1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ăn xin “trù úm” thí sinh để xin tiền phụ huynh

(Dân trí) - “Keo kiệt, bủn xỉn thế này thì con không bị đình chỉ thi cũng còn lâu mới đỗ” - không xin được tiền, cụ bà ăn xin lớn tiếng “trù úm” cha con một thí sinh trước khi bỏ đi…

Hơn 5 giờ sáng ngày 9/7, trước cửa Học viện Hành chính Quốc gia, rất nhiều phụ huynh và thí sinh đã có mặt sớm để chuẩn bị cho môn thi đầu tiên của đợt 2. Thế nhưng, họ cũng sớm bị một số người ăn xin, già có trẻ có, bám riết để xin tiền và “khủng bố tinh thần”.

Nếu phụ huynh rút “hầu bao” thì không sao, còn nếu họ lắc đầu thì lập tức những người ăn xin “trở mặt”: “Keo kiệt, bủn xỉn thế này thì con không bị đình chỉ thi cũng còn lâu mới đỗ”, không được cho tiền, một cụ bà ăn xin lớn tiếng “úm” cha con bác Liêm (Phú Thọ) trước khi bỏ đi vì “tội” không cho tiền làm hai cha con “xanh mặt”.
 
Ăn xin “trù úm” thí sinh để xin tiền phụ huynh - 1
Phụ huynh sẽ bị cụ bà ăn xin này “úm” nếu không cho tiền (Ảnh chụp trước cổng HV Hành chính Quốc gia)
 
“Tôi đến sớm để tránh tắc đường, vừa đến nơi "đụng" ngay cụ bà này. Lúc đến xin, bà ta nói nài nỉ tử tể lắm nhưng khi mình không cho thì bị chửi ngay vào mặt thế đấy. Bà ta đi rồi tôi vẫn thấy tức trong người”, bác Liêm nói.
 
Điệp khúc của cụ bà này được lặp đi lặp lại với nhiều người dám nói lời từ chối. Vì thế nhiều phụ huynh đành bấm bụng rút tiền cho ngay để được nhận lời chúc phúc thi tốt thay vì bị “úm” con, em thi trượt.
 
“Tôi chẳng có đồng tiền lẻ nào trong người nên phải vay tạm 5.000 đồng của chị hàng nước đưa cho bà cụ ăn xin” - một bà mẹ đưa con đi thi cho hay.
 
Ăn xin “trù úm” thí sinh để xin tiền phụ huynh - 2
Không muốn bị xui xẻo chỉ còn cách rút hầu bao.
 
Dịp thi cử luôn là “thời cơ” để những người ăn xin tranh thủ kiếm tiền. Tại nhiều điểm thi khác như trước cổng trường ĐH Ngoại thương, ĐH KHXH&NV Hà Nội… đều có bóng dáng ăn xin đến “chầu chực” từ sáng sớm.
 
Nghe một cụ bà ăn xin “chửi đổng” một phụ huynh: “Sống thất đức thế này mà cũng muốn con đỗ đại học à?” trước cổng trường ĐH KHXH&NV, cô hàng nước ngồi gần đó lắc đầu: “Bà ta chửi ghê chưa? Mà bà ta có phải đi ăn xin thật đâu, hàng ngày ngồi bán chè xanh trong đường Hạ Đình, mấy ngày thi đổi nghề kiếm thêm đấy”.
 
Hoài Nam