hành chính. Xây các đô thị vệ tinh, ngăn cách bằng vành đai xanh để giãn dân là giải pháp đặt ra trong đồ án.

P. Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm