1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Anh hùng Nguyễn Đình Kiệp và 2 ngày đặc biệt nhất trong đời

(Dân trí) - Sư đoàn 10, quân đoàn 2 tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất, thừa thắng xông lên, tiến thẳng vào Bộ tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn. Hơn 11h ngày 30/4, lá cờ chiến thắng đã ngạo nghễ tung bay trên tòa nhà cao nhất của Bộ tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Kiệp.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Kiệp..

Sau chiến dịch Tây Nguyên, Đại tá Nguyễn Đình Kiệp (SN 1943, trú tại phường Lê Mao, Tp Vinh, Nghệ An - khi đó mang hàm Thiếu tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 mặt trận B3) được bổ nhiệm làm Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Cùng với Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 và Liên đoàn 232, Quân đoàn 3 được lệnh hành quân cấp tốc tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

“Quân đoàn 3 được trên tăng cường cho E (trung đoàn) 64 bộ binh của Sư đoàn 320, E 198 đặc công, E 324 cao xạ và 2 tiểu đoàn xe tăng trong đó có 2 xe tăng M48, M41 thu được của địch ở Tây Nguyên, 1 tiểu đoàn pháo 155 ly thu được của địch cùng trung đội tên lửa điều khiển tầm ngắn A72 của Bộ được pháo binh và cao xạ chi viện. Chúng tôi có nhiệm vụ đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất ngăn chặn địch đổ quân và đánh chiếm Bộ tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn”, Đại tá Nguyễn Đình Kiệp nhớ lại.

3h30 ngày 29/4, E198 đặc công đánh và giữ cầu Bông (nằm trên trục đường 1), cầu Sáng (nằm trên trục đường 15) ngăn chặn địch phá hủy cầu, cản trở sự tiến công của quân giải phóng vào trung tâm Sài Gòn. Địch điên cuồng chống cự nhưng nhanh chóng bị thất thủ, tháo chạy vào nội đô. E64 phát triển đánh chiếm thành quan Năm.

Lực lượng bộ binh đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh tư liệu).
Lực lượng bộ binh đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh tư liệu).

5h30 ngày 29/4, E24 cùng xe tăng xuất kích đánh qua cầu Tham Lương, tiến vào Nhà máy dệt Vinatexco, qua ngã ba Bà Quẹo, tiến sát sân bay Tân Sơn Nhất. Trước đó, vào ngày 28/5, 5 chiếc A35 từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang, Ninh Thuận) do phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đường đã thực hiện lệnh ném bom, phá hủy các cơ sở vật chất của sân bay quân sự nhằm ngăn địch đổ quân chi viện cho nội đô.

“Tại sân bay Tân Sơn Nhất có Bộ tư lệnh không quân và Bộ tư lệnh dù nên dù tổn thất nặng nề từ ngày 28/4 nhưng địch vẫn quyết tâm giữ sân bay. Trên thì máy bay địch, dưới thì pháo kích, xe tăng chống cự quyết liệt các đợt tấn công của ta. Nhưng chúng phải lùi bước trước khí thế thần tốc của quân giải phóng”, ông Kiệp kể.

Lúc này địch bắt đầu tháo chạy hỗn loạn. Chúng vứt bỏ vũ khí, cởi quân phục, chạy chân trần về trung tâm thành phố. Bộ đội ta thu vũ khí, đạn dược của địch bỏ lại, tiếp tục tiến về Sài Gòn. “Trong khí thế tiến công thần tốc, chúng tôi phải gấp rút tiến về Sài Gòn, không kịp cả nấu cơm ăn. Người dân hai bên đường nấu cơm, nắm cùng trứng luộc, thịt luộc ném lên thùng xe cho bộ đội. Quần nhau với địch mệt lử nhưng chúng tôi thấy ấm lòng hơn khi đồng bào Miền Nam sát cánh bên cạnh”, Đại tá Kiệp tâm sự.

AHLLVTND Nguyễn Đình Kiệp kể về 2 ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử,
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Kiệp kể về 2 ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

8h45 ngày 30/4, E24 bộ binh đánh vào cổng số 5 sân bay Tân Sơn nhất sau đó phát triển vào bên trong. E28 đánh theo đường cầu Sáng nhưng do cầu yếu nên phải quay lại, lợi dụng kết quả đánh chiếm của E24, tiếp tục đánh chiếm vào Bộ tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn nằm chếch phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất.

Đến 11h ngày 30/4, E28 tiêu diệt xong lực lượng trong Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa. Nguyễn Duy Tân, Trần Lựu - cán bộ đại đội 10, E28 chỉ huy cắm cờ giải phóng lên nóc tòa nhà cao nhất của Bộ Tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn. “Đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân – chính ủy E28, Dương Hồng Sơn - chủ nhiệm chính trị và Nguyễn Ngọc Quý báo cáo về, khi kiểm soát Bộ Tổng tham mưu chính quyền Sài Gòn, tại phòng làm việc của tướng Cao Văn Viên (đã bỏ trốn ra nước ngoài) và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, phát hiện 1 giấy thông hành, 1 chiếc gậy chỉ huy, 1 bộ quân hàm cấp trung tướng và 1 con dấu tổng thống”, Đại tá Nguyễn Đình Kiệp kể tiếp.

Lúc này, Quân đoàn 2 đã chiếm Dinh Độc Lập, hoàn thành việc cắm cờ giải phóng tại đây. Quân đoàn 3 thay vì tiến vào nội đô như kế hoạch thì được lệnh giữ tại chỗ, cho anh em mặc quần áo mới để cùng với các đơn vị khác vào tiếp quản thành phố.

AHLLVTND Nguyễn Đình Kiệp kể về 2 ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử,
Sau chiến dịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Kiệp được phong tặng danh hiệu AHLLVTND, khi đó ông hơn 30 tuổi.

Nhớ về thời khắc lịch sử đó, vị Đại tá già rưng rưng: “Tôi vinh dự được góp mặt trong 2 chiến dịch lớn là chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh, góp một phần nhỏ bé vào chiến thắng của cả dân tộc. 12 năm ăn cơm lính, 10 năm “đi B”, với tôi, 2 ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh là hai ngày đặc biệt nhất trong đời. Vui sướng, vỡ òa hạnh phúc. Với tôi là 10 năm nhưng với dân tộc là 21 năm để đi đến ngày chiến thắng, đất nước thống nhất. 21 năm đó, bao nhiêu máu đã đổ xuống, bao nhiêu đồng đội tôi đã hi sinh. Nhiều năm về sau này, nghĩ về ngày chiến thắng tôi lại khóc, bao nhiêu đồng đội tôi đã không thể đi đến ngày cuối cùng của cuộc chiến đấu thống nhất đất nước…”.

Với những thành tích trong chiến đấu, ngày 12/9/1975, Đại tá Nguyễn Đình Kiệp được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hoàng Lam