1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

50 năm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu:

Anh ngã xuống khi tay còn nắm chắc lá cờ chỉ huy

(Dân trí) - Cưới vợ được 5 ngày, anh quay lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ. Một năm sau được về phép thì tiếng còi báo động vang lên, một tốp máy bay Mỹ tấn công vào thị xã Vinh lúc bây giờ và anh đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Di ảnh liệt sĩ Phan Đăng Cát.
Di ảnh liệt sĩ Phan Đăng Cát.

Anh Phan Đăng Cát lúc bấy giờ lao ra trận địa, chiến đấu cùng với anh em đại đội. Những giây phút giằng co với địch, anh bị thương ba lần và cuối cùng anh ngã xuống khi trên tay vẫn còn nắm một lá cờ đỏ sao vàng. Anh là một tấm gương tiêu biểu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Tấm gương anh dũng quả cảm

Ngược lại thời gian lịch sử, từ thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam Việt Nam, để đánh lừa dư luận quốc tế, quân đội Mỹ đã dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” nhằm bịa đặt, vu khống Hải quân Việt Nam tấn công tàu Hải quân Mỹ.

11h ngày 5/8, Tổng thống Mỹ Giôn - xơn xuất hiện trên truyền hình Mỹ, ra lệnh cho các lực lượng không quân tấn công miền Bắc Việt Nam trả đũa cho tàu Hải quân Mỹ bị tấn công tại Vịnh Bắc Bộ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một trong những sự kiện đã trở thành mốc son chói lọi, thể hiện tinh thần “Quyết đánh - Quyết thắng” của dân tộc ta, đó là Chiến thắng trận đầu 5/8/1964.

Tìm hiểu lịch sử Trung đoàn 280 và đồng đội cùng tham gia trận đánh ngày 5/8/1964 chúng tôi được biết liệt sĩ Phan Đăng Cát (sinh ngày 8/4/1941) tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An - là người có công lớn trong chiến thắng trận đầu. Cùng với đó là những câu chuyện cảm động rơi nước mắt về tinh thần quả cảm quên mình vì nước, vì dân của người chiến sĩ trẻ tuổi.

Những ngày đầu tháng 8 lịch sử này, chúng tôi được người em thứ 2 Phan Thái Dương xúc động kể lại câu chuyện.

Phan Đăng Cát là con trai cả trong một gia đình nông dân có 7 chị em. Nhập ngũ 1961, sau một thời gian được làm khẩu đội trưởng khẩu đội 4, Trung đội 2, Đại đội 138 pháo trung cao.

Năm 1963, anh lấy vợ người cùng xã ở tuổi 23. 5 ngày sau đám cưới anh phải trở lại đơn vị. Đơn vị đóng cách nhà 20km, một năm trời anh không về thăm nhà, thăm vợ mới cưới. Những lá thư tay viết vội trong đơn vị để kịp báo cáo tình hình, hỏi thăm sức khỏe và không quên dặn dò người em thứ hai: “Em cố gắng học thật giỏi. Anh tin em sẽ trở thành nhà Toán học của nước nhà”.

Lúc bấy giờ có nhiều dấu hiệu dự báo không quân Mỹ sẽ đánh phá miền Bắc. Đơn vị Phan Đăng Cát có nhiệm vụ bảo vệ thị xã Vinh lúc bấy giờ và phải thường xuyên trực chiến nên từ đó Phan Đăng Cát không có điều kiện về thăm gia đình, thăm vợ.

Đến ngày 5/8/1964, Phan Đăng Cát được đơn vị cho về nghỉ phép. Trưa hôm đó, sau khi ăn xong bữa cơm cùng anh em đơn vị, nhận giấy nghỉ phép và tiêu chuẩn quà phép, gói ghém ba lô, đang chuẩn bị rời đơn vị về quê thì tiếng còi báo động vang lên.

Một tốp máy bay địch tấn công vào thị xã Vinh với các mục tiêu: Kho xăng Hưng Hòa, cảng Bến Thủy và các trận địa pháo phòng không. Phan Đăng Cát đã trút bỏ ba lô, lao ra trận địa, chiến đấu cùng anh em Đại đội đánh trả quyết liệt giặc Mỹ. Sau hơn 30 phút chiến đấu, hai chiến A.4D phải đền tội. Trận đánh hôm đó quân và dân ta đã bắn rơi hai chiếc máy bay của quân đội Mỹ.

Trước khả năng máy bay địch sẽ mở đợt oanh kích mới, Phan Đăng Cát đã tình nguyện trả giấy phép không về quê nhà, chia quà phép cho anh em liên hoan rồi ra trực tiếp chỉ huy khẩu đội đánh địch. (Tờ giấy phép đang được trưng bày ở Bảo tàng quân chủng Phòng không không quân Việt Nam).

Di ảnh liệt sĩ Phan Đăng Cát.
 Em trai thứ hai của Phan Đăng Cắt, ông Phan Đăng Dương, học tập tấm gương anh dũng Phan Đăng Cát tham gia ba sẵn sàng, trở thành một y sĩ phục vụ cho dân làng.

Đúng như dự đoán, 16h30’ cùng ngày, máy bay địch đánh phá khu vực Vinh - Bến Thủy lần thứ hai. Đợt này, địch sử dụng 8 chiếc A.4D đánh "trả đũa" các trận địa pháo cao xạ của ta. Qua trận đánh đầu tiên, chúng phát hiện ra trận địa pháo trung cao của Đại đội 138 nằm ngay phía trước đội hình chiến đấu ở phía bờ Nam sông Lam, khả năng bắn máy bay thấp hạn chế, không có súng máy phòng không bảo vệ, các lực lượng phòng không khác ở bờ Bắc lại bố trí xa, khả năng chi viện hạn chế nên lần này chúng tập trung áp chế trận địa. Thủ đoạn của chúng là bay thấp, phóng rốc két và bắn đạn 20 ly vào trận địa, sau đó cất cao ngoặt nhanh ra biển để tránh đạn cao xạ. Trận địa Đại đội 138 bị trúng gần 100 quả rốc két, anh em pháo thủ thương vong khá nhiều. Tuy vậy, các anh vẫn kiên trì bám trận địa, bình tĩnh đánh trả.

Phan Đăng Cát trong vai trò là khẩu đội trưởng, với lá cờ chỉ huy trên tay, mắt dõi theo từng chiếc máy bay địch để hạ quyết tâm chính xác bắn đúng thời cơ. Hai lần bị thương do mảnh rốc két, lần thứ nhất một mảnh găm vào cánh tay, lần thứ hai găm vào đùi anh tự băng bó vết thương.

Mặc dù đứng không vững nhưng Phan Đăng Cát vẫn tựa lưng vào công sự nén đau động viên chỉ huy đồng đội bình tĩnh tiếp tục chiến đấu. Lần bị thương thứ ba, quả rốc két nổ cạnh công sự, một mảnh găm vào bụng, nhưng anh vẫn dõng dạc hô lớn: “Tiếp tục chiến đấu để bảo vệ quê hương Bác, quyết đánh đến cùng”.

Do vỡ vết thương quá nặng, máu ra nhiều nên Phan Đăng Cát đã tựa vào thành hào anh dũng hy sinh ngay trên trận địa của quê hương Bác Hồ khi trên tay còn nắm chắc lá cờ chỉ huy.

Lá cờ Phan Đăng Cát cầm chỉ huy trong trận đánh ngày 5/8/1964 hiện đang được lưu giữ trang trọng trong Bảo tàng lịch sử quân đội nhan dân Việt Nam như một chứng tích oai hùng, kiên cường của bộ đội cụ Hồ.

Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Anh mãi mãi ra đi trong chiến công đầu ngày 5/8/1964. Khẩu đội 8, Trung đội 2, Đại đội 138 và một số đại đội của Trung đoàn 280 trong trận chiến đấu đó đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ góp phần cùng chiến thắng chung của quân dân miền Bắc hạ 8 chiếc trong ngày đầu tiên đế quốc Mỹ mở cuộc tiến công bằng không quân vào miền Bắc nước ta.

Trong trận đánh đó, 5 người hy sinh, Liệt sĩ Phan Đăng Cát được Bác Hồ truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất, bốn liệt sĩ còn lại được truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhì. Năm 1967, Phan Đăng Cát là tấm gương hy sinh dũng cảm được nêu gương trong quân đội để các chiến sĩ học tập và biết ơn.

Ngày 25/7/2014, kỷ niệm 50 năm chiến thắng trận mở đầu, 6 đồng đội ở Thanh Hóa vượt đường xa vào thăm viếng mộ liệt sĩ Phan Đăng Cát rơm rớm nước mắt kể lại kỷ niệm trong quân đội: “Ngày ấy, chúng tôi mới vào lính, những bữa cơm đầu trong quân đội nhìn nhau ăn, ngại ngùng chẳng dám gắp thịt, chỉ gắp rau hay ăn cơm không. Anh Cát nhiều tuổi hơn, biết được nên trong mỗi giờ ăn luôn gắp đều thức ăn cho mỗi đồng chí. Chúng tôi luôn xem anh Cát như người anh trai trưởng, tin tưởng và thương anh Cát”. Câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, các đồng đội lặng đi khi dâng hương lên bàn thờ đồng đội, người anh trưởng của mình.

Tấm gương hy sinh của liệt sĩ Phan Đăng Cát luôn là bài học giáo dục truyền thống quý giá cho thế hệ trẻ hôm nay. Trong lòng người dân Việt Nam, Phan Đăng Cát vẫn còn sống mãi, tên anh luôn được nhắc đến trong các trang viết về lịch sử Quân chủng PK-KQ, trong các dịp kỷ niệm chiến thắng trận đầu 5/8/1964 hàng năm. Anh là tấm gương sáng chói lọi của người chiến sĩ PK-KQ Việt Nam dũng cảm, kiên cường trước bom đạn đánh phá của không quân Mỹ, góp phần làm nên biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
 
Hồi ức của người chị gái
 

Ngôi nhà khang trang do Quân chủng Phòng không - Không quân xây tặng gia đình giờ trở thành nhà thờ chung của gia đình. Di ảnh liệt sĩ Phan Đăng Cát được treo trang trọng ngay gian chính giữa, gian bên cạnh là nơi thờ tự song thân. Trong gian thờ nhỏ, tấm Huân chương chiến công hạng Nhất và những kỷ vật của đơn vị, bức tranh đồng đội, đồng chí tặng liệt sĩ Phan Đăng Cát cũng được treo ở những chỗ trang trọng nhất.

Trong tâm trí của bà Phan Thị Liệu (SN 1934) - chị cả của liệt sĩ Phan Đăng Cát, người em trai của mình rất hiền lành, ít nói nhưng lại rất quyết đoán trong mọi việc.

Anh ngã xuống khi tay còn nắm chắc lá cờ chỉ huy
Trận địa pháo phòng không của Trung đoàn 280 trong trận đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (5/8/1964) - Ảnh tư liệu.

“Cuối năm 1963, cậu ấy xin phép đơn vị về tổ chức đám cưới. Người yêu Cát là Hồ Thị Sâm, cũng ở ngay trong xã thôi. Hai đứa yêu nhau từ trước khi Cát lên đường nhập ngũ. Cô ấy hiền lành, chăm chỉ nên cả gia đình tôi hết sức ủng hộ. Tháng 10/1963 (âm lịch) Cát cưới vợ. Hai vợ chồng ở với nhau được vài ngày thì Cát phải trở lại đơn vị”, bà Liệu nhớ lại.

Vợ chồng chưa bén hơi nhau đã phải chia xa. Từ chỗ Cát đóng quân về Hưng Tân cũng độ vài chục cây số nhưng chiến sự ngày càng ác liệt, cấp trên dự tính Mỹ sẽ leo thang phá hoại miền Bắc bằng hải quân và không quân nên Cát cùng đồng đội luôn ở tư thế trực chiến, chẳng có lúc nào rảnh để ghé qua thăm nhà, thăm người vợ trẻ của mình. Thương con dâu trẻ vò võ một mình, ông Phan Đăng Cúc (bố liệt sĩ Cát) động viên con dâu vào thăm chồng. Biết đâu, lần này vào thăm hai vợ chồng lại có tin vui, có thêm đứa con, Sâm cũng đỡ tủi thân. Nhưng rồi kế hoạch ấy cũng chưa thể thực hiện được.

Anh ngã xuống khi tay còn nắm chắc lá cờ chỉ huy
Di ảnh liệt sĩ Phan Đăng Cát trong căn nhà tình nghĩa do Binh chủng Phòng không - Không quân xây tặng.

“Có lần cậu ấy đi công tác, tranh thủ ghé qua nhà được một lúc rồi đi ngay. Cậu ấy bảo tháng 8 sẽ xin cắt phép về lâu hơn, kiếm mụn con cho mự Sâm đỡ buồn. Nhưng rồi cậu ấy chẳng về nữa…”, bà Liệu nghẹn lại.

Trưa 5/8/1964, từ Hưng Tân, mọi người đều nghe tiếng máy bay, rồi tiếng bom nổ, tiếng lên lửa, đạn pháo bắn lên trời. Lo lắm, nhưng mọi người đều cầu mong Cát và đồng đội của mình bình yên. Hết bom, cuối ngày, một đồng chí của Cát ở xã bên trên đường về nhà có ghé qua thăm ông Cúc. Người đồng chí ấy bảo Cát chiến đấu anh dũng lắm và vẫn khỏe, ông bà cứ yên tâm. Nghe lời nói có vẻ ngập ngừng của người đồng chí, gia đình ông Cúc linh cảm có điều chẳng lành đã xảy ra với cát. Hai hôm sau, tin Cát tử trận về tới tận nhà. Ông Cúc thương con mà khóc đến mù cả mắt còn chị Sâm ngất lên ngất xuống vì nỗi đau quá lớn.

Anh ngã xuống khi tay còn nắm chắc lá cờ chỉ huy
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Phan Đăng Cúc - thân sinh liệt sĩ Phan Đăng Cát trong lần Đại tướng về thăm gia đình liệt sĩ.

“Sau này, khi sang thăm trận địa của đơn vị Cát, gia đình mới được kể rằng sáng 5/8, Cát được cấp trên giải quyết cho nghỉ phép nhưng do vướng một số giấy tờ nên phải ở lại đến chiều. Khi rời đơn vị được vài cây số thì thấy máy bay Mỹ đến ném bom nên quay lại, chiến đấu cùng anh em trong đơn vị. Cậu ấy bị thương 3 lần nhưng quyết không rời trận địa cho đến khi ngã xuống và hi sinh sau đó”, bà Liệu kể tiếp.

Những ngày này, căn nhà tình nghĩa do Binh chủng Phòng không - Không quân xây tặng được đón tiếp nhiều đồng đội, đồng chí ở Trung đoàn 280 năm xưa về thăm và thắp hương tưởng nhớ người anh hùng ngã xuống trong trận đầu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Trong bảng lảng khói hương trầm mặc, người chị gái của liệt sĩ nhòa lệ: “Cậu Cát hy sinh, gia đình đau đớn lắm nhưng cũng tự hào vì cậu đã thực hiện được lý tưởng vì nghĩa lớn của mình. Giá như ông trời thương cho cậu ấy có mụn con…”.

Tâm Nhi - Nguyễn Duy - Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm