Gia Lai:
Anh nông dân vay nợ lãi để sưu tầm cổ vật
(Dân trí) - Vì đam mê, tiếc nuối những nền văn hóa đã và đang dần bị mai một, anh Hưng đã liều lĩnh đi vay nợ lãi để mua những cổ vật của người địa phương về lưu giữ.
Nhiều người nói anh Nguyễn Văn Hưng (44 tuổi, trú xã Ia Kly, Chư Prông, Gia Lai) là "khùng" bởi việc làm “không bình thường” của anh. Hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, công việc mưu sinh vất vả bằng nghề làm nông và đập đá hộc, nhà cửa xập xệ, tạm bợ, vậy mà anh Hưng vẫn thường xuyên bỏ công sức và vay tiền lãi để đi sưu tầm cổ vật.
Anh Hưng cho biết, anh vốn quê ở tỉnh Tuyên Quang, năm 2000, anh vào xã Ia Kly lập nghiệp bằng nghề đập đá hộc để lấy đá bán cho người ta xây móng nhà. Gần nơi anh ở có 1 con suối vẫn còn tập trung khá nhiều đồ đá được đánh giá là có từ thời tiền - sơ sử. Vốn là người hay hoài niệm về quá khứ, thích tìm hiểu về văn hóa lịch sử xa xưa của loài người nên anh Hưng đã nhặt nhạnh những cổ vật bằng đá này về cất. Sau đó, anh tìm kiếm kiến thức về những cổ vật này thông qua sách, báo, ti vi… cộng với những kinh nghiệm từ nghề đập đá hộc của mình, anh Hưng đã mường tượng ra rất nhiều điều về ý nghĩa của các công cụ bằng đá mà người ngày xưa đã chế tác ra. Khi đã hiểu sâu hơn về chúng thì sự đam mê trong anh Hưng càng mạnh mẽ hơn.
Gia Lai vốn là vùng đất đang tồn tại rất nhiều nét văn hóa đặc trưng lâu đời của người J’Rai, Bahnar… như cồng, chiêng, ghè cổ, trang sức đồng, đá… tuy nhiên, những năm trở lại đây thì những nền văn hóa này đang bị “chảy máu” và mai một. Là người chứng kiến những bộ chiêng, chiếc ghè và nhiều thứ quý khác của bà con bản địa đang dần rơi vào tay những người buôn đồ cổ bán ra nước ngoài, anh Hưng không khỏi xót xa. Tuy nhiên, vừa chân ướt chân ráo vào Gia Lai lập nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng không đành lòng nhìn các cổ vật cứ mất dần vào tay các con buôn nên anh Hưng đã dùng hết số tiền mình có được và vay mượn thêm để mua chúng về.
Cứ như thế, hơn chục năm qua, căn nhà nhỏ rộng chừng vài chục mét vuông dựng bằng ván, tôn của anh Hưng đã chật kín với trên 5.000 cổ vật với đủ các loại như: cồng, chiêng, ghè, trang sức, đồ đồng, đồ đá… quý hiếm. Để có được “bảo tàng” như ngày hôm nay, anh Hưng đã hy sinh rất nhiều cuộc sống kinh tế gia đình của mình. Để mua mỗi bộ chiêng, hay chiếc ghè… anh Hưng phải từ bỏ số tiền đủ mua 1 ha đất rẫy để mua về. Không chỉ bỏ những đồng tiền kiếm được từ đập đá để mua các cổ vật, hàng năm anh Hưng còn đi vay cả trăm triệu tiền nợ lãi để lấy tiền mua chúng. Cuối năm, anh Hưng bán cà phê (5 sào) và sắn (1ha) thu hoạch được để trả nợ đã vay để đi mua đồ cổ.
Ngoài vay nợ lãi đi mua cổ vật về “đắp” nhà, anh Hưng còn bỏ thời gian đi dọc các suối, ven rừng để tìm những vật dụng bằng đá còn sót lại của người tiền sử. Việc làm “lạ” này của anh đã khiến một số người cho rằng anh bị khùng, có người còn nói nên đưa anh vào trại tâm thần. Bởi đời sống gia đình anh khá khó khăn, vợ và 2 con nhỏ vẫn còn sống thiếu thốn, chỗ sinh hoạt gia đình thì giành để đựng các cổ vật… mua về để nhà nhưng ai trả giá cao như thế nào anh Hưng cũng quyết không bán.
Anh Hưng tâm sự, việc mua được những đồ quý của người địa phương và người tiền sử đối với anh như một cái duyên đã được sắp đặt sẵn. Dù anh không hề biết tiếng của người bản địa, nhưng khi tới nhà chơi, chủ nhà thường hay mang đồ quý ra khoe với anh. Anh Hưng liền thuê 1 người trong làng biết nói tiếng phổ thông đứng ra phiên dịch để mua bán.
“Mình chỉ cần biết chỗ nào bán là mình sẽ tìm cách mua bằng được. Nếu không có tiền thì mình đi vay. Nhiều lúc bỏ tiền đầu tư mua phân cho cà phê thì mình tiếc, nhưng mua các thứ này thì bằng mọi cách dù là đi vay mình cũng mua cho bằng được. Nếu mình mà làm kinh tế, trước đây mình đã đầu tư mua nhiều đất, trồng cà phê, tiêu thì bây giờ mỗi năm thu về cả tỉ rồi. Nhưng mình nghĩ đời mình sống phải làm được cái gì có ý nghĩa dù chỉ là sống được 1 ngày, còn hơn là sống lâu mà không làm được việc gì ý nghĩa, sống mà không có đam mê”, anh Hưng bộc bạch.
Lý do mà anh Hưng sống vất vả, vay nợ lãi để sưu tầm đồ cổ mang về nhà với anh rất đơn giản: “Mình chỉ học hết lớp 7 thời trước, nhưng mình rất đam mê về đồ cổ, muốn tìm hiểu về lịch sử văn hóa loài người mà chỉ còn sót lại qua những hiện vật trên, hoặc lưu giữ những gì đang dần biến mất. Mình cũng chỉ là người giữ tạm thôi, những thứ này nó sẽ tiếp tục đến với những người phù hợp hơn để nghiên cứu và gìn giữ tốt hơn. Mình mong rằng việc làm của mình sẽ đóng góp được một chút gì đó cho xã hội”, anh Hưng tâm sự.
Dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, năm vừa rồi thu hoạch nông sản bán trả nợ nhưng anh Hưng vẫn còn nợ 30 triệu tiền vay. Tuy vậy, anh vẫn rất lạc quan và cảm thấy may mắn vì mình có một người vợ thông cảm với niềm đam mê của mình: “Mình mua giá 1 triệu thì mình về nói chỉ khoảng 150 nghìn đồng, nên cô ấy cũng bớt tiếc. Lâu dần cô ấy cũng quen nên không còn nói gì nữa”, anh Hưng cười nói.
Thiên Thư