TPHCM:

"Áo mới" cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

(Dân trí) - Sau nhiều lần trễ hẹn, dự án cải tạo dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang dần bước về đến đích. Một màu áo xanh tươi đang dần phủ lên dòng kênh đen nổi tiếng nhất Sài Gòn trong thế kỷ 20.

"Áo mới" cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - 1

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang dần được phủ xanh

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ xưa vốn gồm 2 đoạn: kênh Nhiêu Lộc kéo dài từ đường Lê Bình cho đến cầu Thị Nghè và rạch Thị Nghè kéo dài từ cầu Thị Nghè đến sông Sài Gòn. Trong đó, cái tên rạch Thị Nghè có lẽ nổi tiếng hơn vì nó đi vào nhiều tài liệu lịch sử và những câu chuyện dân gian với các công trình nổi tiếng như cầu Thị Nghè, xưởng Chu Sư (nay là xưởng Ba Son)…

Từ khi chúa Nguyễn Phúc Ánh xây thành Gia Định, rạch Thị Nghè đã trở thành một địa danh quan trọng của vùng đất này. Vì nó cùng với dòng sông Sài Gòn chính là hai dòng nước tạo thành góc bù bảo vệ cho thành Gia Định, nước hào bao quanh thành cũng được dẫn vào từ rạch Thị Nghè, đầu rạch Thị Nghè cũng được chọn để xây dựng xưởng sửa chữa tàu chiến của thủy quân nhà Nguyễn gọi là xưởng Chu Sư…

Con rạch Thị Nghè cũng là địa giới tự nhiên tách biệt vùng nội thành và nông thôn của thành Gia Định. Cho đến nay, rạch Thị Nghè cũng vẫn là địa giới tự nhiên tách biệt khu trung tâm TP với các quận ngoại thành.
 
"Áo mới" cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - 2

Con kênh Nhiêu Lộc ngày xưa vốn rất dài, kéo từ khu vực Bàu Cát (Tân Bình) cho đến rạch Thị Nghè. Trải qua bao năm tháng, dòng kênh này bị tự nhiên và con người bồi lấp dần. Đến những năm giữa thế kỷ 20, khi con đường Lê Bình thành hình thì dòng kênh này có hình dạng như ngày nay, bị chắn ngang ở đầu nguồn và không có dòng nước tự nhiên cung cấp, trở thành một cái hồ dài và ô nhiễm dần thành dòng kênh nước đen nổi tiếng khắp Sài Gòn.

Vì kênh Nhiêu Lộc và rạch Thị Nghè nối thông nhau, đen thối như nhau nên lâu dần người ta gọi chung cả dòng nước kéo dài từ đường Lê Bình đến sông Sài Gòn là kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Những năm cuối thế kỷ 20, dân tứ xứ đổ về Sài Gòn cũng lấn chiếm, cất nhà dọc 2 bờ kênh, vô tư thải nước sinh hoạt, rác rến xuống dòng kênh này khiến con kênh càng nhếch nhác, dơ bẩn.

Đến đầu thế kỷ 21, TPHCM quyết tâm xóa sổ dòng kênh đen, thúi và nhếch nhác này. Dân cư ven bờ kênh được di dời, xây dựng hai tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa khang trang. Nước dòng kênh cũng được lên kế hoạch xanh hóa bằng Dự án Vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Lúc khởi công, TP dự kiến sẽ hoàn tất dự án vào năm 2007, nhưng vì nhiều lý do, dự án liên tục trễ tiến độ. Đến nay, tiến độ dự án đã nhiều lần được gia hạn và trễ gần 5 năm so với kế hoạch ban đầu khiến không ít người dân thất vọng.

Tuy nhiên, đến hôm nay thì kế hoạch xanh hóa dòng kênh này đã dần đến đích, dòng kênh đang được khoát tấm áo mới xanh tươi. Lãnh đạo UBND TP cũng đã hứa trước tháng 9 năm nay dự án sẽ hoàn tất. Việc biến dòng nước đen kịt trong cả thế kỷ qua thành dòng nước xanh trong thì còn phải chờ thêm một thời gian nữa. Có lẽ chỉ vài năm nữa thôi, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ trở mình thành một hình tượng mới trong lòng người Sài Gòn, trở lại làm cô thiếu nữ mỹ miều xanh mát như ngày xưa…

Dân trí xin giới thiệu đến bạn đọc những tấm áo mới xanh tươi đang dần được phủ lên dòng kênh nổi tiếng này:

"Áo mới" cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - 3

Tùng Nguyên – Trung Kiên