1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Anh hùng Phạm Tuân đã bắn rơi máy bay B52 như thế nào?

(Dân trí) - “Khoảng 22h đêm 27/12/1972, tôi được lệnh xuất kích từ sân bay Yên Bái. Khi bay lên tôi nhìn thấy rất nhiều máy bay F4 yểm trợ cho B52 nhưng không được bắn, phải bay vòng qua. Một lúc sau tôi tiếp cận được B52, khi ở khoảng cách 3km, tôi phóng 2 quả tên lửa làm B52 nổ tung…” – anh hùng Phạm Tuân kể lại giây phút bắn rơi máy bay B52 cách đây 45 năm.

Không quân chưa bắn rơi được B52 thì vẫn còn là món nợ!

Nói về nguyên nhân vì sao phải đến giai đoạn cuối của chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” - từ tối 18/12/1972 đến ngày 29/12/1972, không quân của ta mới bắn rơi được máy bay B52 của Mỹ, trong khi đó các lực lượng khác đã bắn hạ được B52 rất nhiều, Trung tướng Phạm Tuân cho biết: Trước khi đem B52 ra đánh phá miền Bắc, Mỹ đã nghiên cứu rất kỹ lực lượng, phương tiện của chúng ta. Mỹ nắm rất rõ chúng ta có những loại tên lửa, pháo, máy bay nào… và thuộc từng sân bay của ta. Do đó, Mỹ rất tự tin mang B52 ra ném bom, đánh phá Hà Nội và các tỉnh khác vào cuối năm 1972.

Trung tướng Phạm Tuân trò chuyện với phóng viên Dân trí. (Ảnh: Nguyễn Dương).
Trung tướng Phạm Tuân trò chuyện với phóng viên Dân trí. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trung tướng Phạm Tuân phân tích thêm, máy bay B52 của Mỹ thời đó được coi là “Siêu pháo đài bay”, là một trong 3 loại vũ khí chiến lược của Mỹ lúc bấy giờ, gồm: B52, tàu ngầm nguyên tử và tên lửa hạt nhân. Đó là vũ khí chiến lược, hay còn gọi là “quả đấm thép” của Mỹ để triển khai cuộc chiến tranh hiện đại.

Máy bay B52 có thể mang được 30 tấn bom/chiếc. Mỗi khi xuất kích chiến đấu, B52 thường được nhiều máy bay khác bay cùng để yểm trợ như F4,F100, F111,... Mặt khác, hệ thống làm nhiễu sóng ra đa của các máy bay này rất tốt, nên chúng ta rất khó phát hiện ra B52 để triển khai tấn công.


Chiếc máy bay B52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 băn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) vào 20h13 đêm 18/12/1972. (Ảnh chụp lại tại Bảo tàng Phòng không - Không quân).

Chiếc máy bay B52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 băn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) vào 20h13 đêm 18/12/1972. (Ảnh chụp lại tại Bảo tàng Phòng không - Không quân).

“Mỗi lần không quân của ta xuất kích tại các sân bay chúng đều nắm được, ngoài ra hệ thống làm nhiễu của chúng rất tốt nên không quân của ta chưa thể bắn rơi được B52. Nhưng không quân đã phối hợp với lực lượng phòng không rất tốt như: không quân đánh vòng ngoài, tên lửa đánh vòng trong tại vị trí cách Hà Nội khoảng 40-50km.

Ban ngày chúng tôi bay lên để đánh tất cả các loại máy bay như F4, F100, F111 để bảo vệ hệ thống tên lửa của ta dưới mặt đất. Khi chúng tôi bay lên, đội hình của chúng phải tản ra, nhiễu sóng ra đa cũng ít đi, giúp chúng tôi bảo vệ mục tiêu dưới mặt đất, không quân đã làm tốt điều này” – Trung tướng Phạm Tuân cho biết.

Tuy nhiên, Trung tướng Phạm Tuân cũng thừa nhận, chưa bắn rơi được B52 thì không quân vẫn coi đó là món nợ, lúc bấy giờ phi công chịu sức ép tâm lý rất nặng nề.

“Vì tất cả các loại máy bay khác, không quân đều bắn rơi rồi, chỉ còn B52 thôi, đây là sức nặng đè lên không quân, trách nhiệm của phi công rất lớn. Tôi là một trong những phi công nòng cốt trong phi đội bay đó, người ta cũng đều nhìn nhận và gửi gắm vào mình nhưng chưa làm được” – Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ.

Đêm đầu tiên của chiến dịch Linebacker II, Mỹ đánh phá ác liệt các sân bay, không quân vẫn xuất kích chiến đấu. (Ảnh chụp lại tại Bảo tàng Phòng không - Không quân).
Đêm đầu tiên của chiến dịch Linebacker II, Mỹ đánh phá ác liệt các sân bay, không quân vẫn xuất kích chiến đấu. (Ảnh chụp lại tại Bảo tàng Phòng không - Không quân).

