Họ là những đồng đội của ông đã nằm đây 42 năm rồi - cũng là từng ấy năm, lòng ông chưa một ngày nguôi bão. Ông là Phạm Đình Nghiệp - 67 tuổi, quê Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi.
Bây giờ ông Nghiệp cũng không nhớ nổi là mình đã bị thương tổng cộng bao nhiêu lần, chỉ biết rằng ông là người may mắn còn sống để đặt được bước chân của mình đến chặng cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Nhưng với riêng ông, cuộc chiến ấy chưa bao giờ nguôi lặng cả. Ông luôn mang trong lòng mình vết thương rỉ máu. Đó là món nợ với những đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến tranh mà cho đến hôm nay vẫn chưa tìm được xác.
Và ông đã đi tìm họ theo dọc dài những chặng hành quân suốt 21 năm qua, kể từ khi ông trút bỏ chiếc áo xanh trận mạc năm 1989. Quãng thời gian ông đi tìm họ cũng dài bằng cả một cuộc chiến tranh mà ông đã tham gia trước đó!
Thế mới biết, cơn bão của đạn bom cùng những đau thương mà nó gây ra vẫn chưa bao giờ ngừng thổi trong lòng những người lính được “may mắn còn sống” như ông Nghiệp.
“Những trận đánh ập về đầy trí nhớ”
Câu thơ này của một nhà thơ cùng thế hệ chống Mỹ đã vận vào ông Nghiệp suốt mấy chục năm qua. Là lính đặc công của Tỉnh đội Quảng Ngãi, có mặt ngay từ những ngày đầu thành lập, anh thanh niên Phạm Đình Nghiệp “nhập cuộc” khá nhanh.
Hầu như ông không bỏ sót một trận đánh nào của đơn vị, chỉ trừ một trận, sẽ được đề cập ở phần sau của phóng sự này.
Ông Nghiệp đã bật khóc khi phát hiện những mẩu xương đầu tiên.
Những trận “đánh giặc giả” của đám trẻ mục đồng nơi vùng quê bán sơn địa thuộc xã Phổ Cường huyện Đức Phổ cũng đã giúp khá nhiều cho những trận “đánh giặc thật” của Phạm Đình Nghiệp sau này.
Ông nhớ lại: “Năm 1962, tôi quyết định “nhảy núi” và nhập ngay vào đại đội đặc công. Đến năm 1965 thì cuộc chiến tranh đã lan rộng ra khắp địa bàn Quảng Ngãi. Hầu như ngày nào cũng đụng độ, hết lính ngụy đến lính Mỹ.
Trong số hàng trăm trận đánh ấy, có ba trận “để đời” mà không có một chương nào trong các sách quân sự “dạy” cho lính cả. Một ở Đức Hiệp, Mộ Đức; một ở Tịnh Khê, Sơn Tịnh và một ở Bình Hiệp, Bình Sơn.
Không trận nào giống trận nào, nhưng cả ba trận đánh “để đời” ấy có chung một điểm: Đồng đội tôi hy sinh ít nhất, thậm chí như trận Bình Hiệp, không mất một giọt máu nào. Trong chiến tranh, cái giá phải trả cho mỗi thước chiến hào đều được đo bằng máu.
Vì vậy, niềm vui của người chỉ huy hay chiến sĩ qua mỗi trận đánh không hẳn là mình đã giành thắng lợi mà là có bao nhiêu người anh em đã phải ngã xuống? Nếu xương máu ít rơi bao nhiêu thì ý nghĩa của chiến thắng càng lớn bấy nhiêu”.
Chính quan điểm không “nướng” quân nhiều mà vẫn giành thắng lợi vang dội cùng với lối đánh thông minh, bất ngờ và táo bạo đã đưa Phạm Đình Nghiệp trở thành Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân vào tháng 9/1967. Ông đại diện cho lực lượng vũ trang của Quảng Ngãi đi dự Đại hội Anh hùng toàn miền Nam năm 1967 tại Tây Ninh. Đấy là lý do khiến ông vắng mặt trong trận đánh đã làm ông bật khóc vừa rồi.
Một đêm bi tráng
Đầu tháng 12/1967, sau khi tham dự Đại hội Anh hùng toàn miền Nam, ông Nghiệp trở về đơn vị cũ. Món quà quý giá nhất mà ông mang về từ đại hội chính là khẩu súng B40 mà bà Nguyễn Thị Định-Tư lệnh các Lực lượng vũ trang miền Nam tặng đơn vị ông. Dạo ấy (1967), lính đặc công của tỉnh mà có được khẩu B40 là quý lắm.
Đơn vị ông hầu như “đánh chay” bằng thủ pháo là chính. Vị nữ Tư lệnh đã thấu hiểu nỗi lòng của anh lính trẻ, bèn tặng ngay một khẩu B40. Ông Nghiệp giữ nó trên đường đi còn hơn giữ cả bản thân mình.
Trên đường về, ông mường tượng ra cảnh cả đại đội sẽ vui mừng khi nhìn thấy khẩu súng mà từ lâu họ hằng ao ước có được. Thế nhưng, vừa đặt chân về đến Quảng Ngãi thì cũng là lúc ông nhận hung tin: Cả Đại đội đặc công 506A của ông đã hy sinh gần hết sau trận đánh vô quận lỵ Nghĩa Hành!
Ông Nguyễn Dân, một đồng đội cũ của ông Nghiệp thuật lại trận đánh đau đớn ấy: Chuẩn bị cho tổng tấn công Mậu Thân - 1968, ngày 1/1/1968, đơn vị đặc công 506A nhận nhiệm vụ đánh vào quận lỵ Nghĩa Hành. Nếu chiếm được quận lỵ này, chúng tôi sẽ làm bàn đạp đánh về tỉnh lỵ Quảng Ngãi cách đó 10km.
