Kiên Giang:
Anh trưởng ấp nghèo mua máy vi tính gõ đơn hộ bà con
(Dân trí) - Khi giữ chức Trưởng ấp Giồng Kè, anh Danh Hậu thấy việc sử dụng máy vi tính là có ích nên anh dành dụm mua một máy tính để bàn. Sau một năm mày mò tự học, anh biết làm báo cáo, làm đơn cho bà con và tìm kiếm thông tin cần thiết trên mạng….
Tại đập ngăn mặn Bình Giang 1 (cũng là nơi sinh sống của vợ chồng anh Danh Hậu), anh Danh Hậu kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này nên phần nào hiểu được cuộc sống cơ cực của bà con nơi đây, nhất là việc học hành. Phải nói gia đình nào đủ ăn lắm mới dám cho con đi học và đứa nào ham học lắm mới bám con chữ được… Còn nếu không chỉ lớp 6 -7 là bỏ học”.
Nói xong anh Danh Hậu quay mặt vào chiếc máy vi tính gõ “lọc cọc” lá đơn xin học bổng cho một học sinh thuộc gia đình khó khăn trong ấp. Anh Danh Hậu nói, ở ấp này có 546 hộ thì đến 193 hộ nghèo và đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 30% dân số. Đời sống bà con còn nhiều khó khăn, đã vậy năm nay còn gặp cảnh mất mùa vì lúa bị xâm ngập mặn.
Anh Hậu mở danh sách các hộ có lúa bị thiệt hại trong ấp Giồng Kè cho chúng tôi xem. Theo danh sách có cả 100 hộ bị thiệt hại do hạn mặn với tổng diện tích trên 800 ha, mức thiệt hại từ 50 – 100%. Bảng thống kê bằng Exel đàng hoàng. Ngoài ra anh Danh Hậu còn in ra một bản cho chúng tôi xem.
Nói về “cái duyên” biết sử dụng máy vi tính, anh Danh Hậu cho biết, trước đây dù quyết tâm học chữ đến cùng nhưng vì cuộc sống khó khăn nên anh chỉ học đến hết lớp 9 rồi nghỉ. Khi lập gia đình theo nghề biển, chăn nuôi… làm đủ thứ nghề lo cho gia đình. Đến năm 2010, anh Hậu được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng ấp Giồng Kè.
Từ chức vụ nhỏ bé này, anh có dịp đi đây đi đó, khi ra xã, lên huyện… rồi anh Hậu thấy công dụng của máy vi tính rất hay, nhất là những lần thống kê dân số, làm báo cáo vụ mùa, họp dân, hòa giải… toàn viết tay thấy khó coi và việc lưu trữ cũng khó. Đặc biệt, anh Hậu thấy bà con trong ấp mỗi lần làm đơn từ gì đều phải đi thuê, tốn từ 50.000 – 100.000 đồng.
Năm 2015 anh Danh Hậu lấy tiền dành dụm từ mấy đàn gà, vịt của vợ mua một chiếc máy vi tính để bàn, mua thêm USB 3G (thiết bị hỗ trợ kết nối internet) rồi lên mạng mày mò học sử dụng vi tính, học sử dụng Word, Exel…
Anh Danh Hậu nói: “Khi mua máy về, người bán máy đã chỉ mình cách khởi động và tắt máy, cách mở, đóng chương trình… trong đó chương trình “Google” là tôi thích nhất vì cái gì cũng có trên đó. Chương trình Word, Exel tôi học qua giáo trình do mấy em ở xã cho. Những điều không hiểu, không làm được tôi ra hỏi các em và được chỉ dạy trực tiếp trên máy vi tính. Sau này mình biết chút ít rồi thì không phải vất vả chạy ra tận xã hỏi nữa mà lên “Google” để học”.
Đang lúc nói chuyện, anh Danh Giang – một công an viên đến nhờ anh Hậu soạn hộ lá đơn “Xin ngân hàng khoanh nợ, vì lúa mất mùa do hạn mặn”… Anh Danh Giang chia sẻ: “Anh em làm việc trong ấp cũng như bà con nơi đây rất quý trọng anh Danh Hậu từ trong công việc, cuộc sống, nhất là việc anh tự mày mò học cách sử dụng máy vi tính. Nhờ đó, anh em làm việc trong ấp, bà con cần làm cái đơn đến nhờ anh 5 -10 phút là xong khỏi phải chạy ra tận xã, vừa tốn tiền, có khi nội dung không phù hợp”.
Còn ông Danh Hương (80 tuổi) - ấp Giồng Kè cho biết “Mới rồi lúa chết khô hết vì hạn mặn, mấy đứa nhỏ đi lên thành phố xin việc nên có đến nhà chú Hậu, nhờ chú làm cái đơn xin việc, chú chẳng lấy tiền công, tiền điện gì hết. Vì hồi nào tới giờ chú vẫn cư xử như vậy với bà con, bà con quý chú lắm và cũng là tấm gương cho mấy cháu học sinh, có học, có hành… mới giúp được bản thân và cho dân”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Út – Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho biết: “Xã Bình Giang có 10 ấp trong đó chỉ có anh Danh Hậu – Trưởng ấp Giồng Kè là biết sử dụng máy vi tính. Do vậy, ủy ban đánh giá rất cao tinh thần tự học hỏi của anh. Nhất là việc anh hỗ trợ bà con trong việc soạn đơn miễn phí, hỗ trợ các đồng chí trong ấp làm báo cáo… Đây là một tấm gương cho các đồng chí cán bộ cấp ấp trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, nâng cao hiểu biết qua intenet”.
Anh Danh Hậu có vợ và 2 con (cháu lớn học lớp 6, cháu nhỏ học lớp 1), vợ chồng anh không làm ruộng. Anh Hậu làm tưởng ấp và giữ đập ngăn mặn, vợ anh ở nhà nuôi gà, vịt… cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên anh Hậu không chấp nhận vì nghèo mà để mình tụt hậu.
Lúc chúng tôi chuẩn bị ra về, một người dân đi chân đất đến hỏi anh Danh Hậu: "Đất tôi bị thiệt hại trên 70% có được hỗ trợ không và nếu được hỗ trợ thì được bao nhiêu tiền?" Anh Danh Hậu lấy ghế mời bác nông dân ngồi rồi nhanh nhẹn lên máy vi tính gõ từ khóa “mức hỗ trợ lúa bị thiên tai”…
Nguyễn Hành