Anh nông dân “khùng” kiếm tiền từ... bãi đất hoang
(Dân trí) - Từ đất bãi, cồn bỏ hoang bao nhiêu năm, anh Kháng đã biến nó thành một trang trại theo mô hình VAC. Ban đầu người ta bảo anh khùng, nhưng giờ "người khùng" ấy đang thu nhập hàng trăm triệu một năm.
Giữa cánh đồng hoang vu của xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, Thanh Hóa mọc lên một khu trang trại rộng lớn. Đó là trang trại của anh Lê Đình Kháng, người thôn 2A, xã Tế Thắng. Anh Kháng là người đầu tiên đến đây, khai phá mảnh đất cằn cỗi hoang vu này. Trước năm 2004, nơi đây là cánh đồng bỏ hoang không ai làm. Thấy vậy, anh Kháng xin xã đấu thầu làm trang trại.
Anh Kháng chia sẻ: “Thấy đất đai rộng rãi mà không có ai làm cũng phí nên tôi nảy ra ý định xin đấu thầu làm trang trại. Lúc đầu người trong làng ai cũng phản đối bảo tôi là thằng khùng, vợ tôi cũng thế nhưng tôi vẫn quyết tâm làm đến cùng”.
Vạn sự khởi đầu nan, vốn ít, đất đai còn hoang hóa phải cải tạo lại trong khi anh không có đồng vốn nào. Thêm vào đó là sự phản đối của người vợ và bà con lối xóm, ai cũng bảo anh làm liều. Bỏ ngoài tai những can ngăn của mọi người, anh đứng ra đi vay mượn ngân hàng, người thân trong nhà và bà con thân thích để có vốn làm ăn. Nhiều người có tiền nhưng sợ anh thua lỗ nên cũng không dám cho vay.
Chị Hường, vợ anh bày tỏ: “Nhìn thấy cánh đồng không mông quạnh, đất đai bỏ hoang đã lâu, vốn đầu tư thì không có nên tôi cũng nản lắm, thấy anh ấy quyết tâm làm nên tôi đành nhắm mắt làm liều theo thôi”.
Vốn là một trong những hộ gia đình khó khăn trong làng, nhà có 5 người nhưng chỉ biết dựa vào bốn sào ruộng. Các con anh ngày một lớn lên, rồi chúng đi học, bao nhiêu khoản phải lo, phải đóng góp cho con. Anh nghĩ không thể để cuộc sống mãi thế này được, khó khăn lại càng khó khăn hơn. Xem ti vi thấy người ta cũng hai bàn tay trắng nhưng làm giàu rất giỏi với nhiều mô hình và hình thức kinh doanh khác nhau. Thế là anh quyết định đi nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm của những người làm kinh tế giỏi về mô hình VAC rồi về áp dụng làm.
Đầu tiên, anh vay ngân hàng được 40 triệu đồng thuê người đào ao, xây dựng trang trại để nuôi lợn. Diện tích ban đầu chỉ có 1,2 mẫu đất, sau thấy đất đai còn thừa nhiều nên anh chị xin đấu thầu thêm.Sau hơn 3 năm vật lộn với cánh đồng hoang hóa, đến năm 2007, mô hình trang trại kinh tế VAC cũng hoàn thành. Anh mua bò, vịt về nuôi, kết hợp nuôi cá giống và cấy lúa. Sau một thời gian có chương trình nuôi lợn hướng nạc, anh quyết định chuyển sang nuôi lợn.
Khu trang trại của gia đình anh Kháng
Tưởng mọi khó khăn đã qua, ai ngờ chưa chăn nuôi được bao lâu thì dịch tai xanh trên đàn lợn xuất hiện, phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn với bao công sức và vốn liếng gây dựng nên.
Khó khăn lại càng khó khăn hơn, tuy nhiên không nản chí, anh quyết tâm chăn nuôi lại sau khi nạn dịch tai xanh đi qua. Anh chuyển hẳn sang nuôi lợn hướng nạc, lợn nái và lợn giống. Bên cạnh đó, anh còn kết hợp diện tích nuôi cá vào mùa nước và cấy lúa vào mùa khô.
Nhờ vào sự cần cù, chịu thương chịu khó của hai vợ chồng, cộng với những kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi nên anh được mọi người biết đến như một tấm gương làm kinh tế giỏi của xã. Trang trại của anh được nhiều cá nhân và các đơn vị khác tìm đến liên kết làm ăn, kể cả người trong thôn.
Hiện tại anh chị đã có 360 con lợn thịt, 30 lợn nái và 1 con lợn đực giống. Bên cạnh đó là 8 sào ao nuôi cá rô phi đơn tính và cá quả. Tổng diện tích đất anh chị hiện tại đang làm gần 3 héc ta. Hàng năm trừ chi phí, anh chị còn thu về được hàng trăm triệu đồng.
Có tiền nên con cái được ăn học đầy đủ, giờ đây con cái anh chị đứa đã có công ăn việc làm ổn định, đứa đang học cao đẳng Y Thanh Hóa và cô út thì đang học lớp 1.
Trước kia anh Kháng bị phản đối bao nhiêu thì giờ anh được bà con hàng xóm ủng hộ, tin cậy bấy nhiêu. Nhiều người muốn học theo anh nên cũng mở trang trại, tạo được rất nhiều công ăn việc làm cho người dân, góp phần giúp đời sống kinh tế xã Tế Thăng được nâng lên rõ rệt.
Cuộc sống gia đình anh chị giờ đây đã khá hơn trước rất nhiều, trong nhà đầy đủ tiện nghi. Công cụ phục vụ cho trang trại của anh cũng được sắm sửa đầy đủ. Hiện tại anh chị còn thuê thêm một người giúp việc để dọn dẹp vệ sinh cho trang trại.
Đứng nhìn đàn lợn đang đến kỳ xuất, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt người nông dân chân chất. Anh Kháng chia sẻ: “Vui là có đủ công ăn việc làm, thu nhập kinh tế gia đình tăng lên. Tôi đang dự định mở rộng trang trại hơn nữa, mở rộng hình thức nuôi cá quả và nuôi lợn hướng nạc”.
Lan Anh