Là đại đội đặc công chủ lực nên nhận nhiệm vụ đánh mũi chính. Kế hoạch là 4 giờ sáng sẽ nổ súng, nhưng mới 3 giờ, một chiến sĩ của ta đã vướng phải mìn. Kế hoạch bị lộ, địch đối phó nhanh, ta thì chưa triển khai được đội hình nên toàn bộ 100 chiến sĩ phơi mình trên đất trống.
Pháo bầy, pháo chụp từ khắp nơi trong tỉnh Quảng Ngãi “trút” về quận lỵ Nghĩa Hành. Pháo sáng của địch có thể soi thấy từng con kiến nên 100 chiến sĩ của ta từng gan dạ là thế, lúc này trở thành “mồi ngon” của địch. Hai giờ chiều hôm đó, chúng gom tất cả anh em lại và lùa xuống các đoạn mương của giao thông hào quanh quận lỵ và lấp lại”. Ông Nghiệp bùi ngùi, chỉ tay vào số hài cốt vừa mới bốc lên: “Tôi mà về kịp chuyến đó, chắc cũng nằm trong số anh em đây”.
Số hài cốt liệt sĩ đã tìm thấy.
Anh hùng bật khóc
Là cán bộ đại đội, từng chỉ huy hàng trăm trận đánh nhưng rất ít tổn thất, giờ chứng kiến cả đại đội phải hy sinh như thế, ông Nghiệp rất tức. Đó là cái tức của một người chỉ huy bất lực trước một trận đánh mà mình không phải là người trong cuộc.
Ông trút giận xuống hàng trăm trận đánh khác cho đến hết cuộc chiến tranh, trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công Quân khu 5 rồi trung đoàn trưởng cho đến ngày về hưu. Thế nhưng, nỗi ám ảnh về cái đêm tang thương ấy vẫn theo đuổi ông không dứt.
“Tôi luôn day dứt về trận đánh quá nhiều mất mát ấy nên quyết tâm phải đưa anh em mình về nghĩa trang cho bằng được. Quận lỵ Nghĩa Hành ngày ấy trống hoang, giờ nhà cửa lấp đầy lên hết nên việc xác định nơi mà địch đã lùa xác anh em mình xuống đó là vô cùng khó.
Tôi quyết định tìm đến các nhà ngoại cảm ở Hà Nội. Cứ tưởng đơn giản, hóa ra phức tạp quá”. Ông Nghiệp chỉ nói một câu ngắn gọn, đúng chất lính đặc công nhưng tôi thì đọc trong hai từ “phức tạp” ấy là cả một quãng trần ai mà ông đã nếm trải để tìm cho ra địa điểm mà đồng đội ông đã bị chôn vùi suốt 42 năm qua.
Hai lần ông làm tờ trình xin tỉnh để hỗ trợ khai quật sau khi đã xác định được địa điểm nhưng cả hai tờ trình ấy đều không được phúc đáp. Cám cảnh trước nỗi day dứt của cha, đứa con trai đã biếu ông 5 triệu để ông thuê nhân công và tự đào!
Thuê được người đào rồi, lại chợt nghĩ nếu nhỡ gặp mìn sót lại thì nguy hiểm quá, lại đi thuê người rà mìn. Ngày 29/8/2010, ông bổ nhát cuốc đầu tiên trên một diện tích 36 mét vuông đã được xác định. Sau ba ngày đào đào bới bới, những đống đất đen lộ ra. Lại gặp nước ngầm, cần phải có máy bơm nước, nhưng ... hết tiền!
Bí quá, ông mang toàn bộ công văn giấy tờ xuống gặp trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hòa Bình. Ông Bình được trung ương điều về mới đây nên không nắm rõ sự tình. Nghe ông Nghiệp quá tha thiết trước một việc nghĩa tình như thế, đích thân ông Bí thư chỉ đạo công cuộc tìm kiếm.
Việc khai quật được khởi động lại vào ngày 17/9. Bốn ngày sau, 21/9, những mẩu xương nằm lẫn với đồ quân trang của bộ đội đặc công đã được tìm thấy trong hố khai quật. Lần lượt 1 rồi 5, 7, đến ngày 24/9/2010 đã là 79 bộ hài cốt được lấy lên.
Khi những mẩu xương đầu tiên được đưa lên khỏi mặt đất, ông Nghiệp đã khóc òa như một đứa trẻ. Quốc kỳ đã phủ lên từng thi thể các anh. Ông Nghiệp đi dọc theo “hàng quân” như thuở nào và nhẩm tên từng chiến sĩ: Này là Chiến hay cười đỏ mặt mỗi khi bị trêu chọc; này là Tuệ có chiếc răng khểnh và hay e thẹn như con gái; đây là Hưng dễ mủi lòng nhưng đánh giặc thì rất cừ khôi...
Ông Nghiệp đã nói thầm những gì với họ, chỉ có ông mới biết, nhưng câu này thì chắc chắn là ông đã dốc cạn lòng mình: “Tôi đã không xấu hổ với các anh!”.
Tôi biết ông Nghiệp là đại biểu được ban tổ chức mời ra Hà Nội dự lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới, nhưng ông đã gác qua niềm vinh dự đó để ở lại với anh em. Nghĩa cử đó đủ để ông nhận thêm một lần anh hùng nữa trong lòng những người đã khuất.
Theo Trần Đăng
Báo Lao động