Bắn hạ B52 bằng mắt thường

Trung tướng Phạm Tuân cho biết, sau nhiều lần thất bại như vậy, lực lượng không quân mới rút ra kinh nghiệm là mặc dù các máy bay của ta xuất kích tại các sân bay gần Hà Nội được bảo vệ tốt, nhưng mỗi lần xuất kích địch đều phát hiện được.

Do đó, sau khi bàn bạc, chúng ta đã quyết định đưa máy bay ra các sân bay ở bên ngoài như ở Yên Bái, Thọ Xuân, Mộc Châu, Cẩm Thủy. Đồng thời cũng dùng các trạm ra đa ở bên ngoài để dẫn đường cho máy của ta bay lên chiến đấu với B52.

“Khi xuất kích từ các sân bay bên ngoài phi công sẽ chủ động được tốc độ, độ cao để khi phát hiện B52 có thể tiếp cận nhanh nhất và cuối cùng không dùng ra đa nữa, dùng bắn bằng mắt thường. Qua kinh nghiệm bay lên ban đêm cho thấy, B52 có bật đèn khi bay đêm, nếu dùng ra đa nhiễu sẽ không đánh được và nó tắt đèn chạy mất” – Trung tướng Phạm Tuân nói.

Khoảng 17h ngày 27/12/1972, Trung tướng Phạm Tuân điều khiển máy bay tiêm kích MIG-21 hạ cánh xuống cánh xuống sân bay Yên Bái. Đêm 27/12, địch không đánh phá sân bay Yên Bái. Đến khoảng 22h cùng ngày, Trung tướng Phạm Tuân được lệnh xuất kích từ sân bay này, khi bay qua tầng mây, ông đã nhìn thấy rất nhiều máy bay yểm trợ cho B.52 là F4, nhưng không được đánh và phải bay vòng qua để tìm B52. F4 lúc đó cũng không phát hiện ra MIG-21.


Máy bay tiêm kích MIG-21 do Phạm Tuân điều khiển bắn rơi B52 vào đêm 27/12/1972. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Máy bay tiêm kích MIG-21 do Phạm Tuân điều khiển bắn rơi B52 vào đêm 27/12/1972. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Một lúc sau, MIG-21 nhận được thông báo từ dưới mặt đất là B52 đang cách 200km, rồi khoảng cách tiếp tục được thu hẹp vì bay đối đầu nhau, MIG-21 lúc đó mỗi một phút bay được 30-40km.

Khi ở độ cao khoảng 8km, Trung tướng Phạm Tuân xin được ném thùng dầu phụ để cho máy bay nhẹ hơn, vì thùng dầu phụ nặng, lực cản lớn mà bay vượt tiếng động có thùng dầu phụ rất khó. Vừa ném thùng dầu phụ xong, Trung tướng Phạm Tuân kéo cho máy bay lên ở độ cao khoảng 9km, lúc này tốc độ đạt trên 1.000km/h và bắt đầu vòng vào khu vực có B52 thì nhìn thấy một dãy đèn B52 ở phía trước.

“Hôm đó, liên lạc với mặt đất rất tốt, nghe rõ. Khi chỉ còn cách B52 chừng 3km, tôi nhận được lệnh bắn, nhưng tôi vẫn bảo chờ. Sau đó tôi tiếp tục căn chỉnh, đến lúc vào gần rồi, Sở Chỉ huy ở dưới sốt ruột, sợ tôi ham quá đâm vào máy bay địch nên lệnh cho tôi bắn thoát ly ngay bên trái, lúc đó tôi ngắm và bóp cò hai quả tên lửa và đồng thời kéo máy bay lên lật ngược trở lại thì đã thấy B52 của địch nổ tung. Đấy là trận đầu tiên không quân bắn rơi B52. Chúng tôi vui lắm vì không quân đã hoàn thành nhiệm vụ!” – Trung tướng Phạm Tuân kể.

Đầu tháng 12 năm 1972, Mỹ đình chỉ việc ký Hiệp định Paris, Nixon đe dọa sẽ ném bom hủy diệt Hà Nội, bắt Hà Nội phải “quỳ gối” chấp nhận những điều khoản có lợi cho Mỹ trên bàn Hội nghị ở Paris. Từ tối ngày 18/12 đến ngày 29/12/1972, Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II, huy động 193 máy bay chiến lược B52, hơn 1.077 máy bay chiến thuật các loại, 50 máy bay KC.135 tiếp dầu trên không, 6 tàu sân bay và các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất đánh vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số mục tiêu khác. Liên tục trong 12 ngày đêm, “Pháo đài bay B52” đã rải thảm hơn 20.000 tấn bom, đạn các loại.

Bằng đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, chúng ta đã xây dựng được thế trận Phòng không - Không quân nhân dân rộng khắp, mà nòng cốt là bộ đội phòng không. Kết quả 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay, có 34 chiếc B52; riêng Quân chủng Phòng không – Không quân bắn rơi 53 chiếc, có 32 chiếc B52 (16 chiếc rơi tại chỗ), làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Nguyễn Dương