"Anh nuôi" trên những chuyến tàu Tết
(Dân trí) - “Ngày Tết, mặc dù công việc bề bộn, có lúc hoa mắt nhưng thấy khách khen ngon, nhất là lời khen đó đến từ những đồng hương thì rất vui”, anh Đào Cao Thanh, Tổ trưởng tổ phục vụ ăn uống trên tàu SE16 tuyến từ Sài Gòn đi Vinh tâm sự, hôm 30 Tết.
Lặng lẽ trên chuyến tàu 30 Tết
17h30 ngày 14/2 (tức 29 Tết), tàu SE16 tuyến Sài Gòn - Vinh về tới ga Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tàu SE16 là tàu tăng cường cho đợt cao điểm Tết Mậu Tuất khi nhu cầu đi lại tăng cao do đoàn tiếp viên Trạm tiếp viên đường sắt Vinh (thuộc Chi nhánh vận tải đường sắt Vinh) phụ trách. Tàu xuất phát lúc 9h45 tại ga Sài Gòn ngày 29 Tết và dự kiến về đến ga Vinh 17h43 ngày 30 Tết.
Ngày Tết, hành khách lên tàu đông đúc nên vì thế lực lượng nhân viên cũng khá tất bật, thậm chí có lúc "mướt mồ hôi". Anh Đào Cao Thanh, Tổ trưởng tổ phục vụ ăn uống cho biết, chuyến tàu Tết ngày cuối cùng của năm, tàu mang theo 15 thùng mì tôm (loại mì tôm cốc), 30 thùng nước uống (loại 355ml), 50kg mì tôm cân, 120kg gạo cùng nhiều thực phẩm thiết yếu khác phục vụ nhu cầu ngày Tết.
7 năm làm công việc nấu ăn trên tàu nhưng có lẽ những dịp Tết là kỷ niệm khó quên với anh Thanh. Công việc “anh nuôi” thường bắt đầu từ 3h30 sáng để chuẩn bị đồ ăn sáng cho hành khách.
“Chuyến này, lực lượng bếp có 8 anh em, đều là những người rành việc, tâm huyết. Ngày Tết, mặc dù công việc bề bộn, có lúc hoa mắt nhưng thấy khách khen ngon, nhất là lời khen đó đến từ những đồng hương của tôi thì rất vui”, người đàn ông quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh chia sẻ.
Đến giờ chia suất cơm, khoang căng tin trên tàu rộn rã tiếng cười nói của anh em nhân viên và hành khách. Không ai bảo ai, mỗi người một việc chia từng phần ăn và mang tới tận tay khách.
“Ban đầu tôi cũng nghĩ ăn cơm trên tàu sẽ không ngon nhưng một số người đi ăn xong bảo cơm sạch sẽ, ngon cực nên tôi đăng ký ngay. Tôi nghĩ, tâm lý ngại cơm tàu nên được thay đổi bởi ngành đường sắt đã có những cố gắng, đổi mới nhất định trong vài năm qua”, một người đi tàu chia sẻ.
10 năm ăn Tết trên tàu hỏa
Trưởng tàu SE16 - Phan Tất Khánh (SN 1969), người có 29 năm phục vụ trong ngành đường sắt, trong đó có 10 năm đón giao thừa, ăn tết trên tàu hỏa. Chia sẻ về lý do đi theo ngành đường sắt, anh Khánh kể: Bố anh ngày trước từng là trưởng ga Vinh và bản thân ông muốn hướng con mình trở thành sỹ quan trong quân đội. Tuy nhiên, dù vượt cả nghìn cây số vào đến trường học (định hướng học chỉ huy lái xe) tại tỉnh Sông Bé (cũ) nhưng anh lại không “bén duyên”.
“Ngày ấy, điều kiện gia đình tôi còn khó khăn và tôi cũng thương mẹ tần tảo, vất vả nên bỏ về. Sau đó, tôi học đường sắt tại Đà Nẵng và đến cuối năm 1988 ra trường về làm tại ga Chợ Sy, Nghệ An”, anh hồi tưởng.
Anh Khánh tâm sự nghề đi tàu thường hay xa gia đình nên ở nhà vợ anh một tay quán xuyến, chăm sóc các con trong gần 30 năm qua. 2 con trai của anh Khánh nay đã lớn, một du học tại Nga đã về nước đi làm cho một tập đoàn viễn thông, còn đứa út đang là sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Năm nay, tối 30 Tết, tôi mới về tới nhà nên không mua sắm gì kịp. Các con tôi được như hôm nay là do một tay vợ tôi mà nên. Tôi nghĩ rằng, vợ của những người đi tàu là những người đảm đang nhất”, anh nói.
Trên chuyến tàu SE16 tạm dừng tại ga Huế lúc 8h44 ngày 30 Tết, chúng tôi cũng bắt gặp câu chuyện khá xúc động của nhân viên Hoàng Ngọc Ánh. Tranh thủ lúc tàu dừng tại ga, vợ anh Ánh đưa 2 con nhỏ lên đoàn tụ cùng anh để về Tuyên Hóa (Quảng Bình) ăn Tết cùng gia đình bên chồng.
Gặp vợ con ngày 30 Tết trên sân ga, anh Ánh ôm chặt con gái 2 tuổi, hạnh phúc khôn nguôi. “Mọi năm vợ chồng tôi ăn Tết ở Huế nhưng năm nay tranh thủ có chuyến tàu nên về quê nội ăn Tết”, anh tâm sự.
Cứ thế, chuyến tàu 30 Tết – SE16 băng băng chuyển bánh trên đường ray, lần lượt dừng lại tại các ga ở bắc miền Trung để đưa mọi người về quê, đón một cái Tết sum vầy, ấm áp bên gia đình!
Viết Hảo